Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý II-2022 so với quý I, với 85,4% doanh nghiệp (DN) dự báo tăng và giữ nguyên. Đây là tín hiệu đáng mừng sau 2 năm khó khăn chồng chất vì cơn bão “đại dịch COVID-19” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của DN.
Tín hiệu tích cực

Theo Tổng cục Thống kê, trong số 6.500 DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được chọn khảo sát, có 5.472 DN trả lời cho biết, quý I-2022, DN đã có nhiều phương án để khắc phục khó khăn, đảm bảo ổn định và phát triển sản xuất. Nhờ đó, 62,4% DN đánh giá hoạt động SXKD quý I-2022 tốt hơn so với quý IV-2021; 35,8% DN đánh giá khó khăn hơn.
Tuy nhiên, dự báo quý II-2022, DN cho biết tình hình SXKD sẽ khả quan hơn, với 50% dự báo tốt hơn, 32,3% dự báo ổn định; con số dự báo khó khăn hơn chỉ 17,7%. Trong khi quý IV-2021, con số dự báo khó khăn hơn đến 24,9%.
GDP quý I năm nay ước tăng 5,03%; trong khi cùng kỳ năm 2020 tăng 3,66%, năm 2021 tăng 4,72%. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ phục hồi tích cực; xuất khẩu tăng. Tín dụng tăng 5,04% (cùng kỳ năm 2021 tăng 1,26%), chứng tỏ nền kinh tế đang có nhiều khởi sắc, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh tăng, cho thấy niềm tin của DN vào đà phục hồi kinh tế ngày càng vững chắc.

Các DN cho biết, dịch COVID-19 vẫn đang tác động trực tiếp đến hoạt động SXKD. Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, tương tự như quý I các năm trước, chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD quý I năm nay cũng có xu hướng giảm so với quý IV-2021. Tuy mức giảm không sâu, nhưng cũng là mức giảm thấp trong 5 năm gần đây.
Trong quý đầu năm nay, số ca nhiễm COVID-19 tăng cao, nhiều lao động phải nghỉ việc để cách ly gây ra tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời trong DN, gây khó khăn cho hoạt động SXKD của DN. Vì vậy, chỉ số cân bằng chung quý II so với quý I-2022 là 32,3% (50% DN dự báo tăng, 17,7% DN dự báo giảm). Khu vực DN FDI có chỉ số cân bằng cao nhất với 37,7% (53% dự báo tăng, 15,3% giảm); khu vực DN nhà nước 36,2% (52,6% tăng, 16,4% giảm); khu vực DN ngoài nhà nước 29,8% (48,6% tăng, 18,8% giảm).
Mặc dù có những tác động, nhưng DN khá lạc quan khi nhận định về số đơn đặt hàng mới. Quý I năm nay tăng so với quý IV-2021, với tỷ lệ 66,6% DN cho biết tăng và giữ nguyên. Sang quý II, 83,7% dự báo tăng và giữ nguyên (46,6% dự báo tăng, 37,1% giữ nguyên), chỉ 16,3% DN dự báo đơn hàng mới giảm.
Cùng với đà phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia trên toàn cầu, nhu cầu nhập khẩu tăng; đặc biệt là nhiều DN đang tận dụng khá tốt các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết. Các DN dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý II khả quan hơn, với 85,4% cho biết tăng và giữ nguyên (40,3% tăng, 45,1% giữ nguyên) so với quý đầu năm nay. Chỉ có 14,6% dự báo đơn hàng xuất khẩu giảm.
Bên cạnh đó, dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt, với các biện pháp nới lỏng hơn là động lực để DN tin tưởng duy trì và mở rộng SXKD. Dự báo về sử dụng lao động trong quý II, có tới 89,7% DN cho biết tăng và giữ nguyên, chỉ có 10,3% dự báo giảm.
Dự báo quý II so với quý I-2022, có 17,1% DN dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm tăng; 51,8% DN dự báo giữ nguyên khối lượng tồn kho thành phẩm; 31,1% DN dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm giảm. Theo các chuyên gia, thời điểm hiện tại, việc giảm tỷ lệ tồn kho thành phẩm trong DN cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương trong kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, cũng là giải tỏa bớt các áp lực chi phí lưu kho, vòng quay vốn cho DN.

Tăng thêm động lực cho DN
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý I năm nay, cả 3 khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng dương. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với mức tăng 7,79%. Khu vực dịch vụ đóng góp 43,16% vào tăng trưởng chung, với mức tăng 4,58% (gấp 1,5 lần so với cùng kỳ 2020-2021); đặc biệt ngành bán buôn, bán lẻ tăng 2,98%, vận tải kho bãi tăng 7,06% đã chứng tỏ đà phục hồi kinh tế đang khởi sắc.

May gia công tại Công ty CP May Meko Cần Thơ. Ảnh: T.H
Quý đầu năm, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; các bộ, ngành và địa phương đã chủ động, bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Đây là nền tảng để thúc đẩy phục hồi và phát triển cả năm 2022. Song, việc quyết tâm thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” cần sự chỉ đạo thống nhất, sự phối hợp đồng bộ và có trọng tâm giữa các cơ quan liên quan, các địa phương và sự chủ động tái cấu trúc của DN.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi, từ năm 2022 trở đi, dự kiến GDP sẽ tăng 6,5-7%. Sự phục hồi này sẽ được sự hỗ trợ bởi đà phục hồi kinh tế toàn cầu đang bền vững hơn, tỷ lệ bao phủ vaccine trong nước cao và các quyết tâm, động lực chuyển đổi nền kinh tế số của Việt Nam.
Một số yếu tố được kỳ vọng sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam được ADB đưa ra là: sự nhất quán và quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện thể chế (bao gồm cả bối cảnh thể chế kỹ thuật số), hội nhập quốc tế sâu rộng hơn như được trình bày với việc nước này tham gia vào 16 FTA song phương và đa phương, khu vực tư nhân năng động và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu trẻ, hiểu biết về công nghệ, mang lại nhiều cơ hội cho thị trường lao động, người tiêu dùng trong nước lợi thế của quá trình chuyển đổi số của đất nước.
Bên cạnh đó, các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, chuyển đổi số, đổi mới công nghệ; cải cách thủ tục hành chính nhanh gọn, khuyến khích sáng tạo, đổi mới… đang được đẩy mạnh sẽ tạo động lực và cơ hội cho DN phát triển.
GIA BẢO