02/10/2010 - 09:10

PHIÊN HỌP THỨ 35 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI:

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Tiếp tục phiên họp thứ 35, chiều 1-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII.

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi), các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung vào các vấn đề về đấu giá quyền thăm dò khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản; chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản; nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản và quy hoạch khoáng sản và thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch khoáng sản.

Đa số Ủy viên đề nghị nên quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, bởi mục đích đấu giá thăm dò, khai thác khoáng sản là để xóa bỏ tình trạng xin-cho, không bình đẳng giữa các nhà đầu tư và để chọn được nhà đầu tư đích thực có đủ năng lực, hạn chế tình trạng mua đi bán lại các dự án, do đó, đề nghị giữ quy định mang tính nguyên tắc về đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong dự thảo Luật. Đây là quy định cần thiết, phù hợp với yêu cầu quản lý hoạt động khoáng sản trong nền kinh tế thị trường, khắc phục những tiêu cực hiện nay. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về tổ chức đấu giá quyền thăm dò và khai thác khoáng sản; quy định rõ phương án xử lý trong trường hợp sau khi thực hiện xong quyền đấu giá nếu trữ lượng của mỏ không đúng như thông tin khi đấu giá.... Nhiều Ủy viên Ủy ban đề nghị cần khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thăm dò khoáng sản.

Về quy hoạch khoáng sản và thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch khoáng sản, đa số Ủy viên Ủy ban cho rằng cần có Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với Quy hoạch chung về thăm dò, khai thác khoáng sản của cả nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ có liên quan lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bởi khi xác định loại quy hoạch khoáng sản thì cần thiết phải có quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước để cụ thể hóa chiến lược khoáng sản, bảo đảm sự tập trung, thống nhất quản lý khoáng sản và tổ chức hoạt động khoáng sản theo quy hoạch chung. Bảo đảm khoáng sản được bảo vệ, thăm dò, khai thác một cách hợp lý cả trước mắt và lâu dài; xác định các khu vực có khoáng sản khoanh định giao cho địa phương quản lý, khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia...

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII do Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng trình bày cho biết, đã tiếp nhận 1.643 kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Cụ thể cử tri đã kiến nghị nhiều các vấn đề liên quan đến lĩnh vực hoạt động điện lực; việc lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu và việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý tình trạng gian lận trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu; việc thực hiện một số quy định về Bảo hiểm y tế. Mặc dù kiến nghị về những vấn đề nêu trên đã được các cơ quan có thẩm quyền trả lời nhưng cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị với Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Về giải quyết kiến nghị của cử tri đối với việc lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chống gian lận trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu, qua xem xét, đối chiếu với quy định của pháp luật, Ban Dân nguyện nhận thấy việc lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa phù hợp với quy định của Pháp lệnh giá. Qua nghiên cứu Pháp lệnh giá thì thấy Điều 5 quy định về mục tiêu bình ổn giá trong đó có quy định: “Nhà nước thực hiện các chính sách, biện pháp cần thiết tác động vào quan hệ cung cầu để bình ổn giá thị trường...”. Những biện pháp cần thiết được áp dụng để bình ổn giá được đề cập tại điều này đã được cụ thể hóa tại Điều 6 của Pháp lệnh mà không giao cho Chính phủ quy định.

Đối với việc chống gian lận trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu, qua giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri về các biện pháp khắc phục tình trạng gian lận thương mại trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu diễn ra ở nhiều nơi với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng, Ban Dân nguyện nhận thấy: Công tác chống gian lận thương mại trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu trong thời gian qua tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng nhìn chung việc kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, phòng ngừa nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; việc phát hiện hành vi vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, việc xử lý các hành vi vi phạm chưa nghiêm minh, thiếu tính răn đe; sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc kiểm tra, chống gian lận trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu có lúc, có nơi còn thiếu chủ động, chưa được thường xuyên...

Về giải quyết một số kiến nghị của cử tri trong lĩnh vực Bảo hiểm Y tế, cử tri có nhiều kiến nghị về những vướng mắc trong việc cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với trẻ em dưới 6 tuổi, việc đổi thẻ đối với người có công với cách mạng, người nghèo; việc thu, nộp bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên; việc thanh toán bảo hiểm y tế đối với trường hợp bị tai nạn giao thông... Qua giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri về những vấn đề nêu trên cho thấy, việc ban hành văn bản hướng dẫn cũng như tổ chức thực hiện còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế với các bộ có liên quan, như việc thu nộp BHYT đối với học sinh, sinh viên, về thanh toán BHYT đối với người bị tai nạn giao thông. Đây là vấn đề cử tri đã nêu từ kỳ họp trước nhưng việc trả lời của Bộ Y tế chưa thỏa đáng, cử tri tiếp tục kiến nghị và cho đến nay kiến nghị này chưa được giải quyết dứt điểm do các bộ có liên quan còn nhiều ý kiến khác nhau...

NGUYỄN BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết