26/08/2014 - 09:16

ĐỔI MỚI TUYỂN SINH

Chọn nghiêng về phương án 1

Dự kiến, từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tập trung tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở xét tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Hiện nay, Bộ đưa 3 phương án thi để lấy ý kiến rộng rãi trong các chuyên gia, cơ sở GD, ĐT. Báo Cần Thơ xin lược ghi ý kiến của các nhà quản lý của ngành giáo dục, trường THPT, ĐH xoay quanh vấn đề này.

Ông Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ:
Kỳ vọng kỳ thi THPT quốc gia khách quan, chất lượng

 

- Đối với 3 phương án thi mà Bộ GD&ĐT đưa ra, với thời gian quá ngắn như vậy, tôi cho rằng nên chọn phương án 1 là theo môn thi sẽ khả thi hơn vì ít xáo trộn nhất. Thí sinh sẽ thi 8 môn (Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ). Để được xét công nhận tốt nghiệp, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn). Kết quả của các môn thi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; đồng thời kết quả này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Ngoài 4 môn thi trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm môn thi của kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định. Tất nhiên, ở phương án 1 sẽ khó tránh khỏi tình trạng học sinh học lệch nhưng chúng ta sẽ có giải pháp khắc phục. Như đưa ra quy định, để được tham dự kỳ thi quốc gia, học sinh phải đạt số điểm ở các học phần vượt ngưỡng điểm tối thiểu. Ở phương án 2 là thi theo bài thi cũng khá hay nhưng nếu thực hiện ngay trong năm 2015 thì quá sớm, chúng ta vẫn chưa chuẩn bị tốt, vì đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tổng hợp các môn thi trong một bài thi; trong khi đó, cách dạy và học ở trường THPT chưa thay đổi nhiều.

Đổi mới tuyển sinh là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đúng với tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia đã đáp ứng mục tiêu “2 trong 1”, giảm áp lực thi cử đối với thầy, trò và chi phí đáng kể cho xã hội. Song, việc tổ chức như thế nào phải đảm bảo chất lượng, là cơ sở tin cậy cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển. Thời gian qua, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã thực sự tạo lòng tin cho xã hội về mặt chất lượng nên kỳ thi quốc gia cũng phải tổ chức gần giống như kỳ thi ĐH. Để làm được điều này, cần huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị vào cuộc, chứ không riêng gì ngành giáo dục. Còn với các trường ĐH, những người làm công tác giáo dục và bản thân tôi, luôn kỳ vọng vào kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới sẽ phản ánh một cách khách quan, trung thực, chất lượng, là cơ sở các trường ĐH, CĐ xét tuyển thí sinh mà không phải tổ chức kỳ thi riêng tốn kém, áp lực.

Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ:
Chọn phương án 1 thực hiện năm học 2014-2015 sẽ ít xáo trộn nhất

 

-Đổi mới thi cử, kiểm tra đánh giá là một chủ trương đúng đắn, được dư luận xã hội đồng tình hưởng ứng, bởi sự đổi mới này có tác động tích cực đến dạy và học ở các trường và địa phương. Trong dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia (thay kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ) mà Bộ GD&ĐT công bố vừa qua nhằm 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT và là cơ sở xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong 3 phương án thi mà Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, tôi thấy, cả 3 phương án đều có thể triển khai được nhưng cần phải có lộ trình rõ ràng. Song, trước mắt, chúng ta có thể chọn phương án 1 để thực hiện năm học 2014-2015, vì đây là phương án mang tính khả thi, ít xáo trộn. Các học sinh và giáo viên có thể chuẩn bị ngay được. Học sinh giảm nhiều áp lực và có nhiều cơ hội vào các trường ĐH, CĐ hơn. Học sinh thi 8 môn, với 8 buổi thi trong 4 ngày. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi học sinh thi tốt nghiệp 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu); song có thể đăng ký thi thêm một số môn khác để xét tuyển ĐH, CĐ định hướng theo nghề nghiệp. Các học sinh có thể rộng đường đi hơn trong lựa chọn ngành học của mình. Còn về lâu dài, năm 2016 chẳng hạn, chúng ta có thể thực hiện thêm phương án nữa đó là bỏ thi tốt nghiệp THPT và chỉ xét tốt nghiệp, vì vài năm gần đây, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT khá cao. Đối với những trường ĐH, CĐ, nếu thấy cần thiết thì có thể tự tổ chức thi tuyển riêng để chọn thí sinh giỏi.

Ông Võ Đức Chỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng:
Nên giao kỳ thi quốc gia cho tỉnh, thành tổ chức để tránh bệnh thành tích

 

- Qua trao đổi với thầy cô và học sinh lớp 12 năm nay, tập thể nhà trường và bản thân tôi nhận thấy, trong 3 phương án của Bộ GD&ĐT đề ra, chúng tôi chọn nghiêng về phương án 1. Tuy nhiên, nhiều thầy cô cho rằng cần phải xem lại việc ngoại ngữ là môn thi bắt buộc. Bởi dù môn học này rất cần thiết trong quá trình hội nhập quốc tế, tuy nhiên, điều kiện, chất lượng giảng dạy môn ngoại ngữ ở các vùng miền và mỗi nơi khác nhau. Do đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, học sinh được tự chọn môn thi ngoại ngữ thì năm 2015, các em cũng mong có một sự “công bằng”. Đối với việc tổ chức thi được bố trí thành cụm thi theo địa bàn tỉnh và chấm điểm thi theo vùng, miền nên cân nhắc vì hơi phức tạp. Sự kết hợp giữa giáo viên phổ thông và ĐH trong coi thi và chấm thi, nhất là chấm thi, nhiều khi giáo viên ĐH không dạy chương trình phổ thông nên chấm điểm sẽ không sát bằng so với giáo viên phổ thông. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, Bộ nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho tỉnh, thành để tổ chức, lúc đó sẽ không còn bệnh thành tích so sánh giữa các địa phương. Các tỉnh, thành vì chất lượng của mình sẽ tổ chức kỳ kiểm tra thật nghiêm túc, chất lượng. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hiện nay tổ chức tốt hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT nên tùy theo từng trường mà có thể tổ chức thi hoặc xét tuyển, như vậy giảm tải áp lực thi cử cho học sinh. Từ đó, các trường phổ thông tự nâng cao chất lượng của mình, còn những trường ĐH xét tuyển dựa trên kết quả đó mà tự sàng lọc, không phải tốn thời gian và kinh phí cho kỳ thi.

Ngọc - Hằng  (Lược ghi)

Phương án 1 là theo môn thi. Thi 8 môn (Toán, Văn, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ). Có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi một môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn Hóa, Lý, Sinh, Sử, Địa). Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, kết quả 4 môn thi này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Ngoài 4 môn thi trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm môn thi của kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định.

 Dự kiến, từ năm 2015, Bộ GD&ĐT chỉ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia. Trong ảnh: Thí sinh ra về sau giờ thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 ở TP Cần Thơ. Ảnh: B.NGỌC

Phương án 2 là thi theo bài. Trong kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và bài thi Khoa học xã hội (Sử và Địa). Mỗi thí sinh phải thi 4 bài (3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và chọn một trong hai bài thi khoa học tự nhiên hoặc xã hội).

Phương án 3: Trong kỳ thi, 11 môn học lớp 12 THPT (Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân) được tuyển chọn để tổng hợp thành 4 bài thi. Bài thi Toán-Tin (gồm môn Toán và Tin học). Theo đó, bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa  học, Sinh học và Công nghệ); bài thi Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân); bài thi Ngoại ngữ.

Chia sẻ bài viết