11/09/2011 - 17:37

TP CẦN THƠ

Chủ động ứng phó với lũ

Nông dân huyện Cờ Đỏ chuẩn bị máy bơm tiêu úng cho trà lúa thu đông. Ảnh: ANH KHOA 

Năm nay, lũ về sớm và đang ở mức cao, người dân đầu nguồn rất phấn khởi chuẩn bị mùa đánh bắt thủy sản, nhưng nước lũ cũng đang đe dọa diện tích lúa thu đông 2011. Ở thành phố Cần Thơ, hiện các ngành chức năng địa phương và nông dân đang tích cực thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ lúa thu đông, tài sản và hoa màu cho người dân khi lũ tràn đồng.

* Nước lũ đe dọa lúa thu đông

Theo ngành chức năng thành phố, hiện diện tích lúa thu đông 2011 bị thiệt hại và đang bị đe dọa do nước lũ ở mức cao chủ yếu tập trung ở huyện Vĩnh Thạnh. Năm nay, nông dân nơi đây đã xuống giống 7.981 ha lúa thu đông. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, năm nay nước lũ đã về sớm hơn so với năm trước 1 tháng và mực nước đang cao hơn cùng kỳ khoảng 50-60cm. Do lũ về sớm, huyện có khoảng 246 ha lúa bị thiệt hại từ 30-40%. Hầu hết các diện tích lúa bị thiệt hại nằm rải rác ở các vùng ngoài đê bao và một số nhỏ diện tích trong vùng đê bao. Còn hơn 799,83 ha nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện vẫn an toàn, do nông dân chủ động nuôi theo các hình thức thả trong vèo, trong các vùng đê bao. Hiện đã có hơn 211 ha thủy sản được thu hoạch, với sản lượng hơn 14.890 tấn.

Ông Võ Văn Phước ở ấp Quy Long, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Hiện nước lên khá nhanh và đã ngập tới cổ bông lúa, vừa rồi tôi phải thu hoạch 10 công lúa chạy lũ, do lúa chưa thật chín nên năng suất đã bị giảm gần 1/4 và chỉ khoảng 20 giạ/công, bán với giá lúa 7.200 đồng/kg, tôi chỉ lời khoảng 200.000 đồng/công, nếu không bị ảnh hưởng lũ chắc lời trên 1 triệu đồng/công”. Theo ông Đoàn Đức Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp thành phố và huyện đã khuyến cáo nông dân chỉ sản suất lúa vụ 3 tại các vùng có đê bao. Kế hoạch của huyện là diện tích lúa vụ 3 trong các vùng đê bao sẽ gieo sạ từ 80% trở lên và phải thực hiện tốt các biện pháp chủ động đối phó với lũ như: gia cố đê bao, bờ thửa, chuẩn bị sẵn máy bơm... Tuy nhiên, năm nay lúa liên tục trúng mùa, được giá và nhiều nông dân nghĩ lũ không về sớm như mọi năm, nên nhiều hộ dân dù có diện tích sản xuất nằm ngoài đê bao vẫn gieo sạ, lũ về sớm, trở tay không kịp.

Theo ông Đoàn Đức Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, lũ còn tiếp tục đe dọa trong 2 con nước tới đây, huyện đã điều xáng cạp đến gia cố các khu vực đê bao xung yếu và vùng đê bao thấp hoặc còn thiếu an toàn trên địa bàn thị trấn Vĩnh Thạnh và xã Vĩnh Trinh, Vĩnh Bình, Thạnh Mỹ, Thạnh Quới, Thạnh Tiến... Đến nay, hầu hết các đê bao xung yếu trên địa bàn Vĩnh Thạnh đã được bảo vệ tương đối an toàn, nếu nước lũ không đột biến, thì hầu hết diện tích lúa thu đông trên địa bàn huyện đảm bảo giữ vững.

* Tập trung bảo vệ lúa

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, tính đến ngày 7-9, toàn thành phố đã thu hoạch khoảng 3.551/54.363 ha lúa thu đông, năng suất bình quân 4,6 tấn/ha. Dự kiến, cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2011, nông dân TP Cần Thơ sẽ thu hoạch đông ken lúa thu đông 2011... Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết con nước lũ vào cuối tháng 7 âm lịch kết hợp với triều cường đã gây ngập ở một số nơi, nhất là ở địa phương đầu nguồn lũ, nhưng nhìn chung lũ không gây thiệt hại trên trà lúa thu đông của thành phố. Tuy nhiên, tới đây sẽ còn 2 con nước (Rằm tháng 8 và cuối tháng 8 âm lịch) có khả năng ảnh hưởng đến lúa thu đông 2011. Do đó, các địa phương cần tập trung công tác gia cố đê bao và chuẩn bị phương tiện để bơm tiêu úng cho lúa, đảm bảo thêm một vụ lúa thắng lợi nữa trong năm nay.

Trong đợt kiểm tra tình hình sản xuất lúa thu đông trên địa bàn thành phố mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng nhận định: Năm nay, thành phố mở rộng diện tích lúa thu đông lên hơn 54.000 ha, tăng trên 20.000 ha. Cơ bản diện tích lúa thu đông trên địa bàn TP Cần Thơ phát triển tốt và đã thu hoạch một số diện tích, cao điểm thu hoạch vụ lúa thu đông là từ nay đến cuối tháng 9. Hiện mực nước lũ đang dâng cao và đe dọa đến diện tích lúa thu đông ở các huyện đầu nguồn vùng lũ, do vậy, các địa phương và nông dân phải tập trung mọi nguồn lực kể cả về phương tiện, kinh phí để gia cố đê bao, hợp tác bơm tập thể để đảm bảo chủ động trong bảo vệ lúa thu đông... Đồng thời, phải tập trung bảo vệ diện tích nuôi thủy sản mùa lũ, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.

VĂN CÔNG-ANH KHOA

Nông dân huyện Cờ Đỏ chuẩn bị máy bơm tiêu úng cho trà lúa thu đông. Ảnh: ANH KHOA 

Chia sẻ bài viết