26/05/2024 - 12:52

Chùa Tuyên Linh ở Bến Tre 

Huỳnh Hà

Chùa Tuyên Linh (ảnh) tọa lạc bên rạch Tân Hương, xã Minh Ðức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Ngôi cổ tự này được khai sơn năm Tân Dậu (1861), dưới triều Vua Tự Ðức thứ 14. Ðể có diện mạo như ngày nay, ngôi chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa và xây mới. Hiện chùa có diện tích khoảng 9.000m2, cạnh dòng sông hữu tình, cây xanh phủ bóng. Chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 20-7-1994.

Khai sơn và kiến trúc

Chùa Tuyên Linh ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ được cất bằng tre lá. “Ðến năm 1861, Hòa thượng Khánh Phong cùng với dân làng mở rộng ngôi miếu và cải biến thành ngôi chùa thờ Phật. Hòa thượng Khánh Phong trở thành sư trụ trì đầu tiên của chùa Tuyên Linh ngày nay”(1). Lúc đó chùa có tên gọi là Tiên Linh tự. “Ðến năm 1907, nhà sư Lê Khánh Hòa, pháp danh là Thích Như Trí, quê ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, là một vị cao tăng tinh thông Phật học, về trụ trì tại chùa này. Tại đây, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã mở mang việc thuyết giảng giáo lý nhà Phật, đào tạo môn sinh. Nhờ hiểu rộng, đi nhiều nơi, có vốn Nho học, lại biết cả chữ quốc ngữ nên ông được tín đồ, các cư sĩ Phật giáo tín nhiệm. Hòa thượng là người sáng lập ra Nam Kỳ Phật học hội và Lưỡng Xuyên Phật học hội quy tụ nhiều cao tăng, cư sĩ Phật giáo ở Nam Kỳ lúc bấy giờ, đồng thời là chủ bút tạp chí “Từ bi âm”, giám đốc Phật học tùng thư. Năm 1930, nhân dịp chùa được trùng tu, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đổi tên Tiên Linh tự thành Tuyên Linh tự. Từ đấy chùa được gọi bằng tên mới: Tuyên Linh”(2).

Chùa Tuyên Linh có cổng chính hướng ra rạch Tân Hương do xưa kia đường bộ chưa phát triển, cư dân trong vùng đi lại chủ yếu bằng đường thủy. Cổng chính là dạng cổng tam quan. Cách cổng chính không xa là cổng phụ được mở sau khi đường bộ phát triển nên cổng hướng ra đường chính đi ngang chùa. Bao quanh khuôn viên chùa là tường rào được trang trí bằng mái ngói hình vảy cá, trông rất hài hòa, đẹp mắt, thanh tao. Ði vào cổng này, bên tay trái có tượng đức Quan Thế Âm Bồ Tát đứng trên bục cao, mặt hướng ra dòng nước êm đềm. Bên phải là tấm bảng của Ban Quản lý di tích tỉnh ghi lại quá trình hình thành và phát triển của chùa. Cách tấm bảng này không xa là ngôi chùa được bao quanh bởi vườn cây kiểng xanh tươi.

Mặt trước ngôi chùa có nhiều hoành phi, câu đối ca ngợi Phật pháp. Mái chùa lợp ngói hình vảy cá đã phủ màu rêu phong. Trên nóc mái có tượng lưỡng long tranh châu và tháp bốn tầng. Chùa Tuyên Linh có kiến trúc và bày trí đặc trưng của những ngôi chùa ở Nam Bộ. Ðó là tiền Phật hậu Tổ. Chính điện chùa được bày trí thông thoáng và trang nghiêm. Ở hai cửa ra vào có bàn thờ của Tiêu Diện Ðại Sĩ và Di Ðà Hộ Pháp. Bên trái (từ trong nhìn ra) là giá treo quả Ðại hồng chung và bên phải là Ðại cổ chung. Bàn thờ chính được đặt ở giữa và chia làm ba bậc, từ thấp lên cao. Bậc trên cùng có tôn trí tượng Phật Thích Ca. Hai bậc dưới cũng tôn trí tượng Phật nhưng nhỏ dần lại. Hai bên là tượng của Quan Thế Âm Bồ Tát và Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, cũng như tượng của Thích Ca Ðản Sanh. Hai bên bàn thờ chính cũng có hai bàn thờ của Quan Thế Âm Bồ Tát và Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, đều thấp hơn một chút so với bàn thờ chính. Ở gian chính điện còn có các cặp câu đối chữ Hán với nội dung nói về giáo lý đạo Phật càng làm cho gian thờ này có phần trang nghiêm, cổ kính.

Phía sau bàn thờ Phật là bàn thờ Tổ, trên có ảnh của Tổ Khánh Hòa và cụ Nguyễn Sinh Sắc; cùng khu vực thờ các vị trụ trì tiền nhiệm. Sau nhà Tổ là nhà hậu hay còn gọi là trai đường.

Ðặc biệt tại ngôi chùa, là cách khu chính điện không xa có khu lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc. Tại đây, tượng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được đặt trang trọng ngay gian giữa của phòng trưng bày. Ðây là bản sao bức tượng tại khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở tỉnh Ðồng Tháp. Khu lưu niệm trưng bày nhiều hình ảnh và tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của cụ.

Giá trị văn hóa, lịch sử của chùa Tuyên Linh

Dù trải qua sự bào mòn của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh nhưng hiện nay chùa Tuyên Linh vẫn còn giữ được một chuông cổ, cặp linh trụ bằng gỗ được tạo tác năm 1914, chạm trổ hình tứ linh: long, lân, quy, phụng. Hai bảng gỗ ghi lại lịch sử sáng lập chùa, cùng danh tính, chi tiết các vị ân nhân hiến đất xây chùa, ký trú địa hình đất do Hòa thượng Khánh Hòa khắc vào năm 1941.

Chùa Tuyên Linh cũng là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng gắn bó: “Khoảng cuối năm 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã cùng một vị cao tăng của chùa Từ Ðàm ở Huế ghé lại và tá túc tại chùa Tuyên Linh một thời gian. […] Cụ Phó bảng trong thời gian lưu trú tại chùa đã mở lớp dạy học, xem mạch, bốc thuốc cho nhân dân trong vùng. Tuy thời gian ở đây không lâu, cụ Nguyễn Sinh Sắc có quan hệ với các ông Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn, Lê Văn Phát. Nhiều người trong số này về sau trở thành lớp đảng viên đầu tiên của Ðảng bộ Bến Tre (1930). Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã động viên các nhà sư và tín đồ Phật giáo trong tỉnh tham gia vào các hoạt động cách mạng và kháng chiến. Năm 1947, do tuổi già sức yếu, trên giường bệnh, ông bình tĩnh đọc lời di ngôn cho môn đồ chép lại, sắp xếp công việc đạo, căn dặn học trò thân tín, vận động tín đồ tích cực tham gia kháng chiến, tin tưởng vào chính phủ cụ Hồ, cùng đồng bào cả nước đấu tranh giành độc lập. […] Thời kháng chiến chống Pháp, chùa Tuyên Linh là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Trong những năm trước Ðồng khởi, trong thế kìm kẹp khắc nghiệt của Mỹ, Diệm, vùng Tân Hương - Minh Ðức, nơi có ngôi chùa Tuyên Linh, vẫn là nơi có phong trào mạnh. Các cơ quan Huyện ủy Mỏ Cày và Tỉnh ủy Bến Tre đã từng trú đóng tại đây trong sự đùm bọc của nhân dân và tín đồ đạo Phật giữa những ngày khó khăn nhất của cách mạng”(3).

Hằng năm, ngoài các ngày lễ của Phật giáo, ngày 19 tháng 5 nhân dân cùng chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chùa Tuyên Linh không chỉ là điểm sinh hoạt văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

------------

(1) Lư Xuân Chí (Sưu tầm) (2005), “Bến Tre bảo tồn và phát huy di sản văn hóa”, Bảo tàng tỉnh Bến Tre, tháng 4, tr.91.

(2) Thạch Phương - Đoàn Tứ (Chủ biên) (2001), “Địa chí Bến Tre”, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.1293.

(3) Thạch Phương - Đoàn Tứ (Chủ biên), Sđd, tr.1293-1294.

Chia sẻ bài viết