22/04/2009 - 08:42

Chủ động đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh suy giảm kinh tế

* Miễn tiền thuê đất cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng

Ngày 21-4, tại Hà Nội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký kết chương trình phối hợp công tác năm 2009, tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như: đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, xây dựng hệ thống pháp luật và chính sách; kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách liên quan đến lao động, việc làm; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật đến người lao động ... nhằm đưa công tác phối hợp giữa hai cơ quan đi vào chiều sâu, góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của đất nước.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm tốt công tác phối hợp đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động nhằm duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Hai bên phối hợp triển khai Quyết định 30/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế; đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyết định trên. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp gặp khó khăn để nắm chắc tình hình việc làm của người lao động, có biện pháp hỗ trợ như điều chuyển người lao động bị mất việc làm sang làm việc ở các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Cùng với giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động bị mất việc làm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, hai bên có các biện pháp đối với doanh nghiệp lợi dụng tình hình khó khăn để cắt giảm lao động không đúng quy định.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, hai bên tăng cường tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cơ sở, địa phương, các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm thực thi nghiêm chỉnh chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là tập trung ưu tiên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, lao động-tiền lương, việc làm, trợ cấp mất việc. Hai bên làm tốt công tác dự báo, theo dõi sát hoạt động của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm, kịp thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ để ổn định việc làm và hạn chế sa thải người lao động khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội...

* Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 62/2009/QĐ-TTg, miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng, bắt đầu từ ngày 15-6-2009.

Theo đó, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước và Luật Hợp tác xã được Nhà nước cho thuê đất để kinh doanh vận tải hành khách công cộng tại các quận, thành phố, thị xã thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe (bao gồm cả khu bán vé, khu quản lý điều hành, khu phục vụ công cộng). Đối với diện tích đất không sử dụng vào mục đích phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng thì phải nộp tiền thuê đất theo quy định.

Doanh nghiệp không được phép chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp, bảo lãnh bằng giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được miễn tiền thuê đất. Doanh nghiệp chỉ được phép áp dụng các hình thức này đối với tài sản thuộc sở hữu của mình đã đầu tư trên đất.

Trường hợp doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích thì Nhà nước thực hiện thu hồi đất và xử lý tài sản đã đầu tư trên đất theo đúng quy định hiện hành về đất đai.

BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết