27/09/2021 - 20:56

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội 

(Quochoi.vn ) - Sáng 27-9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, chủ trì tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu bế mạc tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo đại diện của Ngân hàng thế giới và các ý kiến thảo luận đã xác định 5 nguyên nhân khiến cho Việt Nam chuyển từ vị trí tăng trưởng cao của thế giới trong năm 2020 xuống dưới trung bình của thế giới vào 2021 và các năm tiếp theo. Đó là tình hình y tế đang chuyển biến xấu; chương trình vaccine triển khai chậm, đứng sau các nước trong khu vực ASEAN về độ phổ cập vaccine; việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển nghiêm ngặt hơn và trong tổ chức thực thi còn thiếu đồng bộ, nhất quán, thiếu linh hoạt phối hợp, tác động đến kết quả của phòng, chống dịch và trong duy trì chuỗi cung ứng và hoạt động của kinh tế xã hội; các chương trình ứng phó quy mô còn khiêm tốn tính trên tỷ lệ GDP, thiếu cân bằng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tài khóa chủ yếu giãn hoãn các khoản thuế, giảm chậm nộp và trực tiếp chi tiền mặt còn ít; các chương trình trợ giúp xã hội quy mô vẫn còn hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành với nhận định của đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra tại tọa đàm là việc phục hồi kinh tế vẫn chưa thể được đảm bảo ngay cả ở những nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp nếu vẫn tồn tại dịch ở các nước khác, do đó cần chia sẻ bình đẳng vaccine. Chính sách tài chính, tài khóa toàn cầu có thể bị thắt chặt hơn nếu các nước tiên tiến thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ nhanh hơn dự kiến để đối phó với rủi ro gia tăng lạm phát sau thời gian siêu nới lỏng. Với nhận định này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Quốc hội cần tính toán kỹ những tác động này. Nếu tăng trưởng kinh tế của các đối tác chiến lược, thành viên các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, EVFTA… chững lại hoặc suy giảm sẽ ảnh hưởng tới sự phục hồi của Việt Nam. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “không thể lạc quan một chiều được”, phải đánh giá, dự báo được để có những chính sách phù hợp.

Về các lưu ý chính sách đối với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần kiên định mục tiêu kép có lựa chọn ưu tiên cụ thể. Chủ tịch Quốc hội cho biết, vấn đề này đã được Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương 3 vừa qua kết luận rõ ràng, trước mắt tập trung nhiều hơn cho chống dịch, đặt sức khỏe người dân lên trên hết và trước hết.

Chủ tịch Quốc hội dẫn lại các nội dung đề xuất, kiến nghị. Một là tập trung đẩy nhanh tiêm chủng và xét nghiệm bởi đây là điều kiện tiên quyết để kiểm soát đại dịch và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế - xã hội. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ủng hộ với ý kiến bản thân các giải pháp phòng, chống dịch cũng phải tiết kiệm, hiệu quả.

Hai là tiếp tục giãn cách, hạn chế di chuyển nhưng phải thông minh hơn như áp dụng công nghệ, linh hoạt, đồng bộ, nhất quán, chủ động, gắn với quản trị quốc gia có phân cấp ủy quyền, liên kết vùng.

Ba là tiếp tục hỗ trợ cả về tài khóa, tiền tệ theo hướng cân bằng hơn, trong đó tài khóa hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi kinh tế - xã hội; tăng chi cho y tế, có hỗ trợ trực tiếp, có chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất có mục tiêu và có địa chỉ; giải pháp hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp đang chịu lỗ, đề xuất cho phép chuyển lỗ nhiều hơn so với quy định hiện nay, hỗ trợ chi phí trong giá thành cao hơn chi phí thực tế… Cùng với đó, tổ chức thực thi chính sách nhanh gọn và tăng cường giải ngân đầu tư công, đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước để tăng thu ngân sách, thu hút đầu tư. Các đại biểu cũng đề nghị tăng cường trợ giúp xã hội, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương để làm chậm và khắc phục gia tăng bất bình đẳng.

Nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng chương trình tái thiết phục hồi kinh tế và có phân chia theo giai đoạn, đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái cho chuyển đổi số kinh tế số, tăng trưởng xanh, tái cấu trúc nền kinh tế, tăng cường năng lực quản trị quốc gia, năng lực thực thi chính sách từ Trung ương đến địa phương.

Về bài học kinh nghiệm, gợi ý chính sách cho Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết, mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe nhân dân cả về thể chất và tinh thần, đồng thời duy trì sinh hoạt, hoạt động kinh tế - xã hội bình thường ở mức tối đa có thể trong bối cảnh có dịch bệnh. Thực chất đây là giải pháp tìm điểm cân bằng, tối ưu giữa y tế và kinh tế - xã hội, áp dụng linh hoạt theo thời điểm và có lộ trình.

Mô hình cho phòng, chống dịch trong tình hình mới chú trọng vai trò của ý thức nhân dân trong bảo vệ sức khỏe và tiêm chủng, năng lực của hệ thống  y tế; cần lưu ý yếu tố linh hoạt, không cứng nhắc, điều chỉnh để thích ứng, tính toán kỹ bài toán lợi ích và chi phí, duy trì sinh hoạt, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng. Đồng thời, coi trọng vai trò của công nghệ, dữ liệu khoa học. Củng cố sức khỏe và phát triển kinh tế hết sức chú trọng khía cạnh xã hội và tâm lý người dân, nới lỏng một số hoạt động để hạn chế sức ép xã hội.

Về quan điểm thích ứng với COVID-19, với dự báo dịch bệnh còn có thể kéo dài, nên các chính sách cần tính đến tác động, xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa y tế và kinh tế - xã hội, nhấn mạnh y tế là trụ cột, khoa học công nghệ là then chốt, kinh tế là nền tảng, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị là trọng yếu và thường xuyên.

Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cần dựa trên cơ sở khoa học và thận trọng kỹ lưỡng đánh giá tổng thể và có lộ trình phù hợp, huy động phân bổ nguồn lực cho phòng, chống dịch có trọng tâm, trọng điểm đúng mục tiêu đúng đối tượng và có hiệu quả. Nâng cao ý thức trách nhiệm người dân và cộng đồng, tiêm vaccine và thuốc điều trị. Tranh thủ thích ứng với tình hình là động lực để hoàn thiện thể chế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững bao trùm, đẩy mạnh số hóa, xanh hóa nền kinh tế, hiện đại hóa y tế, cải thiện năng lực quản trị quốc gia và doanh nghiệp. Trên cơ sở các mục tiêu, quan điểm trên để có kế hoạch cho năm 2021, 2022 và tính toán các biện pháp lâu dài…

Tin tưởng những khó khăn hiện nay chỉ là trước mắt, tạm thời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chúng ta vẫn có những nền tảng tốt để có thể sớm trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch.

Chia sẻ bài viết