03/01/2011 - 09:41

NHÌN LẠI CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM NĂM 2010

Chú trọng kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp

Người lao động đăng ký tìm việc làm tại Ngày hội tuyển dụng do Trung tâm GTVL TP Cần Thơ tổ chức. 

Năm 2010, trên 50.200 lao động ở TP Cần Thơ được giải quyết việc làm, vượt kế hoạch năm đề ra. Các quận, huyện chủ động tổ chức nhiều hoạt động giải quyết việc làm (GQVL), góp phần giúp lao động tìm được việc, cải thiện đời sống, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Nhiều giải pháp tạo việc làm

Theo báo cáo của Phòng Lao động-Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Cờ Đỏ, năm 2010, thông qua các giải pháp: giới thiệu việc làm (GTVL) cho các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, cho vay vốn, tạo việc làm tại chỗ, dạy nghề và tạo việc làm sau đào tạo... toàn huyện có 3.341 lao động được GQVL, đạt 117% so với kế hoạch năm. Ông Võ Minh Chính, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Các xã, thị trấn luôn tạo điều kiện dễ dàng cho người lao động trong xác nhận hồ sơ xin việc; kết hợp với các doanh nghiệp trong tiếp nhận lao động vào làm việc. Ngoài ra, các địa phương cũng rất quan tâm hiệu quả vay vốn tạo việc làm tại chỗ cho người lao động”.

Với lợi thế trên địa bàn có nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tư nhân, các phường trong quận Cái Răng năng động GTVL cho người lao động vào làm việc ở các doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn ưu tiên tiếp nhận lao động tại chỗ vào làm việc, giải quyết khá tốt việc làm thường xuyên. Năm 2010, quận Cái Răng đã GQVL cho trên 4.300 lao động.

Các Trung tâm GTVL ở TP Cần Thơ cũng làm tốt việc tư vấn, hướng nghiệp cho lao động trẻ, từng bước xác định mục tiêu nghề nghiệp, việc làm. Hằng năm, các Trung tâm GTVL tiếp nhận nhiều đơn đặt hàng tuyển ủy thác. Năm 2010, Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ đã giới thiệu trên 4.800 lao động có việc làm trong tổng số trên 23.400 lượt lao động được tư vấn tìm việc. Trung tâm tiếp nhận trên 3.000 đơn đặt hàng tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố. Ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp rất đa dạng và phong phú, người lao động có khá nhiều cơ hội tìm việc, nhưng quan trọng là khả năng đáp ứng điều kiện tuyển dụng. Mặc dù, Trung tâm vượt chỉ tiêu GTVL nhưng chỉ mới đáp ứng 40% nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Riêng lao động phổ thông chỉ đáp ứng khoảng 10%”.

Chú trọng hướng nghiệp, rèn kỹ năng

Theo Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, trong tổng số trên 50.200 lao động ở thành phố có việc làm năm nay, đã có gần 11.300 lao động tìm việc làm thông qua các trung tâm GTVL; các doanh nghiệp tự phỏng vấn tuyển trên 27.500 lao động... Những con số phần nào nói lên hiệu quả của sự phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tư vấn việc làm, phỏng vấn tuyển dụng thông qua các hình thức: Ngày hội việc làm Thanh niên, Ngày hội tuyển dụng, sàn giao dịch việc làm... Các hoạt động đã giúp người lao động và nhà tuyển dụng có cơ hội gặp gỡ, thỏa thuận các điều kiện, đảm bảo đôi bên cùng có lợi. Vài năm trở lại đây, những hình thức hoạt động này được đa số sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp hưởng ứng, góp phần dần định hướng nghề nghiệp, việc làm cho họ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng cần duy trì các hình thức tư vấn, tuyển dụng trực tiếp và trực tuyến. Lúc đầu, có thể người lao động chưa thích ứng ngay được nhưng về lâu dài rất cần thiết, có lợi cho nhà tuyển dụng và người lao động. Tại các ngày hội việc làm có nhiều lao động tham gia, nhà tuyển dụng có cơ hội tuyển ứng viên theo yêu cầu chức danh, công việc.

Mới đây, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ đến năm 2020” triển khai thực hiện ở các quận, huyện, đã đề ra mục tiêu lồng ghép dạy nghề với nâng cao kỹ thuật, kỹ năng nghề cho lao động nông thôn. Trong năm 2011, sẽ có 5.750 lao động được học nghề dưới 3 tháng, sơ cấp và trung cấp nghề phù hợp với nguyện vọng, điều kiện; phấn đấu có khoảng 75% học viên có việc làm sau học nghề sơ cấp và dưới 3 tháng.

Theo xu thế hiện nay, GQVL dựa trên khả năng của người lao động và hiệu quả công việc; đánh giá hiệu quả không chỉ dựa trên số lượng mà còn chú trọng đến chất lượng. Song song với việc tạo điều kiện về thủ tục, các địa phương cần có kế hoạch thống kê, kiểm tra số lao động ở địa phương về việc làm, thu nhập, qua đó nắm nguyện vọng của người lao động để kịp thời hỗ trợ. Lãnh đạo các trung tâm GTVL cho rằng, cần tập trung tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động về chọn việc làm phù hợp với trình độ, khả năng, hạn chế tình trạng người lao động chọn việc làm thiếu tính ổn định. Bên cạnh đó, người lao động cần tự tin, mạnh dạn nhận việc để trải nghiệm và thể hiện mình. Việc tự học để trang bị trình độ tin học, ngoại ngữ để ứng dụng vào công việc cũng hết sức cần thiết. Nếu không sớm nhận thức và chuyển đổi, người lao động sẽ khó có việc làm ổn định, lâu dài. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần có cách quản lý chuyên nghiệp hơn, thực hiện đúng các chế độ, chính sách, tạo môi trường làm việc thoải mái để người lao động phát huy và vận dụng khả năng chuyên môn vào công việc.

Năm 2010 khép lại với những kết quả đáng khích lệ, đồng thời mở ra nhiều giải pháp tích cực, khả thi để GQVL cho 50.000 lao động trong năm 2011. Vấn đề đặt ra là hàng năm, các ngành chức năng cần linh động tổ chức thêm nhiều hoạt động GQVL thiết thực, hiệu quả; chất lượng nguồn lao động phải song hành với số lượng GQVL.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết