12/09/2012 - 22:23

Phiên họp thứ 11 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII:

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân

Sáng 12-9, Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII (UBTVQH) đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Dự kiến, Phiên họp sẽ diễn ra trong khoảng gần 10 ngày (chia làm các đợt: từ ngày 12-14/9; từ ngày 17-19/9 và từ ngày 24-26/9). Đây là Phiên họp với nhiều nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII sẽ diễn ra vào cuối năm 2012.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, tại Phiên họp, UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội diễn ra vào cuối năm nay. Phiên họp được tiến hành nhằm tìm những giải pháp góp phần tháo gỡ những vấn đề khó khăn, tồn tại ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước song song với nhiệm vụ thực hiện kiểm điểm, tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, các dự án Luật được bàn thảo tại Phiên họp lần này đều là những dự luật có tầm quan trọng đặc biệt, được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, nhất là dự thảo Luật Đất đai; cho ý kiến Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; kế hoạch kiểm toán năm 2013, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 và các báo cáo về công tác tư pháp.

Theo chương trình, tại Phiên họp này, về công tác xây dựng pháp luật, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến về nhiều dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Hộ tịch; Luật Việc làm; Luật Thủ đô; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và đặc biệt Luật Đất đai (sửa đổi)...

Ngay trong sáng 12-9, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư và góp ý kế hoạch kiểm toán năm 2013. Các thành viên của UBTVQH đều ghi nhận, đánh giá cao kết quả của KTNN trong thời gian qua, đồng thời đề nghị KTNN đơn giản hóa quy trình, thủ tục, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ; lồng ghép các nội dung kiểm toán để tạo điều kiện cho cơ sở được kiểm toán giảm bớt thời gian kiểm toán; tập trung các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Luật Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2007 đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tài chính của công dân, huy động nguồn lực cho ngân sách nhà nước, góp phần điều tiết thu nhập trong dân cư. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện, một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế như: không còn phù hợp với tình hình mới, nhất là mức động viên từ thu nhập của người dân; chưa bao quát hết những vấn đề phát sinh trên thực tế; một số quy định về thủ tục chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm kịp thời khắc phục hạn chế, xác lập khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, tạo thuận lợi cho quá trình thực thi.

Theo Tờ trình của Chính phủ, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng (không giới hạn số người phụ thuộc). Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế - xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống người nộp thuế.

Theo đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị hạ mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc xuống thấp hơn mức quy định trong Dự thảo Luật từ 9 triệu xuống còn 7 triệu và từ 3,6 triệu xuống còn 2,8 triệu. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng sẽ làm sai lệch bản chất của thuế thu nhập cá nhân, đưa thuế thu nhập cá nhân trở thành thuế thu nhập cao thông qua việc thu hẹp quá lớn số lượng người nộp thuế. Chưa kể sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

Trái với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng, cần phải tính đến bản chất của thuế thu nhập. “Không thể đặt ra vấn đề cứ có thu nhập là phải chịu thuế mà phải xem thu nhập đến mức nào thì phải chịu thuế. Chưa kể, người lao động có thu nhập phải đảm bảo các nhu cầu tối thiểu của họ ở một mức ngày càng tốt hơn. Nếu Chính phủ thấy có thể nâng mức chịu thuế đến 9 triệu mà không ảnh hưởng đến các vấn đề khác thì hoan nghênh chứ không nên chỉ lo tính mỗi năm ngân sách mất đi bao nhiêu tiền vì không thu thuế” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh.

Tán thành với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phân tích, thu nhập thực tế của người dân hoàn toàn giảm sút, lương có tăng lên thì với đà lạm phát hiện nay hoàn toàn không bù đắp được. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cùng thể hiện sự đồng tình với đề xuất của Chính phủ và cho rằng điều quan trọng là việc đóng thuế có đúng không, sử dụng thế nào cho hiệu quả, không gây lãng phí, không tham nhũng.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dành nhiều thời gian thảo luận về thu nhập chịu thuế và thu nhập không chịu thuế; về biểu khung thuế suất; về việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh cá thể...

QUANG VŨ - PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết