02/11/2008 - 08:55

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII:

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt kết quả như mong đợi

Ngày 31-10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe và thảo luận các báo cáo của Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2008 và Tờ trình của Chính phủ về Luật Bồi thường nhà nước.

Qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đều khẳng định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng là một trong những giải pháp được ưu tiên hàng đầu và rất quan trọng, góp phần tích cực, có hiệu quả vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, các vị đại biểu Quốc hội cũng cho rằng: công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt kết quả như mong đợi. Đây là các vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm và chú ý theo dõi.

Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định), Bùi Thị Bình (Hòa Bình) đánh giá: báo cáo của Chính phủ về vấn đề này cũng còn chung chung, chưa nêu cụ thể đơn vị, địa phương làm tốt hay chưa tốt nên chưa thể phê bình hay biểu dương kịp thời. Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), những phân tích chưa rõ trong báo cáo của Chính phủ còn thể hiện ở chỗ chưa nêu lên được lãng phí do chất lượng qui hoạch kém, đầu tư không đúng, thời gian thực hiện kéo dài từ việc cắt giảm, ngừng triển khai, giãn tiến độ một số dự án xây dựng cơ bản...Các đại biểu cũng chỉ ra một số mặt chưa tiết kiệm, còn rất lãng phí, xuất phát từ cơ chế chính sách chưa rõ ràng, cơ chế kiểm tra xử lý chưa nghiêm...

Để khắc phục tình trạng trên, các đại biểu đề xuất Chính phủ cần tiếp tục rà soát lại các lĩnh vực dễ gây thất thoát như khai thác tài nguyên, sử dụng đất đai, ngân sách nhà nước cho các chương trình, mục tiêu quốc gia; từ đó công khai minh bạch trong chính sách quản lý các lĩnh vực này.

Các đại biểu cũng cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) còn bất cập là do chúng ta thiếu một cơ chế phù hợp. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ cần có định hướng và lộ trình cụ thể cho việc hoàn thiện thể chế cho công tác phòng ngừa và chống tham nhũng. Một vấn đề được nhiều đại biểu đề cập là nhiều vụ án tham nhũng khi mới phát hiện tưởng chừng như rất nghiêm trọng nhưng sau đó đưa ra xét xử bị tòa tuyên án nhẹ, thậm chí trắng án... Để nâng cao năng lực phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, các đại biểu đề nghị cơ quan thanh tra khi phát hiện dấu hiệu phạm tội phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra, đồng thời Chính phủ phải rà soát các vụ việc mà cơ quan thanh tra đã làm rõ để xử lý hình sự; khắc phục tình trạng thanh tra phụ thuộc vào chính quyền cùng cấp dẫn đến tình trạng mất độc lập, khách quan.... Bên cạnh đó, Quốc hội cần nâng cao vai trò giám sát, kết hợp việc giám sát phát hiện với giám sát giải quyết một số án tham nhũng cụ thể, nghiêm trọng, kéo dài.

Về tiết kiệm, chống lãng phí nhiều đại biểu bày tỏ rất bức xúc, đại biểu Nguyễn Văn Lưu (Cà Mau) liệt kê ra một vài loại lãng phí mà ai cũng có thể nhìn thấy, phải chịu đựng, phải chung sống nhưng chậm được khắc phục, như lãng phí thời gian, giấy tờ của công dân hoặc doanh nghiệp do thủ tục hành chính. Đây chính là rào cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp gây tổn thất và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của kinh tế. Lãng phí đất đai do quy hoạch treo, do dự báo không sát tình hình, công tác quản lý, sử dụng chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tình trạng giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng, thu hồi đất sai quy định, không đúng thẩm quyền .....Đại biểu Lưu cho rằng, lãng phí do ô nhiễm môi trường, do thu hút đầu tư, chỉ thấy lợi ích trước mắt, không kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá và kiểm soát tác động môi trường và xử lý chất thải, điển hình một số đơn vị vi phạm lớn như Hundai, Vinasin, Vedan, Miwon, ...

Buổi sáng thứ 2 (3-11), Quốc hội thảo luận ở tổ.

HỒNG QUÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết