03/12/2015 - 21:15

AEC VÀ TPP

Cơ hội và thách thức

AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN) và TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) đang "nóng" trước thời khắc năm 2016. Một số ý kiến của chuyên gia ví von doanh nghiệp (DN) là "chiến sĩ xung phong trên mặt trận hội nhập", nhưng hiện tại nhiều DN vẫn chưa có đầy đủ thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế. Để hội nhập và phát triển bền vững DN cần sự hỗ trợ để đối mặt và chiến thắng trong cuộc cạnh tranh gay gắt toàn cầu.

Sức nóng hội nhập

Cộng đồng ASEAN (AC) hình thành với 3 trụ cột: cộng đồng kinh tế (AEC), cộng đồng văn hóa- xã hội (ASCC), cộng đồng chính trị- an ninh (APSC), với kỳ vọng biến ASEAN thành một thị trường và một cơ sở sản xuất thống nhất, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong nội khối; thiết lập khu vực kinh tế năng lực cạnh tranh cao để hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu. Lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á đã chính thức ký kết thống nhất thành lập AEC vào ngày 22-11-2015. Cộng đồng kinh tế với thị trường trên 630 triệu dân, quy mô nền kinh tế khoảng 2.700 tỉ USD hằng năm và có hiệu lực từ 31-12-2015. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù chưa đề cập tới những vấn đề kinh tế nhạy cảm như mở cửa lĩnh vực nông nghiệp, sắt thép, xe hơi và nhiều lĩnh vực bảo hộ khác, nhưng thách thức mà Việt Nam gặp phải trong AEC không nhỏ. Đó là sản xuất hàng tiêu dùng nội địa sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các nước trong nội khối. Việt Nam có cơ hội tăng thu hút đầu tư từ các nước nội khối nhưng nguy cơ bị thâu tóm cũng lớn hơn, đặc biệt là ngành bán lẻ. Bởi các cam kết về tự do hàng hóa của Việt Nam trong AEC về cắt giảm thuế là cao nhất và nhanh nhất.

 May mặc được nhận định là ngành mà Việt Nam có lợi thế trong TPP. Ảnh: T. HÀ

Còn với TPP, được nhận định là FTA thế hệ mới, không phân biệt nền kinh tế lớn nhỏ, các quốc gia đều bình đẳng trong TPP. Trong 12 quốc gia tham gia TPP, có 6 nước giàu, 6 nước đang phát triển; Việt Nam là quốc gia kém phát triển nhất trong 6 quốc gia đang phát triển, nhưng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều từ TPP. Tuy nhiên, các lợi thế có thể biến thành cơ hội phát triển còn tùy vào nhận định của DN, tầm nhìn của DN và tiềm lực tài chính. Với ngành may mặc, Việt Nam được xem là có lợi ích nhiều nhất trong các nước tham gia TPP, bởi Việt Nam là quốc gia cung cấp hàng may mặc lớn thứ 2 cho Hoa Kỳ, nhưng sợi chủ yếu nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc; trong quy định TPP (quy tắc từ sợi trở đi) phải được nhập từ 12 nước thành viên TPP; đối với Việt Nam có linh hoạt cho một số mặt hàng trong danh mục nguồn cung thiếu hụt được nhập từ các nước ngoại khối TPP, nhưng cơ chế này chỉ áp dụng tối đa 5 năm đầu. Còn đối với ngành nông nghiệp, một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nhưng các quy định về TBT (hàng rào kỹ thuật), SPS (vệ sinh dịch tễ) và TRIPS (sở hữu trí tuệ)… sẽ là rào cản lớn cho DN khi hội nhập.

Tại hội thảo "AEC và TPP: cơ hội và thách thức đối với TP Cần Thơ" mới đây, các chuyên gia chỉ ra trong ngắn hạn, DN Việt Nam và DN Cần Thơ có cơ hội tăng xuất khẩu đối với ngành dệt may, nông thủy sản; các địa phương tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài; người tiêu dùng hưởng lợi về giá, lựa chọn sản phẩm; cơ hội tái cấu trúc lại một số ngành nghề. Tuy nhiên, ông Từ Minh Thiện, Phó Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM, cho rằng, thách thức đối với DN là thiếu thông tin hội nhập, các quy tắc về TBT, SPS,… là rào cản lớn; khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực chăn nuôi, dịch vụ rất khó khăn; xáo trộn và bất ổn một số ngành hàng trong ngắn hạn. Do đó, cần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích DN đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt ngành nông nghiệp cần liên kết trong sản xuất để có vùng nguyên liệu lớn, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để có sản phẩm đồng nhất, truy xuất được nguồn gốc…

Cần chính sách phát triển đồng bộ

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho biết: "Tham gia TPP, Việt Nam có lợi ích về kinh tế là tăng GDP, tăng xuất khẩu, thúc đẩy cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng; giải quyết việc làm, cải thiện đời sống… nhưng thách thức lớn đặt ra không chỉ ở DN mà cho cả các cơ quan quản lý nhà nước". Theo ông Nguyễn Phương Lam, trong AEC, các DN Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng sẽ đi vào sân chơi bình đẳng. Các nước ASEAN có những sản phẩm nông nghiệp tương đồng, DN sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn với DN các quốc gia có cùng sản phẩm nội khối. TPP không chỉ cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ mà còn có cả thể chế, bắt buộc DN và các cơ quan quản lý nhà nước phải điều chỉnh cho phù hợp với các quy định của TPP. Tuy nhiên, các DN phải hiểu được các ràng buộc của AEC, TPP về lộ trình cắt giảm thuế, DN phải tự tìm hiểu để có điều chỉnh kịp thời. Ví dụ mặt hàng gạo, Việt Nam đang xuất khẩu tốt, nhưng phải tìm hiểu các thị trường mở cửa như thế nào (tiêu chuẩn kỹ thuật), dệt may có lợi thế nhiều nhất trong TPP, nhưng quy tắc từ sợi trở đi được quy định cụ thể như thế nào và lộ trình áp dụng... DN phải chủ động để phát triển và cạnh tranh.

Theo các chuyên gia, nông nghiệp là lĩnh vực dễ tổn thương nhất trong hội nhập, do xuất phát điểm thấp, nhưng nếu biết tận dụng cơ hội thì sẽ phát triển lên trình độ mới. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: "Với AEC, TPP, ngành nông nghiệp sẽ gặp thách thức lớn về TBT, SPS, TRIPS. Do đó, vai trò của DN là hết sức quan trọng trong hội nhập, ngành nông nghiệp phát triển theo chuỗi nếu không có đầu tư từ DN thì khó mà phát triển, đặc biệt là đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển). DN không chỉ phát triển các thị trường hiện có mà phải tìm đến các thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắt khe hơn để nâng cao vị thế của mình. Muốn làm được điều này phải có chính sách phát triển đồng bộ cho DN". Theo bà Nguyễn Thị Kiều, TP Cần Thơ cũng nên có nhiều chính sách cho DN làm R&D và tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn trung dài hạn. Hiện đa phần DN chỉ tiếp cận vốn ngắn hạn; trong khi đầu tư đổi mới công nghệ phải có vốn trung dài hạn.

Bàn luận về chính sách phát triển, đổi mới công nghệ, sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho rằng: "Thành phố có trên 2.700 nhãn hiệu đăng ký sở hữu trí tuệ; trong đó có khoảng 40 nhãn hiệu tương đối có tiếng. Nhưng đó là so sánh trong vùng ĐBSCL, chứ còn đi ra ngoài vùng và ra nước ngoài thì không nhiều". Theo ông Trần Ngọc Nguyên, lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ để đăng ký một thương hiệu gạo của Cần Thơ, nhưng đây là nhãn hiệu của một DN đã đăng ký. Do đó, muốn đăng ký phải có sự chấp thuận của DN. Đó là chưa nói đến kinh phí dành cho đầu tư khoa học công nghệ, con số rất khiêm tốn, nên cũng khó mà hỗ trợ nhiều cho DN. Một số ý kiến của DN cũng cho rằng, DN rất muốn đổi mới, phát triển nhưng cần nguồn vốn và cần chính sách phát triển đồng bộ hơn.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết