24/08/2014 - 08:06

Cơ hội và thách thức từ hội nhập kinh tế quốc tế

Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước ta. Hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) được xem là nhiệm vụ quan trọng, then chốt tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế toàn diện trong tương lai.

Thời cơ và thách thức

Sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới. Đồng thời tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, làm nền tảng để thu hút đầu tư nước ngoài và góp phần vào việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo lãnh đạo tỉnh An Giang, HNKTQT đã tạo thời cơ lớn cho địa phương, đặc biệt là phát triển nông nghiệp. Việc mở rộng thương mại quốc tế đồng nghĩa với việc mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp, giá trị mặt hàng lúa gạo tăng trưởng, tăng thu nhập cho nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, sức ép từ hội nhập và toàn cầu hóa sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp, nông dân tìm ra những giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh.

HNKTQT mang đến cho các doang nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Trong ảnh: Sản xuất cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam.

Song, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Thực tế, Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết các cơ hội từ HNKTQT, chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra chậm, chính sách điều chỉnh cơ cấu kinh tế thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán và chưa phù hợp. Theo các chuyên gia, điểm yếu quan trọng nhất của vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam trong những năm qua là chưa tập trung khai thác, phát triển mạnh nhiều ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, có thể mang lại hiệu quả cao nhất; đầu tư của Nhà nước bị dàn trải vào nhiều ngành, nhiều lĩnh vực không đem lại hiệu quả kinh tế như ngành mía đường và thép. Bên cạnh đó, tình trạng các địa phương đua nhau lập khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm thu hút vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Một thách thức nữa đối với nền kinh tế Việt Nam là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chậm được cải thiện, với nhiều hạn chế về những nút thắt "cổ chai" của nền kinh tế như nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, khuôn khổ pháp lý, năng lực thể chế, trình độ công nghệ… Hầu hết các doanh nghiệp vẫn làm ăn theo lối cũ, chưa tận dụng được cơ hội từ WTO. Do vậy thách thức lớn nhất đối của nền kinh tế Việt Nam khi HNKTQT là làm sao tạo ra được cơ chế và phương tiện để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ có thể cạnh tranh được trong một sân chơi lớn, nhất là trong 5-10 năm tới, nhất là khi Việt Nam sẽ hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, nội dung liên kết kinh tế, đặc biệt là trong các FTA (Hiệp định thương mại tự do) ngày càng mang tính ràng buộc cao và sâu rộng.

Ông Phạm Thế Vinh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, cho rằng: "HNKTQT giúp cho cơ quan quản lý nhà nước tiếp cận được các kinh nghiệm tổ chức, quản lý tiên tiến, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nhằm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Từ khi HNKTQT, thành phố đã áp dụng các thông lệ quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm thị trường mới. Dù vậy, thành phố cũng gặp phải những khó khăn thách thức như: thiếu thông tin về kiến thức HNKTQT, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, chưa có những dự án tầm cỡ mang tính động lực cho phát triển kinh tế của thành phố và vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, một số cán bộ công chức tư duy còn chậm đổi mới, chưa quan tâm đúng mức về việc hội nhập cũng như còn hạn chế về kiến thức luật quốc tế và trình độ ngoại ngữ. Hầu hết các doanh nghiệp của thành phố quy mô nhỏ và vừa, trình độ quản lý, kiến thức hội nhập quốc tế còn hạn chế… là những rào cản lớn trong quá trình HNKTQT".

Theo ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Việt Nam thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ; sự phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu đầu vào cũng làm cho kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương trước những thay đổi từ thị trường bên ngoài. Trong bối cảnh thị trường thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, những thành công của doanh nghiệp trong thời gian qua sẽ không thể đảm bảo cho thành công của họ trong tương lai nữa. Để vượt qua thách thức này, các doanh nghiệp phải tự xác định lại vị trí của mình trên thị trường, từ đó xem lại lợi thế cạnh tranh và xây dựng phương án thích hợp.

Vai trò của địa phương và doanh nghiệp

Theo các chuyên gia kinh tế, để đẩy mạnh tiến trình HNKTQT của Việt Nam trong bối cảnh mới, các địa phương cần triển khai những giải pháp như: thực hiện tốt chương trình hành động của Chính phủ về việc triển khai các nhiệm vụ gia nhập WTO. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế địa phương, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Xác định khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm, từng dịch vụ, từng doanh nghiệp để có biện pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả và tăng cường năng lực cạnh tranh. Chú trọng khai thác thị trường trong nước nhằm khai thác tối đa thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước; tăng tính liên kết vùng để đẩy mạnh hợp tác kinh tế vùng, tiểu vùng, song phương. Phát triển mạnh kết cấu hạ tầng cơ sở, nhất là hệ thống đường giao thông nhằm tạo điều kiện cho thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tối đa hóa liên kết với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tham gia sâu vào các liên kết trong khu vực. Trong tiến trình đó cần chủ động xây dựng những kế hoạch đối phó với những tác động, hệ lụy tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế. Quan tâm công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh hiểu biết sâu về luật pháp quốc tế và nghiệp vụ chuyên môn, đồng thời coi trọng việc đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ tay nghề cao để phục vụ cho đầu tư vào địa phương cũng như xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư cũng cần có trọng tâm, trọng điểm.

Năm 2014, đánh dấu 8 năm nước ta gia nhập WTO, lộ trình thực hiện các cam kết tiếp tục thực hiện, đồng thời tăng tốc độ giảm thuế đối với hàng hóa từ các nước Việt Nam đã ký kết FTA. Đến năm 2015, Việt Nam thực hiện một loạt các cam kết tự do trong nội bộ ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) và giữa ASEAN với Trung Quốc sẽ hoàn tất, lúc đó về cơ bản thuế cho hàng hóa ASEAN vào Việt Nam chỉ còn 0%, cho phần lớn hàng Trung Quốc còn 0-5%. Bên cạnh đó, Hiệp định TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) mà Việt Nam đang tham gia đàm phán vòng cuối, cùng với các cam kết mới Việt Nam trong các FTA đã và đang khởi động sẽ tiếp tục đem lại không ít cơ hội và thách thức mới cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: "Để có thể duy trì được mức tăng trưởng và tiến xa hơn thì Việt Nam cần chuyển dịch mô hình tăng trưởng hiện nay, mô hình dựa trên lao động giá rẻ và đầu tư vốn lớn, sang dựa trên năng suất và mức cạnh tranh, phát triển hàng hóa với giá trị gia tăng cao. Theo đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cơ cấu doanh nghiệp, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đầu tư vào công nghệ mới. Tận dụng tốt hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để thâm nhập, khai thác thị trường nước ngoài. Tích cực nắm bắt thông tin về thị trường thế giới để có các chính sách kinh doanh phù hợp. Cần xây dựng chiến lược dài hơi, chuyển hướng đầu tư, đi vào những lĩnh vực mới sáng tạo hơn. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực, quan tâm công tác xúc tiến thương mại…". Nghị quyết 22/NQ-TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế đã chỉ rõ: Hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội, hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết