04/07/2018 - 11:12

Các cấp hội nông dân Vĩnh Thạnh

Chú trọng phát triển mô hình giá trị kinh tế cao 

Nhiệm kỳ 2012-2017, các Hội Nông dân (HND) huyện Vĩnh Thạnh tập trung vận động hội viên nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời tăng cường phối hợp với các nhà khoa học tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân vào sản xuất. Qua đó, xây dựng và phát triển được các mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều nông hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, các cấp HND huyện còn vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới...

Với diện tích 1,5ha ao nuôi cá tra, ông Tuấn có thu nhập hàng tỉ đồng/năm. Ảnh: Thanh Thư

Nhiệm kỳ qua, các cấp HND huyện xác định phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ, phong trào trọng tâm trong công tác Hội và phong trào nông dân. Hằng năm, Ban Thường vụ HND huyện đều chỉ đạo các cấp Hội trực thuộc tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia phong trào. Qua đó, hội viên nông dân thấy được lợi ích thiết thực trong sản xuất, đời sống của gia đình đã đăng ký tham gia.

Từ phong trào thi đua, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, có thu nhập cao. Đơn cử như mô hình làm ruộng, nuôi cá tra và kinh doanh xăng dầu của ông Nguyễn Văn Tuấn ở ấp Tân Lợi, xã Thạnh Lộc có thu nhập hàng tỉ đồng/năm. Theo ông Tuấn, năm 1994, sau khi ra riêng, ông được cho 6 công ruộng để canh tác, vợ chồng ông tập trung xây dựng phát triển mô hình nuôi cá và bán gạo. Công việc làm ăn thuận lợi, đến năm 2006, gia đình ông đã tích cóp mua được 17 công ruộng. Ông Tuấn bộc bạch: “Hồi trước, gia đình tôi cực khổ trăm bề. Vợ chồng tôi phải làm đủ nghề kiếm sống, nuôi con. Mặc dù vất vả nhưng bù lại kinh tế gia đình dần khấm khá”.

Ông Tuấn chia sẻ, trước đây, theo tập quán sản xuất cũ, ông sạ dày nên năng suất thấp. Nhờ dự các lớp tập huấn, tham gia hội thảo đầu bờ và tham quan các mô hình làm ăn có hiệu quả, ông mạnh dạn ứng dụng phương pháp sạ hàng, sạ thưa. Từ đó, giảm được chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật,... lúa lại cho năng suất cao. Năm 2018, hai vụ lúa đông xuân và hè thu của ông Tuấn đạt năng suất từ 40- 50 giạ/công, bán với giá từ 5.500 đến 5.900 đồng/kg, cho thu nhập khoảng từ 120 đến 140 triệu đồng/vụ. Ngoài trồng lúa, từ năm 2001, ông Tuấn mạnh dạn phát triển mô hình nuôi cá tra với diện tích 1,5ha. Ông Tuấn kể: “Trong 15 năm nuôi cá tra, tôi ấn tượng nhất là năm 2011 nuôi với diện tích 1,5ha. Năm đó, tôi thắng đậm với thu nhập trên 12 tỉ đồng”.  Sau hơn 20 năm làm ruộng, nuôi cá, gia đình ông Tuấn có 4,8ha ruộng và ao nuôi cá. Tháng 10-2017, ông Tuấn đầu tư trên 3 tỉ đồng để mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại nhà...

Ông Võ Văn Bảy, Chủ tịch HND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nhiệm kỳ qua, HND huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông tổ chức 837 cuộc hội thảo đầu bờ chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hơn 36.000 lượt hội viên tham gia. Đồng thời các cấp Hội đã vận động 65.629 lượt hộ đăng ký NDSXKDG. Qua bình xét, có 41.256 lượt hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu NDSXKDG các cấp”. Từ đó, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như: ông Tiêu Ngọc Lợi, xã Thạnh Lộc với mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu lợi trên 1 tỉ đồng/năm; ông Nguyễn Ngọc Lê, xã Thạnh Quới với mô hình trồng lúa, rẫy, cho lợi nhuận 382 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Văn Tiếng, thị trấn Thạnh An với mô hình trồng cam, quýt cho thu nhập trên 450 triệu đồng/năm…

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy về đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, các cấp HND huyện chủ động đề xuất; phối hợp với các ban, ngành; vận động cán bộ hội viên, nông dân thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Ông Lê Thanh Trường ở ấp Bờ Bao, xã Thạnh Tiến, cho biết: “Trước đây, tuyến đường chính của ấp chỉ đổ cát núi đi tạm, lâu ngày mặt đường xuống cấp. Ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì sình bùn. Năm 2016, chúng tôi đã hiến đất làm đường bê tông rộng 4m, xe ô tô ra vào thuận tiện, ai cũng phấn khởi...”. Theo ông Võ Văn Bảy, Chủ tịch HND huyện Vĩnh Thạnh, 5 năm qua, các cấp Hội đã vận động nhân dân sửa chữa và bắc mới 122 cây cầu các loại, sửa chữa và làm mới 136,7km đường giao thông nông thôn, với tổng số tiền hàng trăm tỉ đồng; nông dân còn góp 7.824 ngày công lao động.

Ông Võ Văn Bảy cho biết: “Nhiệm kỳ 2018-2023, HND huyện xác định phương hướng và mục tiêu chung là “Tiếp tục phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội cơ sở; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, tổ chức thực hiện có hiệu quả 3 phong trào lớn của Hội, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nông dân”.

K.V

Chia sẻ bài viết