24/07/2022 - 08:44

Chuyện ghi ở nghĩa trang liệt sĩ 

Truyện ngắn: TRƯƠNG THỊ THÚY

Bà lặng lẽ xếp trái cây hái từ vườn nhà ra đĩa, vài cái bánh tự tay bà làm, cành hoa cũng là của vườn nhà. Bà sắp cẩn thận đâu vào đấy rồi đặt lên trước phần mộ của ông. Thắp hương xong bà ngồi xuống bên cạnh, dòng nước mắt tưởng như không còn chảy nữa chợt giàn giụa.

- Toàn cây nhà lá vườn đó ông. Dường như nó cũng biết chờ đợi. Mùa này, lẽ ra giờ trái còn bé xíu, vậy mà chẳng hiểu sao, năm nay nó chín sớm thế. Kịp lúc ông về.

Bà nhìn chăm chăm vào bức hình thời trai trẻ của ông đang cầm trên tay. Bức hình được con cháu mang đi phục chế, ông trông trẻ trung, hồng hào, nét cười cương trực của tuổi tráng niên. Bà đặt bức hình dựa vào ngôi mộ khắc tên ông, khẽ thở dài:

- Ước gì ông đừng có trẻ mãi như thế. Ước gì ông cùng tôi già đi. Mà tôi lại luyên thuyên rồi. Các con bảo tôi dạo này hay lẩn thẩn ông ạ. Mà gần 80 rồi còn gì. Lâu nay, tôi gắng gượng để chờ đón cha con ông về. Nay ông về rồi, còn thằng Hai chưa biết nằm chỗ nào. Ông sống khôn thác thiêng, biết đường biết lối chỉ cho tôi đến đưa con nó về. Về đây rồi cha con sớm tối có nhau. Chừng nào đưa được nó về rồi tôi mới yên tâm được.

Bà đưa tay áo chấm lên khóe mắt đang nhòa đi để nhìn hình ông cho rõ hơn. Ngày đó, ông lên đường chiến đấu được hai năm thì thằng Hai cũng đi. Hai cha con ông, người sau kẻ trước cùng một lời: Tổ quốc lâm nguy mình ngồi yên sao được. Ðuổi giặc xong rồi nhất định sẽ trở về.

- Vậy mà cha con ông đi biệt. Thằng Minh ngóng chờ đủ tuổi để đi. Chiến tranh kết thúc trước tuổi mười tám của nó vài tháng, chứ không, chắc tôi không giữ được nó ở nhà. Thoắt cái mấy chục năm. Cuối cùng tôi và các con cũng đón được ông về. Còn thằng Hai… Ðây, bánh này tôi làm. Ngày xưa ông thích nhất mấy món bánh này tôi làm. Hôm qua tôi lọ mọ làm, mấy đứa cứ cản, nói ra chợ mua cho nhanh, đỡ lách cách. Cũng tại chúng thấy tôi giờ già rồi, chân tay lóng ngóng, ngồi chút là cái lưng nó nhức mỏi. Nhưng tôi vẫn muốn tự tay làm hơn. Ông xem, vị còn được như xưa nữa không? Thằng Hai mà ở nhà, mỗi lần nó chẳng chén cả chục cái. Các cụ bảo nam thực như hổ, cấm có sai.

Bà cứ ngồi tỉ tê bên mộ chồng trong nghĩa trang liệt sĩ. Sáng nay bà nói cháu nội chở mình ra đây từ sớm. Tranh thủ chuyện trò với ông ấy. Lúc bà thắp hương mộ chồng thì cháu đã nhanh nhẹn thắp hương khắp các ngôi mộ trong nghĩa trang này. Nghĩa trang rộng lớn, vậy mà vẫn còn nhiều người đi cùng ông từ ngày đó giờ đã đưa về được đâu. 

Bà bần thần nhớ lại mấy chục năm về trước. Lạ quá, bình thường đầu óc cứ mơ hồ nhớ quên mà giờ bà như nhìn được mọi chuyện đang diễn ra trước mắt. Ðợt ông lên đường, bà mới sinh con Bé. Nhận được bức thư đầu tiên của ông, con Bé đã được 5 tháng tuổi. Bức thư thứ hai của ông gửi về lúc con được hơn năm. Vài tháng sau, thằng Hai cũng đi. Còn hẹn chiến tranh kết thúc sẽ đưa cả ông cùng về. Bức thư thứ ba về cách đó cũng nửa năm nữa. Rồi bặt tăm bặt tích. Thằng Hai thì biên thư về đúng một lần, mà đến nửa năm sau thư mới đến nhà.

- Lúc nhận được giấy báo tử của hai cha con ông, tôi như muốn chết đi. Tôi cứ hy vọng người ta báo nhầm. Cứ hy vọng cha con ông bị thương, bị lạc đâu đó, rồi cha con ông sẽ về…

- Bà ơi, đưa được ông nội về rồi bà phải mừng chứ. Bà cứ khóc vậy, ông sẽ buồn lắm đấy.

Nghe cháu nội an ủi vậy, bà chấm nhanh giọt nước mắt, hắng giọng:

- Nay mát mẻ, cháu cứ về đi làm. Bà ở lại chút nữa, lát thủng thẳng đi bộ về sau cũng được.

- Thôi, cháu chờ chở bà về luôn. Hôm nay cháu làm ca tối. Mà cả tuần nay, từ hôm đưa ông nội về đây, ngày nào bà cũng đến còn gì.

- Có bao chuyện của mấy chục năm đều muốn nói với ông ấy.

Ðang nói, bà ngừng lại, ngóng ra phía ngoài cổng nghĩa trang. Có tiếng rộn ràng ngoài đó. Bà nheo mắt, cố nhìn cho rõ. Cháu nội giải thích cho bà:

- Các em bên đoàn thanh niên của xã và các cháu nhỏ cấp hai, nay là ngày Thương binh liệt sĩ.

Bà quay lại vừa cầm tấm hình chồng lên vừa nói nhỏ:

- Thôi, nay tôi về đã. Ông ở lại với anh em đồng đội, có các cháu nhỏ đến thăm. Mai mốt đưa được thằng Hai về đây nữa, tôi cũng đi…

Người cháu dìu bà ra đến cổng cũng là lúc các em nhỏ xếp thành hàng tiến vào, lễ phép chào bà khi bà đi ngang qua. Có cháu còn tách hàng, đỡ giúp bà ngồi lên xe máy cho ngay ngắn. Bà móm mém cười, cảm ơn cháu bé rồi vòng tay ôm lấy người cháu trai khi xe nổ máy.

Chia sẻ bài viết