23/10/2021 - 07:49

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021)

Chiến công huyền thoại và những bài học vô giá 

Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân - Phó Chính ủy Quân khu 9

 

Đường Hồ Chí Minh trên biển là tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật bằng những Đoàn tàu Không số trên biển Đông trong chiến tranh để vận chuyển vũ khí, cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Đó không chỉ đơn thuần mở ra phương thức mới chi viện hết sức quan trọng mà còn là sự sáng tạo chiến lược, biểu tượng sáng ngời tài thao lược, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Con đường huyền thoại

“Tàu Không số” của Đoàn 125 Hải quân giả dạng tàu đánh cá nước ngoài trên đường vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam (Ảnh tư liệu của địch chụp năm 1967).

“Tàu Không số” của Đoàn 125 Hải quân giả dạng tàu đánh cá nước ngoài trên đường vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam (Ảnh tư liệu của địch chụp năm 1967).

Sau thắng lợi của phong trào Đồng Khởi đầu năm 1960 đã mở ra bước ngoặt mới cho cách mạng miền Nam, từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công. Do đó, nhu cầu về vũ khí, trang thiết bị quân sự là vấn đề cấp bách. Trong khi đó, tuyến vận tải chiến lược xuyên Trường Sơn tuy đã hoạt động nhưng chưa thể chi viện tới chiến trường Nam Bộ. Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở tuyến vận tải chiến lược trên biển. Sau quá trình nghiên cứu, tìm giải pháp và phương thức hoạt động, ngày 23-10-1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Đoàn Vận tải 759 (tiền thân Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay) với nhiệm vụ “mua sắm phương tiện, tiến hành vận chuyển các loại hàng tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển”. Lực lượng chủ yếu lúc này là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc từ năm 1954 và cán bộ ưu tú các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa vượt biển bằng tàu cá ra Bắc trong 2 năm 1960, 1961 để nhận vũ khí.

Sau khi ổn định tổ chức biên chế và chuẩn bị, đêm 10-4-1962, Đoàn 759 tổ chức thuyền “Bạc Liêu” gồm 6 thủy thủ tiến hành trinh sát mở đường từ bến Nhật Lệ (Quảng Bình) vào miền Nam. Bằng bản lĩnh, kinh nghiệm và tài trí thông minh của những “dân chài” Nam Bộ, thuyền “Bạc Liêu” vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch, cập bến Bồ Đề rồi vào bến Vàm Lũng thuộc huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) ngày 18-4-1962. Sau đó, tàu trở lại miền Bắc an toàn. Thành công của chuyến đi nghiên cứu luồng lạch, chuẩn bị bến bãi của thuyền “Bạc Liêu” là cơ sở quan trọng để đêm 11-10-1962, Đoàn 759 tổ chức tàu gỗ gắn máy được hoán cải thành tàu cá không mang số hiệu, chở 30 tấn vũ khí từ Đồ Sơn (Hải Phòng) vào Vàm Lũng an toàn sau 9 ngày đêm vượt biển; đánh dấu sự ra đời tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển của Quân và Dân ta. Từ thắng lợi đó, cũng với phương thức giả dạng tàu cá ngư dân ven biển, trong năm 1962, Đoàn 759 tổ chức thành công 28 chuyến tàu không số vận chuyển hơn 1.300 tấn vũ khí, hàng hoá từ Bắc vào Nam. Trong 3 năm (1962-1965), các đơn vị hoạt động trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức 89 chuyến tàu vận chuyển gần 5.000 tấn vũ khí, vật chất chi viện chiến trường Khu V, Nam Bộ và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ - những nơi tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ chưa vươn tới được.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tranh thủ lúc địch ngừng ném bom miền Bắc, Đoàn 759 đổi tên thành Đoàn 125 vận chuyển khối lượng lớn hàng hoá, vũ khí vào vùng giới tuyến giao cho các địa phương và Đoàn 559 đưa vào chiến trường miền Nam. Từ cuối năm 1970, sau khi tuyến đường vận chuyển qua cảng Xi-ha-núc-vin (Campuchia) bị cắt đứt, Đoàn 125 chủ động tìm đường mới, men theo phía Đông các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua vùng biển Đông Bắc Malaysia vào khu vực quần đảo Nam Du để cập bến, giao hàng cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Sau Hiệp định Paris năm 1973, Đoàn 125 phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, địa phương vận chuyển khối lượng lớn vũ khí, đạn dược và hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ vào miền Nam chiến đấu. Đặc biệt, trong cuộc Đại thắng mùa Xuân 1975, các đội tàu Không số của Đoàn 125 thực hiện thành công 173 lượt chuyến tàu, vận chuyển hơn 8.000 tấn vũ khí hạng nặng, 50 xe tăng, đưa trên 18.700 cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường chiến đấu. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân khu 5 vận chuyển, cơ động chiến đấu giải phóng toàn bộ các đảo ven bờ và quần đảo Trường Sa, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời vào thời điểm gian khó, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong khi địch được trang bị các loại vũ khí, phương tiện hiện đại, tối tân thì chúng ta chỉ có những loại tàu thuyền nhỏ bé, thô sơ, sử dụng tàu giả dạng vận tải, đánh cá; kết hợp hoạt động bí mật và công khai, tàu xuất phát từ nhiều bến đi và cập nhiều bến đỗ; hướng tàu đi trên nhiều tuyến đường khác nhau, có giai đoạn đi vòng ra biển xa. Nếu địch phong tỏa đường trong, ta đi đường ngoài; địch ngăn chặn đường dài ta đi thành đoạn; địch bám đuôi, ta đi thẳng ra vùng biển quốc tế. Khi địch áp sát tấn công hoặc cướp tàu, ta đánh trả quyết liệt, nhiều tình huống hiểm nghèo phải chấp nhận phá hủy tàu và không ít cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số mãi mãi gửi lại tuổi thanh xuân nơi biển cả. Đó là sự hy sinh, mất mát không thể bù đắp, thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm và khí phách hiên ngang “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, làm nên “huyền thoại có thật”, một “kỳ tích” của dân tộc ta, làm cho kẻ thù bất ngờ, cay cú, nể phục, không thể tưởng tượng được về sự có mặt của con đường cùng với những con tàu và những chiến binh quả cảm, bất tử ngay trong vùng kiểm soát của chúng.

Tàu gỗ của Đoàn 962 (tiền thân Lữ đoàn 962, Quân khu 9) nhận vũ khí do “Tàu Không số” Đoàn 125 Hải quân vận chuyển vũ khí vào Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, năm 1963. (Chụp lại từ ảnh tư liệu).

Tàu gỗ của Đoàn 962 (tiền thân Lữ đoàn 962, Quân khu 9) nhận vũ khí do “Tàu Không số” Đoàn 125 Hải quân vận chuyển vũ khí vào Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, năm 1963. (Chụp lại từ ảnh tư liệu).

Bài học vô giá

Đã có nhiều bài học lịch sử từ “con đường huyền thoại” nhưng bài học quan trọng nhất là về tầm nhìn chiến lược, về nhận định, đánh giá đúng tình hình để ra quyết định chiến lược; tài thao lược, bản lĩnh, ý chí quyết tâm, lòng trung thành, niềm tin vào lý tưởng cách mạng, trên dưới đồng lòng, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn nhất để vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong mở đường, mở bến, mở rộng tầm nhìn, không gian phát triển ra biển lớn, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực vững bước tiến lên, đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương giàu đẹp.

Những bến bãi ở Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre ngày ấy mặc định nơi đầu sóng ngọn gió, đứng ở vị trí tiên phong hướng ra biển, nay được quy hoạch xây dựng tuyến đường động lực và hành lang kinh tế ven biển với cảng nước sâu, trung tâm logistics, cụm công nghiệp, năng lượng sạch, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, du lịch, dịch vụ... nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai không xa. Đó là sự tiếp nối của thế hệ hôm nay với công lao của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số năm xưa để sẵn sàng chào đón những đoàn tàu mới chở đầy những nhân tố, động lực phát triển quê hương. Giờ đây, nơi bến bãi rừng vẫn xanh, biển trời khơi xa của ta vẫn mênh mông với “tôm cá đầy ghe” nhưng thế lực bá quyền luôn nung nấu mưu đồ “độc chiếm biển Đông” ngày đêm chực chờ xâm lấn, chiếm đoạt. Vì vậy, chúng ta phải luôn trong tâm thế đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của, sẵn sàng huy động nguồn nhân lực, phương tiện tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thời gian qua mau, những chiến binh quả cảm, kiêu hùng ngang dọc của Đoàn tàu Không số đã thể hiện khí phách hào hùng, những hành động quả cảm xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, trong bão tố phong ba, trong mưa bom bão đạn của quân thù, mãi là niềm tự hào của những người con đất Việt. 60 năm hay nhiều hơn thế nữa, Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao, sự hy sinh cao cả của bậc tiền nhân đã làm nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển; đồng thời truyền dạy, nhắc nhở mọi người - nhất là lớp trẻ được thừa hưởng thành quả cách mạng hôm nay và mai sau - ghi nhớ bài học lịch sử vô giá để ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển bền vững. 

Chia sẻ bài viết