04/01/2010 - 21:15

Chuyển biến mới về trường lớp ở quận trung tâm

Trường THCS Lương Thế Vinh trong lễ khánh thành dãy phòng học mới.

Sau hơn 5 năm trở thành quận trung tâm của thành phố trực thuộc Trung ương, diện mạo đô thị của Ninh Kiều đã thay đổi rất nhiều. Theo đó, hàng loạt ngôi trường lớp mới được đưa vào sử dụng, nhiều công trình trường học đang thi công hoặc sắp khởi công... Nhờ đâu có sự chuyển biến này?

* Đầu tư hiệu quả

Trường THCS Lương Thế Vinh vừa hoàn thành nâng nền dãy phòng học cũ. Các phòng học được sơn mới, nền cao hơn sân trường, lát gạch men. Thầy Đỗ Ngọc Thảo, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh, phấn khởi: “Nâng nền xong, mùa mưa, không còn lo bị ngập”. Trước đây, cứ sau mỗi cơn mưa, phòng học ngập nước mưa, nước từ các cống rãnh dâng lên, mùi hôi nồng nặc. Nước ngập còn nhanh chóng làm hư hao bàn ghế, trang thiết bị... Bây giờ, bộ mặt của Trường THCS Lương Thế Vinh đã hoàn toàn thay đổi: sân trường được nâng cao, dãy phòng học được xây dựng mới hiện đại, các phòng học cũ được nâng cấp... Thầy Đỗ Ngọc Thảo cho biết: “Chương trình mới yêu cầu học sinh làm nhiều thí nghiệm, thực hành. Trường có 4 phòng bộ môn Lý, Hóa, Sinh nên đáp ứng khá tốt yêu cầu này”. Theo cô Phạm Thị Liên, giáo viên dạy môn Sinh, học sinh được quan sát và được thực hiện nhiều thí nghiệm, bài tập thực hành nên hiệu quả các tiết học được nâng lên, học sinh tiếp thu bài dễ dàng hơn.

Tương tự như Trường THCS Lương Thế Vinh, 5 năm trước, Trường Tiểu học An Hòa 3 xuống cấp đến mức các phòng học lầu phải tạm ngưng sử dụng. Trước yêu cầu phát triển giáo dục ở địa bàn phường An Hòa, quận Ninh Kiều đã đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Võ Trường Toản với kinh phí hơn 20 tỉ đồng để thay thế Trường Tiểu học An Hòa 3. Trường được đưa vào sử dụng năm học 2006-2007 với 873 học sinh. Chỉ hơn 3 năm đi vào hoạt động, số lượng học sinh của trường hiện nay đã tăng lên đến 1.320 em. Con số này minh chứng cho chất lượng dạy học của trường cũng như hiệu quả của việc đầu tư.

Bên cạnh đó, hàng loạt trường tiểu học, THCS khác cũng được xây dựng mới với qui mô lớn, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn, như: Tiểu học Lê Quí Đôn, Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, Tiểu học Nguyễn Du, THCS Trần Hưng Đạo, THCS Huỳnh Thúc Kháng... Bà Phan Thị Minh Thu, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: “Từ năm 2004 đến nay, quận Ninh Kiều đã đầu tư hơn 130 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường học. Từ nguồn đầu tư này, có 366 phòng học được xây mới; các trường được trang bị đầy đủ thiết bị để “học đi đôi với hành”, nâng cao chất lượng giáo dục”. Chỉ sau 5 năm, 36 trường học trên địa bàn quận Ninh Kiều đã được nâng cấp, xây dựng mới; đồng thời, còn có 2 trường mới được thành lập là: Tiểu học Kim Đồng và Mầm non Hoa Cúc với kinh phí đầu tư xây dựng hàng chục tỉ đồng.

* Quyết tâm cao, kế hoạch cụ thể

Trong suốt những năm 1980- 1990, ngành giáo dục tỉnh Cần Thơ (cũ) tập trung xây dựng cơ sở vật chất cho các trường vùng ven, vùng nông thôn sâu, xa. Việc đầu tư xây dựng các trường ở trung tâm thành phố hầu như bỏ ngỏ. Chính vì vậy, khi chia tách, thành lập TP Cần Thơ, trường lớp trên địa bàn quận Ninh Kiều vừa cũ kỹ vừa xuống cấp, không tương xứng với vị thế quận trung tâm của thành phố.

Bà Lê Thị Thảnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ninh Kiều, nhớ lại: “Xây dựng trường lớp khang trang, hiện đại cho quận Ninh Kiều là yêu cầu cấp bách. Ngành giáo dục đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể đối với việc xây dựng từng trường và tham mưu cùng UBND quận Ninh Kiều. Đã có nhiều cuộc họp giữa ngành giáo dục thành phố và UBND quận Ninh Kiều dưới sự chủ trì của UBND thành phố để tìm giải pháp cho vấn đề này”. Các phương án hỗ trợ đầu tư xây dựng trường lớp cho quận Ninh Kiều được thống nhất: Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tư xây dựng các trường qui mô lớn như Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, Tiểu học Lê Quí Đôn...; một số trường còn lại, UBND quận chịu trách nhiệm đầu tư; Dự án Nâng cấp đô thị sẽ hỗ trợ các trường mầm non, mẫu giáo cần nâng cấp...

Bà Phan Thị Minh Thu, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, nhấn mạnh: “Quận Ninh Kiều tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư cho giáo dục, từ vốn đầu tư xây dựng cơ bản của quận, của Sở Giáo dục và Đào tạo đến vốn của Dự án Nâng cấp đô thị... Nhờ vậy, tiến độ xây dựng trường lớp trên địa bàn quận được đẩy nhanh”. Trong 366 phòng học được xây dựng mới trên địa bàn quận, có 150 phòng do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ làm chủ đầu tư; 58 do Ban Quản lý Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Theo bà Phan Thị Minh Thu, các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố đều cần vốn. Vì vậy, việc dành một nguồn vốn khá lớn để đầu tư xây dựng trường lớp cho quận Ninh Kiều thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với công tác giáo dục ở một quận trung tâm. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn là nỗ lực của chính quyền địa phương mà xuất phát nguồn chính là quan điểm xem trọng, ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Từ năm 2004 đến nay, kinh phí xây dựng trường học luôn chiếm hơn 30% kinh phí xây dựng cơ bản trên địa bàn quận. Riêng năm 2009, kinh phí xây dựng các công trình trường học chiếm 40% tổng kinh phí xây dựng cơ bản của quận. Theo kế hoạch, năm 2010, UBND quận sẽ tăng tỷ lệ này lên 50%. Bà Phan Thị Minh Thu cho biết: “Bằng kinh phí của quận và từ chương trình kiên cố hóa, hiện nay, có 11 công trình trường học trên địa bàn quận Ninh Kiều đang trong quá trình xây dựng mới. Theo kế hoạch, năm 2010, sẽ có 10 công trình tiếp tục khởi công. Khi 21 công trình này hoàn thành, hầu như các trường học trên địa bàn quận Ninh Kiều đều được nâng cấp và xây dựng mới. Từ nền tảng sẵn có này, UBND quận Ninh Kiều sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục”.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết