24/11/2009 - 21:05

Thực hiện Nghị định 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ về các chính sách trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội

Chuyển biến tích cực

Trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội là một trong những chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm giúp cho các đối tượng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, kết quả giám sát của Ban Văn hóa- Xã hội HĐND thành phố vào cuối tháng 2-2009 cho thấy việc thực hiện chính sách này trên địa bàn TP Cần Thơ còn nhiều thiếu sót, quản lý chưa chặt đối tượng, bỏ sót đối tượng,… Qua giám sát, HĐND thành phố đã kiến nghị và được Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố chấn chỉnh kịp thời. Kết quả tái giám sát vào đầu tháng 11-2009 cho thấy, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực, dần dần đi vào nề nếp.

NHIỀU THIẾU SÓT

Đại biểu HĐND thành phố thăm một cụ bà ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai trong chuyến giám sát
tình hình thực hiện chính sách bảo trợ xã hội tại địa phương này vào tháng 2-2009. 

Cuối tháng 2 -2009, Ban Văn hóa- Xã hội HĐND thành phố tổ chức Đoàn giám sát thực tế tình hình thực hiện Nghị định 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ về các chính sách trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội (NĐ 67) tại nhiều xã, phường trong thành phố. Qua giám sát, ngoài những ghi nhận về kết quả bước đầu thực hiện NĐ 67 tại các địa phương, Đoàn giám sát cho rằng quá trình thực hiện các chính sách trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội còn những hạn chế cần phải khắc phục. Tại thời điểm giám sát, đoàn giám sát ghi nhận quy trình xét, duyệt đối tượng hưởng chế độ bảo trợ xã hội theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH ở hầu hết các địa phương đều không đúng tinh thần chỉ đạo. Cụ thể như việc bình xét đối tượng, nhiều địa phương không thành lập Hội đồng xét duyệt theo quy định, mà do Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo bình xét hoặc bình nghị trong nội bộ cấp ủy Đảng, ngành, đoàn thể; thậm chí có địa phương do cán bộ ấp, khu vực đề xuất để cán bộ phục trách LĐ-TB&XH cấp xã làm thủ tục đề nghị mà không qua xét duyệt.

Theo quy định, mỗi đối tượng hưởng chế độ bảo trợ xã hội phải có danh sách riêng, do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định. Tuy nhiên, khi giám sát, đoàn giám sát nhận thấy hầu hết các quận, huyện được giám sát chỉ có một quyết định chung, kèm theo danh sách của tất cả các đối tượng, nên rất khó quản lý, cập nhật thông tin về đối tượng. Ngoài ra, các địa phương cũng chưa thực hiện công khai niêm yết danh sách đối tượng được thụ hưởng chế độ chính sách để người dân cùng tham gia giám sát, đảm bảo các đối tượng thụ hưởng chính sách đầy đủ, đúng đối tượng. Đáng chú ý là công tác rà soát đối tượng của các địa phương còn lỏng lẻo, bỏ sót đối tượng, nhiều trường hợp áp dụng không đúng hệ số thụ hưởng của đối tượng bảo trợ xã hội,...

Công tác lưu trữ hồ sơ ở nhiều xã, phường còn sơ sài, không theo mẫu quy định, mỗi địa phương “sáng tạo” một mẫu sổ sách riêng; một số nơi còn không có sổ theo dõi việc cấp phát cho đối tượng, như các xã Trường Xuân, Định Môn (huyện Thới Lai), Nhơn Nghĩa, Trường Long (huyện Phong Điền,...), dẫn đến công tác theo dõi, cập nhật biến động của đối tượng chưa kịp thời, thiếu chính xác; gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát của các ngành, các cấp. Ban Văn hóa - Xã hội còn cho rằng việc ghi nhận, theo dõi cấp phát tiền hằng tháng ở một số địa phương chưa đúng quy định, chưa rõ ràng, minh bạch. Cụ thể như: phiếu lĩnh tiền hằng tháng thiếu chữ ký của đối tượng nhận tiền hoặc của cán bộ cấp phát; phiếu lĩnh tiền không giao cho đối tượng mà cán bộ LĐ-TB&XH giữ hộ cho đối tượng,...

Theo Ban Văn hóa- Xã hội HĐND thành phố, những hạn chế nêu trên chủ yếu là do công tác triển khai thực hiện NĐ 67 và các văn bản hướng dẫn không đồng bộ, chưa kịp thời,... dẫn đến cán bộ cơ sở chưa nhận thức đúng về việc thực hiện NĐ 67, xem nhẹ quy trình xét duyệt đối tượng, hồ sơ, thủ tục cấp phát tiền... Ngoài ra, còn do công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ, sổ sách, chứng từ thanh quyết toán ở xã, phường thiếu chặt chẽ; trong tổ chức và thực hiện cấp phát còn “khoán trắng” cho cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH. Sở LĐ-TB&XH thành phố chưa thống nhất với các sở, ngành liên quan trong việc ban hành các biểu mẫu có liên quan, dẫn đến các địa phương áp dụng các biểu mẫu theo dõi việc cấp phát thiếu chặt chẽ, khoa học.

CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Sau đợt giám sát, HĐND thành phố đã kiến nghị và yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện tăng cường kiểm tra, rà soát đảm bảo thực hiện nghiêm túc NĐ 67. Đồng thời, xác định trách nhiệm của UBND quận, huyện nếu xảy ra sai sót nghiêm trọng ảnh hưởng đến quyền lợi của người thụ hưởng chính sách theo quy định. Ban Văn hóa – Xã hội HĐND thành phố cũng đề nghị Sở LĐ-TB&XH kết hợp với các sở, ngành hướng dẫn các địa phương thống nhất trong việc ban hành biểu mẫu, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện NĐ 67, đảm bảo thực hiện đúng, đủ chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng trợ cấp ưu đãi.

Sau giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố, ngành LĐ-TB&XH thành phố đã ban hành 5 văn bản chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo trợ xã hội. Bà Võ Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở LĐ-BT&XH, cho biết: “Sở đã tiến hành tập huấn cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội ở các quận, huyện, xã phường về quy trình xét duyệt, xác định đối tượng, cách thức cấp phát, tổ chức và theo dõi việc cấp phát đúng đối tượng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, niêm yết danh sách người được hưởng trợ cấp thường xuyên và đột xuất tại UBND xã, phường, thị trấn. Các địa phương cũng đã rà soát các đối tượng bảo trợ xã hội theo NĐ 67. Nhìn chung, công tác quản lý đối tượng, việc cấp phát tiền,... ở các địa phương đã đi vào nề nếp”. Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH thành phố cũng đã tiến hành tập huấn cán bộ về chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo do Bộ LĐ-TB&XH biên soạn thống nhất cả nước; mua sắm và chuẩn bị cấp phát cho mỗi quận, huyện một bộ máy vi tính để cập nhật thông tin về các đối tượng... Bà Võ Thị Thanh Nga cho biết: “Khi thực hiện việc quản lý danh sách qua mạng được thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát của Sở đối với các địa phương sẽ thuận tiện, chặt chẽ hơn; kịp thời uốn nắn các sai sót ở địa phương”.

Một cán bộ lãnh đạo của Sở LĐ-TB&XH thành phố cho biết, trước đây theo quy định, Sở quản lý, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho các đối tượng bảo trợ xã hội, nên nếu có phát sinh sai sót, cần điều chỉnh, các đối tượng phải trực tiếp đến Sở thực hiện, mất thời gian, chi phí đi lại. Sở LĐ-TB&XH đã thống nhất với Bảo hiểm Xã hội thành phố chuyển việc quản lý, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế của các đối tượng bảo trợ xã hội về cho quận, huyện quản lý để thuận tiện cho các đối tượng bảo trợ xã hội.

Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, nói: “Đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng hưởng các chế độ chính sách khác do ngành LĐ-TB&XH quản lý rất đa dạng, đông đảo về số lượng, lại thường xuyên biến động, rất khó quản lý nên ngành LĐ-TB&XH cần phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để đảm bảo việc thực hiện đúng chế độ, chính sách. Mặt khác, nguồn tài chính thực hiện các chế độ chính sách của nhà nước trong lĩnh vực này cũng đa dạng, do nhiều chủ thể quản lý, do đó ngành LĐ-TB&XH phải quan tâm đến công tác quản lý đảm bảo sử dụng các nguồn tài chính rõ ràng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật”.

Tuy nhiên, Sở LĐ-TB&XH thành phố cũng thừa nhận, mặc dù sở có nhiều văn bản hướng dẫn, nhưng do cán bộ quản lý ở các quận, huyện thường xuyên thay đổi, nên vẫn còn quận, huyện chưa thực hiện đúng các văn bản hướng dẫn. Cụ thể, như đến nay các quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền vẫn chưa thực hiện việc ban hành các quyết định công nhận đối tượng riêng lẻ theo quy định của Chính phủ. Bà Nguyễn Ngọc Sương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố, khẳng định: “Ngành LĐ-TB&XH rất quan tâm đến việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Bởi vì đây là các đối tượng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống cần trợ giúp. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tháo gỡ khó khăn, đồng thời chỉ đạo các phòng LĐ-TB&XH các quận huyện, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, để chăm lo các đối tượng bảo trợ xã hội tốt hơn”.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết