ÁI LAM
Du lịch bền vững được xác định với 3 từ khóa: hỗ trợ cộng đồng, bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Xu hướng này cũng được Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhắc đến trong lời kêu gọi phục hồi hoạt động du lịch xanh trước tác động của đại dịch COVID-19. Vì thế, du lịch thuận tự nhiên đang trở thành “chìa khóa vàng” để phát triển ngành công nghiệp không khói. Tại TP Cần Thơ nói riêng và ÐBSCL nói chung, đã xuất hiện những câu chuyện hay, đầy ý nghĩa về sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên trong hoạt động du lịch.
|
Giữ gìn giá trị văn hóa Nam Bộ
Thiên nhiên miền Tây Nam Bộ cho con người sản vật sông nước, hình thành văn minh miệt vườn trù phú; từ đó tạo nên văn hóa vật chất, tinh thần, tính cách con người hào sảng. Trên nền tảng đó, con người dựa vào tài nguyên thiên nhiên để làm du lịch, ngược lại có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Ðó cũng là cách làm du lịch được một cộng đồng tại TP Cần Thơ khám phá, gìn giữ và phát triển trong 6 năm qua.
Chú Lý Văn Bon (bìa phải) hướng dẫn du khách trong trải nghiệm thả cá về sông. Ảnh: Kiều Mai
Du lịch cộng đồng cồn Sơn, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, rất được lòng du khách gần xa mỗi khi đến Tây Ðô. Không chỉ có phong cảnh miệt vườn thoáng mát với sông rạch, vườn cây, bè cá... mà nơi đây còn có những con người chân chất, hồn hậu vẫn sống theo nếp xưa. Những cô, dì, chị được gọi theo cách đậm chất miền Tây như Năm Minh, Năm Phước, Sáu Hồng, Bảy Muôn, Chín Nhỏ, Út Hiền… luôn làm du khách lưu luyến mỗi khi nhắc đến cồn Sơn. Bởi lẽ qua họ không ít người nhận ra hình ảnh thân quen của người bà, người dì, người cô ở miền quê Nam Bộ. Chị Phan Thị Kim Phước (thường gọi Năm Phước), chủ nhà vườn Song Khánh, cho biết: “Nào giờ có sao thì mình giữ vậy, khách đến thì đối đãi như người quen ở xa về, còn món ăn đãi khách vẫn giữ cách làm theo ông bà xưa”.
Quả thật, cồn Sơn giữ khách bởi cốt cách người Nam Bộ xưa trong từng lời ăn tiếng nói và cách đối đãi thân tình. Chị Lê Thị Mỹ Luông (thường gọi Năm Minh) bày tỏ: “Hồi trước, tôi cũng ngại giao tiếp với du khách vì thấy tiếng mình nói quê mùa, nhưng mấy lần du khách ghé thăm nói thích nghe giọng Nam Bộ mộc mạc như thế nên tôi cũng mạnh dạn nói chuyện cùng khách”. Ngay từ khi bắt đầu làm du lịch, người dân cồn Sơn đã xác định phải giữ văn hóa bản địa và trách nhiệm với môi trường để hướng tới phát triển du lịch bền vững. Qua 6 năm, những điều này vẫn được kiên trì gìn giữ, nhất là khi xây dựng sản phẩm “Cồn Sơn hồi đó”. Ðó là hành trình tái hiện không gian xưa, thời điểm cồn Sơn hơn 20 năm trước, trong đó có nhiều trải nghiệm gắn với phong tục tập quán được truyền đời cùng những câu chuyện của người đương thời.
Ðiểm nhấn trong hành trình này chính là sự gặp gỡ chú Lý Văn Bon, chủ bè cá Bảy Bon, một người rất nặng lòng với nguồn thủy sản của dòng sông Hậu và Mekong. Chú Bảy Bon chia sẻ: “Nhiều năm qua, tôi đã sưu tầm và bảo tồn không ít loài cá trước nguy cơ biến mất ở sông Hậu, bởi lẽ nếu mình không bảo tồn thì con cháu mình sau này sẽ không có cơ hội thấy chúng nữa. Tôi luôn có ước mơ xây dựng được một bảo tàng sống về cá nước ngọt vùng sông Hậu”. Với tâm huyết này, hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi cá, chú Bảy Bon đã tìm và gây giống không ít loài cá lạ, quý, như: cá trà sóc, cá hô, cá leo, cá chạch lấu, cá mang rổ...
Không gian ở Hieu’s Cottage. Ảnh: Kiều Mai
Vì vậy, khi tham gia làm du lịch, chú Bảy Bon luôn đối đãi với khách bằng mong muốn để du khách thấy được sự đa dạng của các loài cá ở sông Hậu, biết được tập tính của từng loài trong tự nhiên, nhất là để du khách có trải nghiệm thả cá con về môi trường tự nhiên như là cách bảo tồn sự đa dạng nguồn thủy sản. Anh Nguyễn Thành Tâm, chủ nhà vườn Thành Tâm, cho biết: “Trong thời điểm nghỉ dịch vừa qua, tôi và chú Bảy Bon nghiên cứu thực hiện mô hình nuôi con giống, làm sản phẩm cá bơi trên cạn. Sản phẩm này sẽ kết hợp với mô hình nuôi thả cá về tự nhiên của chú Bảy Bon để làm thành du lịch giáo dục. Chúng tôi đang muốn hướng tới sản phẩm bảo vệ môi trường thủy sản nước ngọt”.
Tại cồn Sơn có nhiều thế hệ làm du lịch, trong đó những người lớn tuổi truyền lửa cho thế hệ trẻ để họ tiếp nối và gìn giữ những giá trị mà cha ông ngày trước đã gầy dựng. Họ mạnh dạn sáng tạo nhiều sản phẩm để quảng bá về những giá trị đó đến với du khách.
Có thể thấy, người dân cồn Sơn làm du lịch dựa vào tài nguyên thiên nhiên từ con cá, cây trái đến vườn rau và họ cũng ý thức được phải gìn giữ môi trường theo hướng phù hợp nhất, từ những điều nhỏ nhất. Kinh nghiệm từ cồn Sơn cho thấy không cần phải đầu tư lớn về nguồn vốn để phát triển du lịch, mà điều cần làm là tạo được mô hình, kết nối cộng đồng cư dân với những giá trị văn hóa bản địa, đời sống lao động sản xuất. Ðiều này được ngành Du lịch TP Cần Thơ nhận diện trong các định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng của thành phố.