Ngày 11-7, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác của Quốc hội đã về thăm, làm việc tại Long An, tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội và công tác chuẩn bị, tiến hành đại hội Đảng các cấp trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch QH bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mới của Long An trong hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới và nhất là những năm gần đây; bình quân tăng trưởng GDP đạt hai con số mỗi năm, thuộc loại cao của cả nước. Mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp để nhường chỗ cho phát triển công nghiệp, dân số tăng thêm nhưng sản lượng lương thực vẫn đạt khoảng 2 triệu tấn/năm; bình quân lương thực đầu người tiếp tục tăng; thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Long An cũng đã gia nhập câu lạc bộ nghìn tỉ; 6 tháng đầu năm 2010, thu ngân sách đạt hơn 1.600 tỉ đồng.
Từ một tỉnh nông nghiệp, Long An đã rất quyết liệt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp. Các chính sách xã hội, đặc biệt là công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo các gia đình chính sách luôn được quan tâm và bảo đảm thực hiện tốt trên địa bàn. Cơ sở hạ tầng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Với sự đoàn kết phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh, Long An đã đạt những thành tựu khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Chủ tịch QH hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền tỉnh Long An đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục. Chia sẻ những khó khăn mà Long An đang gặp phải, như thiếu vốn đầu tư, thiếu điện cho sản xuất và đời sống..., Chủ tịch QH cho rằng đây cũng là những vấn đề chung đặt ra trong quá trình phát triển.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Trương Văn Tiếp, thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII Đảng bộ tỉnh Long An, giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh ước đạt 11,6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; dự kiến, cuối năm 2010 tỉ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 37,5%, công nghiệp - xây dựng: 33%, thương mại - dịch vụ: 29,5%; GDP bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 22,3 triệu đồng/người/năm. Công nghiệp, xây dựng đã khẳng định được vai trò động lực của nền kinh tế, môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể, thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đến tháng 6-2010, trên địa bàn tỉnh có 6.150 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động, với tổng vốn đăng ký hơn 185.000 tỉ đồng, 323 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 3.190 triệu USD. Toàn tỉnh hiện có 23 khu công nghiệp và 41 cụm công nghiệp trên tổng diện tích gần 15.500 ha; đến nay, đã có gần 1400 dự án được giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, với tổng diện tích hơn 9000 ha.
Một số chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra gồm: Sản lượng lương thực bình quân đạt trên 2 triệu tấn/năm (kế hoạch đề ra là 1,9 triệu tấn); nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 23,6%/năm (kế hoạch đề ra là 18%); kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 26,4%/năm (kế hoạch đề ra là 25%)...
Long An đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đang triển khai phổ cập bậc trung học; đã đạt chỉ tiêu có 20% số trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 24% năm 2005 lên 50% vào năm 2010. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Hoạt động y tế dự phòng được triển khai có hiệu quả; chủ động phòng, chống các dịch bệnh, không để bùng phát thành dịch lớn.
Về tình hình triển khai và tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015: đến nay, toàn tỉnh đã có 865/871 tổ chức cơ sở đảng đại hội xong, đạt 99,31%, còn 6 tổ chức cơ sở đảng chưa đại hội. Công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đang được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc; công tác văn kiện, nhân sự được chuẩn bị kỹ, đảm bảo đúng quy trình.
Các kiến nghị của tỉnh tập trung vào việc hỗ trợ, bố trí nguồn vốn cho các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có dự án đầu tư Khu cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, dự án xử lý nước thải tại thành phố Tân An, tuyến quốc lộ N1, quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Tân An... Tỉnh cũng kiến nghị, cần có chính sách tiền lương phù hợp với cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ bán chuyên trách để động viên cán bộ yên tâm công tác, đồng thời thu hút lực lượng trí thức trẻ về công tác tại cơ sở.
Các thành viên đoàn công tác của Quốc hội đã trao đổi với cán bộ chủ chốt của tỉnh Long An về những vấn đề đặt ra trong định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh như vốn, mặt bằng, xử lý ô nhiễm môi trường...; việc kết nối giữa Long An với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn vùng; việc thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, xã, phường, có ảnh hưởng như thế nào đến công tác giám sát, nhất là giám sát chi tiêu ngân sách ở địa phương; công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ; tạo công ăn việc làm cho người lao động...
m Cùng ngày, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác của Quốc hội đã đến thăm, làm việc tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa.
NGUYỄN THỊ SỰ (TTXVN)