21/03/2013 - 22:44

PHIÊN HỌP THỨ 16, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHÓA XIII

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng và Luật Cư trú

Ngày 21-3, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng.

Các ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật thi đua, khen thưởng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quy định hiện hành và tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc thay đổi thời hạn từ hàng năm lên 5 năm xét một lần đối với Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang; nâng thời gian xét khen thưởng đối với một số danh hiệu vinh dự nhà nước (2 năm lên 3 năm), giải thưởng nhà nước (2 năm lên 5 năm), Cờ thi đua của Chính phủ từ hàng năm lên 3 năm… là một trong những giải pháp nhằm nâng cao tiêu chuẩn, khắc phục việc công nhận danh hiệu thi đua, khen thưởng tràn lan, tính tiêu biểu, nêu gương chưa cao, ý nghĩa tôn vinh, giáo dục còn hạn chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị dự thảo Luật định lượng hơn về tiêu chí, tiêu chuẩn khen thưởng để khắc phục việc khen thưởng tràn lan, phải quy định cụ thể về tiêu chuẩn, thủ tục bình xét và việc tổ chức thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà thừa nhận dự thảo Luật còn định tính nhiều, định lượng ít, song để định lượng được là rất khó, từng loại hình có những quy định khác nhau, do đó nên để Nghị định Chính phủ quy định chi tiết.

Đồng tình với việc cần phải vinh danh các nhà khoa học có nhiều công lao, đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến băn khoăn về danh hiệu vinh dự nhà nước “Nhà khoa học nhân dân”, “Nhà khoa học ưu tú”. Các ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo chưa làm rõ căn cứ đối với danh hiệu này, cũng như về tiêu chuẩn có sự trùng lắp và chưa hợp lý giữa các đối tượng được tặng danh hiệu này với các đối tượng được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng nhà nước”; “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”; “Huân chương lao động” và các loại huân chương khác. Đồng thời đề nghị cần đánh giá danh hiệu này trong mối tương quan chung với các đối tượng khác như: nhà báo, nhà văn, doanh nhân, luật gia.

Nhiều ý kiến đề nghị nên tặng thưởng Huy chương thanh niên xung phong cho cả lực lượng thanh niên xung phong trong kháng chiến cũng như trong thời kỳ hòa bình, xây dựng và bảo vệ đất nước.

* Tiếp tục phiên họp thứ 16, chiều 21-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú. Dự kiến dự án Luật sẽ được trình Quốc hội (khóa XIII) thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Đối với quy định điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài quy định tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức, còn phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Về thời hạn của sổ tạm trú, dự án luật quy định sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn 12 tháng. Trước khi hết thời hạn tạm trú mười lăm ngày, công dân đến cơ quan Công an đã cấp sổ tạm trú để làm thủ tục gia hạn. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định như dự thảo Luật là chưa thực sự phù hợp. Bởi vì trên thực tế, do nhiều lý do khác nhau, công dân cần phải tạm trú với các thời hạn khác nhau, người dân chỉ có nhu cầu đăng ký tạm trú đúng với thời hạn tương ứng tại nơi tạm trú. Nếu dự thảo Luật chỉ quy định thời hạn là 12 tháng sẽ không phù hợp với yêu cầu của người dân và khó khăn cho công tác quản lý dân cư. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc việc sửa đổi nội dung này để tránh việc tăng thêm thủ tục hành chính đối với người dân trong việc đăng ký tạm trú.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật để dự án luật bảo đảm các điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân trong cư trú, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của mọi cá nhân, tổ chức; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới…

CHU THANH VÂN - PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết