04/02/2018 - 08:59

Mỹ công bố dự thảo chiến lược vũ khí hạt nhân mới

Chú trọng loại nhỏ để dễ đương đầu với Nga 

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố dự thảo chiến lược vũ khí hạt nhân mới theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump, trong đó đề xuất chú trọng phát triển các loại vũ khí có “cường độ thấp” để sẵn sàng đương đầu với lực lượng hạt nhân mới của Nga.

Tổng thống Trump tại Nhà Trắng. Ảnh: AP

Kết thúc chính sách hạt nhân từ thời Obama

Dự thảo chiến lược vũ khí hạt nhân mới có tên gọi Xem xét tình hình hạt nhân (NPR) vốn đã được tiết lộ hồi giữa tháng Giêng vừa qua. Theo tờ Washington Post, mục tiêu của chiến lược này chủ yếu nhằm vào Nga và nó phù hợp với chính sách của Lầu Năm Góc là thay đổi ưu tiên từ chống các tay súng khủng bố Hồi giáo sang “cạnh tranh quyền lực lớn” với Nga cũng như đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc, Triều Tiên và Iran.

Washington Post cho biết trong chính sách hạt nhân quân sự mới được công bố hôm 2-2, Lầu Năm Góc giới thiệu hai loại hình vũ khí mới có ý nghĩa chấm dứt học thuyết hạt nhân của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama  giảm quy mô-tầm hoạt động của kho vũ khí hạt nhân và giảm thiểu vai trò của vũ khí hạt nhân trong hoạch định quốc phòng. Chính sách hạt nhân của cựu Tổng thống Obama được thông qua năm 2010 với kế hoạch kéo dài 30 năm và trị giá 1.200 tỉ USD. Chiến lược của ông Obama yêu cầu cắt giảm số lượng lớn vũ khí hạt nhân, đồng thời hiện đại hóa “bộ ba hạt nhân” gồm tên lửa đạn đạo mới  trên mặt đất, tàu ngầm và oanh tạc cơ tàng hình tầm xa. Ngược lại, chiến lược mới của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis mong muốn phát triển loại vũ khí hạt nhân “cường độ thấp” theo hai bước trong ngắn hạn và dài hạn.

Vũ khí hạt nhân “cường độ thấp” của chính quyền Trump có thể sẽ được triển khai sớm trong vài năm tới trên các tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo và sau đó được triển khai trên các tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình tầm trung. Cần nhắc lại là chính quyền Tổng thống George H.W Bush đã cho ngưng sử dụng tên lửa hành trình trên tàu ngầm hạt nhân (SLCM) và chính quyền Obama cho rút nó ra khỏi kho vũ khí của Mỹ. Trong khi đó, kế hoạch sắp tới của Mỹ là rút bom B-83, vũ khí hạt nhân lớn nhất trong kho vũ khí của Mỹ. Việc sử dụng bom này vẫn được tiếp tục cho đến khi tìm kiếm loại khác thay thế.

Vũ khí nhỏ nhưng dễ ra tay sử dụng

Theo hãng tin Reuters, cái gọi là vũ khí “cường độ thấp” có sức công phá thấp hơn 20 kiloton. Tuy nhiên, sức hủy diệt của nó tương đương với quả bom nguyên tử mà  Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.

Theo Washington Post, Nga đang sở hữu nhiều loại vũ khí hạt nhân nhỏ mà Mỹ thiếu. Do vậy, Lầu Năm Góc lo ngại Mát-xcơ-va có thể chiếm lĩnh một phần quốc gia đồng minh của Mỹ rồi sau đó tiến hành một vụ “tấn công hạt nhân có hạn chế” nhằm ngăn chặn Washington đưa quân đến ứng cứu. Trong trường hợp này, Mỹ không thể phát động cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn nhằm vào Nga mà cần sử dụng vũ khí hạt nhân trả đũa tương ứng. Giới chức Mỹ cho rằng loại vũ khí hạt nhân cường độ thấp ít hủy diệt hơn vũ khí hạt nhân loại lớn nên tiềm năng sử dụng của nó dễ dàng hơn và có tính răn đe hiệu quả hơn.

Riêng với tên lửa hành trình trang bị tàu ngầm hạt nhân (SLCM), các quan chức quân sự Mỹ nó có thể trấn an đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc đối mặt với Triều Tiên, đồng thời buộc Nga phải chấm dứt vi phạm Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung được ký kết năm 1987. Tuy nhiên, loại vũ khí này chưa được quyết định phát triển và sẽ chờ đợi trong một thập niên. Vả lại theo ông Greg Weaver, phó giám đốc phụ trách năng lực chiến lược của Lầu Năm Góc, Mỹ sẵn sàng hạn chế phát triển tên lửa hành trình nếu như Nga “điều chỉnh lại sự mất cân bằng của các lực lượng hạt nhân phi chiến lược”. Theo Lầu Năm Góc, Nga đang có kho dự trữ gồm 2.000 vũ khí hạt nhân phi chiến lược, trong khi Mỹ có hàng trăm vũ khí này được triển khai tại châu Âu.

Trong dự thảo chiến lược vũ khí hạt nhân mới dài 74 trang, Lầu Năm Góc lần đầu tiên công khai xác nhận Nga đã phát triển một loại thủy lôi bội siêu thanh có trang bị hạt nhân. Loại thiết bị có khả năng di chuyển xa hàng ngàn dặm để tấn công các mục tiêu ở bờ biển Mỹ như căn cứ quân sự, thành phố. Giới phân tích mô tả đây là loại “vũ khí tận thế”.

Nguy cơ tính toán sai lầm

Trong một thông cáo bằng văn bản, Tổng thống Trump hoan nghênh học thuyết hạt nhân mới của Lầu Năm Góc. “Hơn một thập niên qua, bất chấp các nỗ lực của Mỹ làm giảm vai trò và số lượng vũ khí hạt nhân, nhưng các nước khác lại tăng cường kho vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh của họ. Có một số trường hợp phát triển khả năng hạt nhân mới đe dọa các nước  khác... Chiến lược lần này của Mỹ sẽ tăng cường răn đe các cuộc tấn công chiến lược vào đất nước, đồng minh và đối tác của chúng ta” - ông Trump nhấn mạnh. Trong thông điệp liên bang đầu tiên mới đây, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ xây dựng kho hạt nhân “ hùng mạnh đủ sức răn đe bất kỳ hành động gây hấn nào” của đối thủ.

Không chỉ phát triển loại vũ khí hạt nhân “cường độ thấp”, theo hãng tin AP, chính quyền  Trump đồng thời cam kết tiếp tục kế hoạch của chính quyền tiền nhiệm là hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, bao gồm oanh tạc cơ, tàu ngầm và tên lửa đạn đạo liên lục địa mới cũng như tên lửa hành trình mới trang bị cho máy bay ném bom. Tổng chi phí dự kiến khoảng 1.200 tỉ USD trong 30 năm tới.

Theo hiệp ước New Start (cắt giảm vũ trang chiến lược mới) có hiệu lực từ tháng 2-2011 giữa Mỹ và Nga, hai nước sẽ hạn chế ở mức 1.500 đầu đạn hạt nhân chiến lược và triển khai tối đa 700 bệ phóng tên lửa. Giống như ông Obama, Tổng thống Trump nói rằng Mỹ chỉ xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân “trong các tình thế hết sức đặc biệt”. Tuy nhiên, chiến lược mới của Mỹ là phát triển vũ khí hạt nhân loại nhỏ và tên lửa hành trình nhằm tăng cường khả năng đối đầu Nga tại châu Âu, Triều Tiên và Trung Quốc tại châu Á hay Iran ở Trung Đông, nên  có nguy cơ dẫn đến tính toán sai lầm. Đáng nói hơn, chính sách mới của Mỹ còn dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để trả đũa các vụ  tấn công tin tặc tai hại! “Tổng thống Trump đang phiêu lưu bằng một bước đi liều lĩnh” - nhà khoa học cao cấp Lisbeth Gronlund cảnh báo. 

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết