25/04/2014 - 09:26

Cơ hội đón “sóng” đầu tư từ Nhật Bản

Từ ngày 21 đến 23-4-2014, đoàn doanh nghiệp (DN) Nhật Bản với khoảng 40 DN đến khảo sát thực tế, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Đồng Tháp. Trong chuyến khảo sát thực tế lần này, đoàn DN Nhật Bản tìm cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển nông nghiệp tại ĐBSCL. Đây cũng là cơ hội mới cho ĐBSCL.

Nhận diện thực lực của vùng

Với dân số gần 18 triệu người, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước. Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết: "Thời gian qua, điểm sáng nổi bật của ĐBSCL thể hiện qua kết quả phát triển sản xuất nông nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường liên kết vùng. Năm 2013, giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng đạt trên 6 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản trên 4 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu rau quả trên 500 triệu USD. Ngoài thế mạnh về nông nghiệp, vùng ĐBSCL còn là một trong những trung tâm năng lượng lớn của Việt Nam (điện gió, khí, nhiệt điện), đáp ứng nhu cầu năng lượng cho ĐBSCL và các khu vực lân cận". Theo ông Nguyễn Phong Quang, dù ĐBSCL đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều thách thức như: vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế; sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh kém; ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hạn chế… Vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp của vùng còn khiêm tốn, ĐBSCL cần vốn FDI để thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang giới thiệu các dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp đến Đoàn DN Nhật Bản.

Theo thống kê của ngành chức năng thành phố Cần Thơ, các DN FDI đầu tư vào Cần Thơ đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hồng Công, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Mỹ… Riêng Nhật Bản có 5 dự án đầu tư tại Cần Thơ, tổng vốn đầu tư đăng ký 9,192 triệu USD (1 DN hoạt động trong khu công nghiệp (KCN), 4 DN hoạt động ngoài KCN). Các dự án của Nhật Bản hoạt động trong các ngành nghề như: dịch vụ công nghệ thông tin, phân phối và cung cấp dịch vụ hậu mãi cho xe ô tô, cho thuê cao ốc, văn phòng, thu gom và tái chế các loại giấy, thùng carton đã qua sử dụng, chế biến thực phẩm và đồ uống, sản xuất và xuất khẩu các loại găng tay, túi xách và các sản phẩm bằng da khác. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Cần Thơ sang Nhật Bản là 155,2 triệu USD chủ yếu là mặt hàng thủy sản, sản phẩm may mặc, hàng hóa nông nghiệp đã qua chế biến và hàng hóa khác. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản của thành phố xấp xỉ 29,5 triệu USD với các nguyên liệu dược, phân bón, vải vóc và một số loại hàng hóa khác.

Tại buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn DN Nhật Bản, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng khẳng định: "Cần Thơ mong muốn liên kết với Nhật Bản để phát triển ngành nông nghiệp của thành phố theo định hướng nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông, thủy sản, trái cây và cung ứng dịch vụ nông nghiệp". Theo đó, các dự án về nông nghiệp trọng điểm t hành phố ưu tiên mời gọi đầu tư gồm xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Ô Môn, xây dựng nhà máy sản xuất động cơ và lắp ráp máy nông nghiệp, nhà máy đóng gói và chế biến cây ăn trái xuất khẩu, Dự án Trung tâm nghề cá, Khu nông nghiệp công nghệ cao 2-Nông trường Sông Hậu, Khu công nghệ thông tin tập trung.

Ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Ngành nông nghiệp tỉnh rất quan tâm quản lý dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản thông qua công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, bước đầu hình thành các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP ở cây ăn trái, kiểm soát dư lượng kháng sinh trên cá tra nguyên liệu xuất khẩu. Hiện nay, khả năng của nông dân và sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng đảm bảo cho việc tiêu thụ các loại máy móc trong nông nghiệp. Nếu có nhà máy sản xuất máy nông nghiệp các loại thì sẽ thúc đẩy năng suất lao động nông nghiệp cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL". Chính phủ, các bộ ngành Trung ương đã và đang có nhiều chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp cho vùng ĐBSCL, tuy nhiên để nông nghiệp vùng thật sự lột xác cần luồng gió mới từ vốn FDI.

Tìm hội hợp tác

Nhiều lãnh đạo địa phương vùng ĐBSCL cho biết, với thế mạnh về công nghệ, vốn của nhà đầu tư Nhật Bản, nếu các địa phương tận dụng tốt cơ hội mở rộng hợp tác, đầu tư sẽ tạo ra vị thế mới cho nông nghiệp vùng. Trong đợt khảo sát của đoàn DN Nhật Bản đến tỉnh Hậu Giang, lãnh đạo tỉnh mong muốn DN Nhật quan tâm Dự án sản xuất, lắp ráp, chế tạo máy nông cụ phục vụ ngành nông nghiệp tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A-giai đoạn 3 và tại Cụm công nghiệp Đông Phú- giai đoạn 1, có tổng vốn đầu tư dự kiến 500-700 triệu USD, thời gian hoạt động của dự án 50 năm. Bên cạnh đó, Hậu Giang đang có dự định đầu tư xây dựng các cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao xuất khẩu dọc kênh xáng Xà No thuộc các huyện Châu Thành A, Vị Thủy, TP Vị Thanh với quy mô khoảng 20.000ha và đây sẽ là vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu của tỉnh. Tỉnh mong DN Nhật đầu tư vào Dự án Cánh đồng mẫu lúa xuất khẩu và Hệ thống nhà máy Chế biến lúa gạo xuất khẩu tại Cụm Công nghiệp tập trung Nhơn Nghĩa A. Theo đó, tỉnh Hậu Giang ưu đãi cho các nhà đầu tư vào hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp tập trung: DN sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập DN 10% trong 10 năm (4 năm đầu được miễn thuế, 9 năm tiếp theo giảm 50%, 2 năm còn lại áp dụng mức thuế suất 10%), DN được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định hiện hành. Đồng thời DN đầu tư vào các dự án nói trên sẽ được miễn tiền thuê đất 15 năm theo quy định hiện hành. Đoàn DN Nhật Bản ghi nhận những vấn đề mà tỉnh Hậu Giang đặt ra, đồng thời muốn tìm hiểu thêm về kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh để nghiên cứu thông tin, xây dựng kế hoạch hợp tác lâu dài.

Đối với TP Cần Thơ, các DN Nhật Bản tìm hiểu cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của thành phố; việc ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản giữa DN và nông dân; chất lượng nguồn lao động và kỷ luật lao động của công nhân tại các DN hoạt động trong KCN. DN Nhật Bản cũng muốn biết TP Cần Thơ có cơ chế hỗ trợ đặc thù gì và khác biệt ra sao đối với tỉnh thành trong vùng, bởi theo kinh nghiệm của DN khi tham gia các đợt xúc tiến đầu tư thì hình thức mời gọi của các địa phương không mới, các chính sách hỗ trợ cũng tương tự. Ông Kanji Nagai, Tổng giám đốc khu vực và Việt Nam, Ngân hàng TOKYO-MITSUBISHI UFJ, Chi nhánh Hà Nội, đặt vấn đề: "Chúng tôi mong muốn thành phố cung cấp đầy đủ về cơ chế hỗ trợ tài chính và tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn. Nông dân có được hỗ trợ tín dụng để họ có điều kiện trang trải các chi phí vật tư đầu vào trong quá trình sản xuất hay không? Nếu có thì liệu chúng tôi có cơ hội tham gia cung cấp tín dụng cho các lĩnh vực nông nghiệp hay không?".

Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mekong- Nhật Bản Kohei Watanabe khẳng định: "Trong chuyến khảo sát của đoàn DN Nhật Bản lần này đến ĐBSCL, chúng tôi thực sự muốn tìm cơ hội hợp tác, đầu tư lâu dài vào nông nghiệp của vùng. Đây là vấn đề mang tính chiến lược, góp phần đưa quan hệ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản lên tầm đối tác chiến lược sâu rộng. Chúng tôi cũng mong bản ghi nhớ giữa Ủy ban hợp tác kinh tế Mekong- Nhật Bản và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã ký kết trong khuôn khổ chuyến khảo sát lần này sẽ được thực thi thời gian tới".

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết Ban Chỉ đạo sẽ phát huy vai trò đầu mối tổ chức liên kết vùng, cùng với các tỉnh, thành ĐBSCL chờ đợi cơ hội và tạo điều kiện tốt nhất cho DN Nhật Bản đến đầu tư.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết