01/10/2009 - 07:52

Phiên họp 24 Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát năm 2010 và dự án Luật Dân quân tự vệ

* PHIÊN HỌP TOÀN THỂ ỦY BAN TÀI CHÍNH-NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI: Cần có chính sách hỗ trợ căn cơ hơn cho người nông dân

(TTXVN)- Ngày 30-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp thứ 24. Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, các đại biểu đã cho ý kiến về dự án Luật Dân quân tự vệ và dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2010.

Dự án Luật Dân quân tự vệ đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vừa qua gồm 9 chương, 67 điều. Tại phiên họp này, các ý kiến tập trung góp ý về các quy định: “Tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong doanh nghiệp (Điều 19) và “Nguồn kinh phí bảo đảm tổ chức và hoạt động của dân quân tự vệ (Điều 54)... Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng nhất trí với Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chọn Phương án 1 nêu trong dự thảo là doanh nghiệp phải tổ chức lực lượng dân quân tự vệ, nếu chưa tổ chức được lực lượng DQTV thì có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động của doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ DQTV ở địa phương nơi họ cư trú... không phụ thuộc vào điều kiện doanh nghiệp đó có tổ chức Đảng hay không.

Tờ trình của Văn phòng Quốc hội nêu 7 nội dung và đề nghị UBTVQH lựa chọn cho hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2010.

Theo ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, chỉ nên chọn 01 giám sát chuyên đề của Quốc hội là “Giám sát việc đầu tư, thành lập các trường đại học, cao đẳng và chất lượng đào tạo”; UBTVQH thực hiện giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong quan hệ giữa cơ quan Nhà nước với người dân và doanh nghiệp; việc tổ chức xuất khẩu lao động và việc phân cấp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình với quan điểm trên và đề nghị cần giám sát cả nội dung đầu tư trong lĩnh vực giáo dục có yếu tố nước ngoài. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đề nghị đưa nội dung giám sát chương trình 135 giai đoạn 2 vào nội dung giám sát của UBTVQH năm 2010 vì đây cũng là năm kết thúc giai đoạn 2 của chương trình 135 để đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm. Một số ý kiến khác đề nghị nên đưa nội dung giám việc quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp Nhà nước; giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường.v.v...

* Tiếp tục phiên họp toàn thể, sáng 30-9, Ủy Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã cho ý kiến vào Báo cáo giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến cho biết, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đến cuối tháng 8-2009 là 396.388 tỉ đồng. Trong đó, tỷ trọng dư nợ cho vay doanh nghiệp ngoài nhà nước là 67,57%; doanh nghiệp nhà nước là 15,38%; hợp tác xã và hộ gia đình là 17,05%. Ước đến cuối năm 2009, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của các Ngân hàng Thương mại (NHTM), công ty tài chính khoảng 600.000 tỉ đồng, xấp xỉ mức dự kiến. Kết quả kiểm tra, thanh tra tại 206 chi nhánh của 45 NHTM và công ty tài chính cho thấy, các tồn tại chủ yếu là thủ tục, hồ sơ vay vốn chưa đầy đủ và chưa đúng quy định của cơ chế cho vay thông thường. Bên cạnh đó, một số ít trường hợp cho vay chưa đúng đối tượng hỗ trợ lãi suất, các NHTM đã thu hồi nợ gốc và lãi. NHNN đã chỉ đạo kiểm tra, kiểm toán nội bộ toàn bộ dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trong năm 2009 để kịp thời khắc phục các tồn tại.

Các đại biểu nhất trí với phần lớn nội dung trong báo cáo của NHNN và báo cáo của đoàn giám sát, cho rằng cơ chế hỗ trợ lãi suất là giải pháp kích thích kinh tế được lựa chọn tối ưu, phù hợp với điều kiện nước ta, được ban hành kịp thời và đúng đối tượng, vì thế đã đạt hiệu quả. Một số đại biểu băn khoăn vì cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn kết quả đạt thấp (461,58 tỉ đồng). Nguyên nhân là do thông tin còn hạn chế; điều kiện, thủ tục chặt chẽ như: Chỉ cho vay để mua hàng hóa sản xuất trong nước, thủ tục vay phải có xác nhận đối tượng và mục đích sử dụng vốn vay; một số điểm chưa nhất quán về thời gian và mức hỗ trợ... khiến người nông dân chưa tiếp cận được nhiều. Các đại biểu kiến nghị cần điều chỉnh, quan tâm thỏa đáng, có chính sách hỗ trợ lâu dài, căn cơ hơn với khu vực này.

* Cho ý kiến về Kế hoạch kiểm toán năm 2010

Chiều 30-9, UB Tài chính - Ngân sách đã cho ý kiến về Kế hoạch kiểm toán năm 2010 của Kiểm toán Nhà nước.

Dự kiến, trong lĩnh vực NSNN, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 15 Bộ, ngành, cơ quan trung ương và 10 tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp. Ngoài 6 dự án chuyển tiếp từ năm 2009, sẽ tập trung kiểm toán 25 dự án đầu tư xây dựng cơ bản quan trọng thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện và 4 chương trình, đề án. Kiểm toán tại 31 đơn vị thuộc lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính, ngân hàng; 13 đầu mối lĩnh vực quốc phòng, khối học viện, nhà trường lĩnh vực an ninh; khối cơ quan Đảng, kiểm toán tại 12 tỉnh ủy....

Thường trực UB Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với định hướng kế hoạch kiểm toán 2010 và đề nghị phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chương trình, kế hoạch kiểm tra, thanh tra của các cơ quan Đảng, Thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành và các cơ quan chức năng khác.

Chia sẻ bài viết