27/10/2010 - 21:39

Cải cách thủ tục trong lĩnh vực tư pháp

Còn gây khó cho dân!

Sau hơn 3 tháng triển khai, thực hiện, đến nay Bộ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp được quy định tại Quyết định số 1726/QĐ-UBND (ngày 29-6-2010) của UBND TP Cần Thơ về việc công bố sửa đổi, bổ sung Bộ thủ tục hành chính chung áp dụng tại quận, huyện trên địa bàn thành phố và Quyết định số 1730/QĐ-UBND (ngày 30-6-2010) của UBND TP Cần Thơ về việc công bố sửa đổi, bổ sung Bộ thủ tục hành chính áp dụng tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã bộc lộ một số khiếm khuyết. Theo đó, thẩm quyền chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản... chưa phù hợp với quy định pháp luật, cần được sửa đổi, bổ sung để ngày một hoàn thiện hơn...

* Phòng Tư pháp cấp huyện chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản?

Cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh đang tiếp công dân. 

Theo QĐ số 1726/QĐ-UBND, ngày 29-6-2010, của UBND TP Cần Thơ, trong lĩnh vực tư pháp có 18 thủ tục hành chính, trong đó, có thủ tục chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Phòng Tư pháp cấp huyện. Bà Nguyễn Thị Loan, cán bộ Địa chính - Xây dựng xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Trước đây, chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, khai nhận di sản do cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã thực hiện. Từ ngày 20-7-2010, Phòng Tư pháp cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền chứng thực thủ tục này (Theo QĐ số 1726/QĐ-UBND). Tuy nhiên khi thực hiện, người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc đi lại. Cụ thể, để hoàn tất thủ tục này, ban đầu, các thành viên trong gia đình đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện để ký tên vào văn bản. Đủ các loại hồ sơ theo quy định, cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sẽ ra phiếu hẹn và gởi thông báo về UBND cấp xã niêm yết. Sau 30 ngày, người dân đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện để nhận kết quả, rồi mang về bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã để tiến hành thực hiện thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất theo Quyết định số 708/QĐ-UBND ngày 16-3-2010 của UBND TP Cần Thơ về việc ban hành quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ thuộc lĩnh vực đất đai theo mô hình một cửa liên thông từ cấp xã đến cấp huyện trên địa bàn TP Cần Thơ. Như vậy, để hoàn tất các thủ tục thừa kế, đăng ký quyền sử dụng đất, người dân phải đi lại tới lui ít nhất là 5 lần (2 lần đến huyện và 3 lần đến xã)”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ khi thủ tục chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản được giao về Phòng Tư pháp thực hiện, đã gây không ít khó khăn cho người dân. Ông Nguyễn Văn Tâm, người dân ở xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Từ nhà tôi đến UBND huyện khoảng 15 cây số. Không phải người dân nào cũng rành thủ tục, khi làm thủ tục chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, tôi vừa tốn thời gian, vừa tốn kém chi phí đi lại bổ sung hồ sơ theo quy định”. Ông Trần Tấn Lợi, Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Khi chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, theo quy trình thì cán bộ tư pháp yêu cầu người dân phải xuất trình nhiều loại giấy tờ để đối chiếu như: Giấy chứng tử của người chết để lại di sản; tờ khai hộ tịch; giấy chứng nhận kết hôn của vợ chồng người chết để lại di sản (nếu có); giấy khai sinh của tất cả những người con của người chết để lại di sản, kể cả con riêng hoặc con nuôi; giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu (hoặc giấy tạm trú) của tất cả những người thừa kế của người chết theo hàng thừa kế được hưởng di sản và những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp đối với các tài sản do người chết để lại. Với 6 loại giấy tờ bắt buộc nêu trên đã phần nào đã gây khó khăn cho người dân. Theo tôi, có những loại giấy tờ không cần thiết bổ sung như: Giấy khai sinh của tất cả những người con của người chết để lại di sản, kể cả con riêng hoặc con nuôi mà chỉ cần giấy khai sinh của những người con không có tên trong hộ khẩu cha, mẹ; còn những người có tên trong sổ hộ khẩu thì không cần thiết. Và, chỉ cần giấy chứng minh của những người thừa kế, không cần sổ hộ khẩu (thay vì phải có giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu (hoặc giấy tạm trú) của tất cả những người thừa kế của người chết theo hàng thừa kế được hưởng di sản)”...

* Cần sửa đổi, bổ sung

Theo Báo cáo của Tổ Công tác Đề án 30 TP Cần Thơ về tình hình kiểm tra việc thực hiện Bộ thủ tục hành chính áp dụng tại cấp huyện và cấp xã, qua nghiên cứu, đối chiếu với quy định pháp luật và tình hình thực tế của địa phương, Sở Tư pháp TP Cần Thơ xét thấy Bộ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp được quy định tại Quyết định số 1726/QĐ-UBND; Quyết định số 1730/QĐ-UBND đã bộc lộ khiếm khuyết ở một số thủ tục hành chính. Trong lĩnh vực công chứng, chứng thực, hiện nay có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định còn chồng chéo, chưa được thực hiện tách bạch rõ ràng 2 lĩnh vực này và đang còn có hiệu lực thi hành, như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Công chứng, nhiều văn bản dưới luật của bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thi hành. Chính vì vậy, trong quá trình thực thi công tác công chứng, chứng thực tránh làm xáo trộn mất trật tự xã hội, định hướng từng bước xã hội hóa về công chứng... nên thời gian qua, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên - Môi trường ban hành Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13-6-2006 hướng dẫn công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất thì chỉ có cơ quan công chứng, UBND xã, phường, thị trấn mới có thẩm quyền công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Riêng Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao được thực hiện việc xác nhận hợp đồng, văn bản về bất động sản trong các khu nói trên.

Năm 2008, Bộ Tư pháp tiếp tục ban hành Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25-8-2008 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18-5-2007 của Chính phủ về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. Theo đó, Thông tư này có quy định: “Để tạo điều kiện cho Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã tập trung thực hiện tốt công tác chứng thực bản sao, chữ ký theo quy định của Nghị định 79/2007/NĐ-CP; đồng thời, từng bước chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Công chứng, góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức, UBND cấp tỉnh cần thực hiện các biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương; căn cứ vào tình hình phát triển của tổ chức hành nghề công chứng để quyết định giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Trong trường hợp trên địa bàn huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng thì người tham gia hợp đồng, giao dịch được lựa chọn công chứng của tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn khác hoặc chứng thực của UBND cấp xã theo quy định”.

Trước những khiếm khuyết trong việc thực hiện thủ tục chứng thực văn bản phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, ông Trần Phước Hoàng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ vừa có văn bản kiến nghị UBND thành phố đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định công bố Bộ thủ tục hành chính. Theo đó, đề nghị UBND cấp huyện (Phòng Tư pháp) không thực hiện việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch. Đối với nơi đã hoặc chưa chuyển giao các hợp đồng giao dịch cho tổ chức hành nghề công chứng thì chuyển về xã, phường, thị trấn chứng thực hợp đồng theo quy định.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết