29/09/2015 - 22:02

Doanh nghiệp ngành nông nghiệp ĐBSCL:

Củng cố nội lực để vững vàng hội nhập

* Thu Minh

Kỳ 3: Chính sách phát triển nông nghiệp vẫn chưa sát thực tiễn

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để phát triển nông nghiệp, chủ động hội nhập, cần cơ chế để thúc đẩy doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp. Chính sách phải khả thi, đủ mạnh để thu hút DN; trong đó, chú trọng 3 yếu tố: đất đai, vốn và thị trường. Song, các chính sách phát triển nông nghiệp hiện tại dù đã thoáng hơn, ưu đãi hơn nhưng chưa đủ sức tạo nên cuộc cách mạng trong nông nghiệp.

Chính sách "trói" chân DN

Mới đây, tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã nhận định: "Mỗi địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều xây dựng đề án riêng dựa trên lợi thế của địa phương nhưng thiếu thông tin về thị trường, tính liên kết, hợp tác giữa các chủ thể trong chuỗi sản xuất và giữa các địa phương, giữa vùng ĐBSCL với vùng khác không cao nên chưa giải quyết được tình trạng "được mùa, rớt giá" trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Triển khai chính sách hỗ trợ nông nghiệp chậm, thiếu nguồn lực, hoặc thời gian thực hiện chính sách quá ngắn, nên khó khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp". Chẳng hạn Nghị định 210 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 10-2-2014) về khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp- nông thôn, năm 2015, cả nước được bố trí 200 tỉ đồng từ ngân sách hỗ trợ cho DN đầu tư, trong đó, vùng ĐBSCL chỉ có Bến Tre được hỗ trợ 10 tỉ đồng! Một số quy định của Nghị định 210 chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất tại các địa phương, nên không khuyến khích được DN lớn đầu tư chuỗi, còn DN vừa và nhỏ thì "với" không tới.

 Với vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao hơn 5.600ha, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ sản xuất khép kín từ đầu vào đến đầu ra, chủ động cung ứng sản phẩm lúa gạo phục vụ xuất khẩu. Ảnh: MINH HUYỀN

Bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: Nghị định 210 chỉ đặc trưng cho các huyện nông nghiệp. DN muốn hưởng chính sách ưu đãi khi đầu tư vào TP Cần Thơ thì chỉ có thể đầu tư tại 4 huyện: Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh. Thành phố hiện có 3 Khu nông nghiệp công nghệ cao, nhưng chưa có nhà đầu tư. Vừa qua, có một DN đến khảo sát tìm hiểu đầu tư dự án sản xuất giống thủy sản nhưng đến nay DN này chưa phản hồi thông tin. Phải nói là rất nhiều khó khăn khi đề xuất danh mục ưu tiên đầu tư ở các ngành, lĩnh vực có liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. Ngay bản thân ngành nông nghiệp cũng đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành nên vẫn chưa đề xuất được thêm danh mục nào ngoài 3 dự án khu nông nghiệp công nghệ cao đã phê duyệt trước đó.

Chính sách hỗ trợ chưa hấp dẫn nên DN thường đắn đo khi đầu tư sản xuất. Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, nói: "Công ty có 5.664ha diện tích vùng nguyên liệu, trong đó 5.000ha chuyên trồng giống Jasmine 85, đảm bảo sản xuất khép kín từ A-Z trong cả chuỗi giá trị. Diện tích sản xuất lúa của công ty được công nhận là "cánh đồng lớn" nhưng chúng tôi vay vốn với lãi suất 7,5-8,5%/năm". Ông Khải cho rằng, sản phẩm lúa gạo là "hàng nằm", công ty thu mua trực tiếp của nông dân một năm khoảng 45.000 tấn lúa và phải trữ trong 5-6 tháng. Nếu mua lúa với giá 6.300 đồng/kg, trữ trong 5-6 tháng, tính thêm chi phí lãi suất, bao bì, bốc xếp, lưu kho, hao hụt, công ty phải bỏ ra thêm từ 450-500 đồng/kg lúa. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho "cánh đồng lớn" nhưng chưa cụ thể, DN còn khó tiếp cận. Mặt khác, Chính phủ hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ lúa gạo, DN đầu tư "cánh đồng lớn" và DN gạo không đầu tư "cánh đồng lớn" vẫn hưởng chính sách ưu đãi như nhau khi mua tạm trữ! Đối với ngành cá tra, ông Lương Hoàng Mãnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phẩn Thủy sản MeKong, TP Cần Thơ, cho biết: "Nghị định 36 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra của Chính phủ quy định đảm bảo cho người nuôi cá tra lãi ít nhất 10% là sai từ định hướng ban đầu. Một số DN chịu không nỗi áp lực cạnh tranh được Nhà nước hỗ trợ để gượng lại nhưng cũng chỉ là kéo dài thời gian chết! Lẽ ra nên để quy luật thị trường quyết định, DN nào yếu kém sẽ tự đào thải". Người nuôi phải vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi, khi đến hạn trả nợ cho ngân hàng, không có DN mua nên buộc phải bán rẻ để trả nợ. DN cũng vậy, vốn từ ngân hàng là mạch máu nuôi sống DN, đôi khi DN phải bán giá thấp để quay vòng vốn. DN và người nuôi vẫn trong vòng lẩn quẩn không thoát ra được nếu bài toán vốn chưa được giải quyết.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh tại Cần Thơ, nói: "Sự gắn kết giữa ngân hàng với DN bắt đầu tốt hơn, sẵn sàng chia sẻ những mong muốn của nhau. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề phải bàn". Ông Lam cho rằng, trong khâu thẩm định hồ sơ vay vốn, không phải ngân hàng nào cũng có thể thẩm định tốt. Các ngân hàng hiện nay cho vay theo "mối quan hệ", họ biết chủ DN, quá trình hoạt động của DN như thế nào mới cho vay. Có những DN trước đây kinh doanh không tốt nhưng giờ đây nếu có cơ hội họ sẽ làm tốt hơn, nhưng ngân hàng viện lý do trong quá khứ DN chưa tốt nên rất ngại cho vay. Về phía DN, cách thức tiếp cận với ngân hàng chưa chủ động, ngân hàng hướng dẫn các thủ tục gì là DN làm theo, làm để chống chế, để đủ thủ tục. Cho nên cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng của những DN mới, DN mới khởi nghiệp rất hạn chế.

Thiếu đầu tư chiến lược

Các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp nhận định: Triển khai các dự án nông nghiệp, người nông dân có thể giao đất cho DN bằng nhiều hình thức, nhưng khả thi nhất là nông dân góp quyền sử dụng đất vào DN. Đây là mô hình khả thi, nhưng để nông dân tin tưởng giao đất cho DN là điều không dễ dàng, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược dài hạn. Ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết: "Hiện một số hợp tác xã (HTX) trong tỉnh thực hiện việc thuê lại đất của xã viên. Các trang trại đang thực hiện thí điểm việc tập trung ruộng đất theo hình thức đổi đất, sang nhượng đất trong dòng họ, thân tộc với nhau. Tuy nhiên, hình thức này không thể nhân rộng nhanh được vì không có nhiều gia đình đồng ý. Việc tích tụ ruộng đất thì không thể thực hiện được vì vi phạm Luật Đất đai; hơn nữa còn phải có lộ trình tạo công ăn việc làm cho số lao động không còn đất sản xuất. Ba chủ thể chính trong liên kết và tiêu thụ (DN, HTX và nông dân) tuy đã thấy được lợi ích từ liên kết, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất, do chưa hài hòa lợi ích". Bà Nguyễn Thị Minh Kiều, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, cho biết: "Các DN ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân chưa thực sự ổn định và bền vững. An Giang có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, song chất lượng, thương hiệu và sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp, chưa có nhiều sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh"...

Ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX) nói: DN bán giá nào thì mua nguyên liệu với giá tương ứng. Sản phẩm cá tra được kiểm soát quy trình nuôi, không có kháng sinh, hóa chất, có thể bán được giá 3,6 USD/kg, nuôi sinh thái có thể bán 7 USD/kg nhưng không thể làm giá tới mức đó, mà chỉ bán trong khoảng 2,5 USD/kg.

Còn theo phản ánh từ DN, để cạnh tranh và hội nhập, DN đã nỗ lực hết sức mình, song có rất nhiều nguyên nhân khiến DN chùn bước. Ông Nguyễn Trọng Huy, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bến Tre, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Huy Thuận, cho biết: "Tôi làm trong ngành tôm 20 năm. Hiện các nước nhập khẩu đưa ra hàng rào kỹ thuật rất nhiều và đòi hỏi chất lượng cao. Sản xuất nông sản trong thời kỳ hội nhập cần theo chuỗi, không thể làm khác được, mặt hàng tôm xuất khẩu chỉ cần một mẫu không đạt chất lượng thì ảnh hưởng đến tất cả các lô hàng. DN cố gắng tìm thị trường và cũng rất mong có chính sách hỗ trợ làm lực đẩy trong nước nhưng nhiều chính sách đang trói DN. Khi xuất khẩu, chúng ta phải theo yêu cầu của các nước nhập khẩu, không nên tự đặt ra các tiêu chuẩn theo ý chí của mình. Tôi xuất tôm ra nước ngoài, họ không cần VietGAP mà họ yêu cầu tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC…". Ông Phạm Minh Thiện, Phó Giám đốc DNTN Cỏ May, tỉnh Đồng Tháp, nói: "Những năm gần đây, sản lượng lúa gạo của vùng tăng rất nhanh, nhưng giá cả không ổn định. Thị trường thấp điểm, cả nông dân và DN đều khó, áp lực rất lớn. Rõ ràng điều tiết quy hoạch sản xuất chưa gắn với cung- cầu thị trường. Đồng Tháp có vùng trồng ớt ở Thanh Bình, xoài cát ở Cao Lãnh, quýt hồng ở Lai Vung... lợi nhuận cao hơn trồng lúa, nên giá lúa cao hay thấp họ không quan tâm!". Việt Nam tự hào xuất khẩu gạo trong tốp đầu thế giới nhưng nông dân không thể giàu lên. Chỉ vì quá chú trọng số lượng mà thiếu quan tâm đầu tư chất lượng.

Một thực tế khác, sự "bí hiểm" của một số thương nhân, thương lái Trung Quốc trong thu mua nông sản tại ĐBSCL thời gian qua cũng làm cho DN Việt đau đầu. Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) tỉnh An Giang, cho biết: "Để chế biến sản phẩm rau quả xuất khẩu, Antesco thu mua nguyên liệu từ Ninh Thuận đổ vào đến các tỉnh thành ĐBSCL. Công ty cũng gặp khó do thương lái Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh khi thu mua nguyên liệu, nên nhiều lúc bị động. Điều này cũng như ảnh hưởng đến mức độ cam kết của bà con nông dân với DN Việt và uy tín của nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới. Các DN Việt Nam muốn tồn tại phải cố gắng xử lý các vấn đề nêu trên và nếu như tương lai nếu có chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ tốt hơn". Rõ ràng, ĐBSCL đang chứa trong mình những tiềm năng sản sinh ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Nhưng đang vướng về cách làm, chính sách hỗ trợ để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Do đó, đổi mới sáng tạo, đưa công nghệ vào sản xuất là một trong những giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị cho nông sản. Dù mới chỉ là vệt sáng, nhưng nhiều DN vùng ĐBSCL đã nhận ra cần sản xuất theo chuỗi để hội nhập chủ động.

Kỳ 4: Sản xuất theo chuỗi

Chia sẻ bài viết