04/11/2010 - 20:22

ÔNG NGUYỄN MINH THÔNG, PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN CẦN THƠ:

Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Quốc tế Cần Thơ đã sẵn sàng hoạt động

 

Theo dự kiến, cuối tháng 12-2010, Cảng hàng không Cần Thơ sẽ chính thức đưa vào khai thác đường bay quốc tế. Việc khai thác đường bay quốc tế đòi hỏi phải có cửa khẩu quốc tế đóng tại sân bay, giải quyết các thủ tục. TP Cần Thơ đang xúc tiến thành lập Chi cục Hải quan cửa khẩu tại sân bay này. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan Cần Thơ (CHQ), xung quanh vấn đề này.

* Thưa ông, kế hoạch thành lập Chi cục Hải quan cửa khẩu (CCHQCK) Sân bay quốc tế Cần Thơ đến thời điểm này chuẩn bị như thế nào?

- Việc triển khai Hải quan cửa khẩu tại Sân bay Cần Thơ là vấn đề CHQ Cần Thơ đã dự kiến từ trước. Ngày 8-2-2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 21/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2006-2020, trong đó có nội dung “nâng cấp sân bay Trà Nóc thành sân bay quốc tế... bắt đầu khai thác các chuyến bay quốc tế vào năm 2010”. Chính phủ đã định hướng xây dựng và phát triển Sân bay Cần Thơ thành Cảng hàng không quốc tế và giao cho Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Cần Thơ giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025.

Doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Tây Đô. Ảnh: V. TUẤN 

Về cơ sở hạ tầng, chúng tôi cũng đã thỏa thuận với Tổng Công ty Cảng hàng không (TCTCHK) Miền Nam (Sân bay Cần Thơ) vị trí, mặt bằng làm việc của Hải quan, đảm bảo nơi làm việc, lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc triển khai các qui trình nghiệp vụ của Hải quan tại Sân bay Cần Thơ. TCTCHK Miền Nam, Cảng hàng không Cần Thơ chịu trách nhiệm bố trí mặt bằng bảo đảm cho việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ của Hải quan. CHQ Cần Thơ chịu trách nhiệm trang bị các máy móc, phương tiện kỹ thuật đảm bảo công tác quản lý nhà nước về Hải quan tại cảng hàng không. Trong giai đoạn đầu, nếu Hải quan chưa đầu tư trang bị kịp (vì thủ tục đầu tư) thì TCTCHK Miền Nam và Cảng hàng không Cần Thơ sẽ hỗ trợ trong khả năng có thể. Về bộ máy tổ chức, nhân sự, CHQ Cần Thơ đã chủ động gửi 2 đoàn cán bộ công chức đến Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất để tập huấn, học tập kinh nghiệm.

* Việc triển khai kế hoạch có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

- Việc triển khai thành lập một đơn vị nghiệp vụ mới bao giờ cũng có những khó khăn nhất định. Trước hết, về bộ máy tổ chức và biên chế, theo Đề án trình Tổng CHQ, chúng tôi dự kiến biên chế CCHQCK Sân bay quốc tế Cần Thơ là 40 người, tổ chức thành 4 đội nghiệp vụ (đội thủ tục hành lý xuất nhập khẩu, đội thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu, đội giám sát, đội tổng hợp và nhân viên phục vụ). Về biên chế, tùy từng giai đoạn phát triển, nhưng giai đoạn 2010-2011, nhu cầu khoảng 24 biên chế, sau đó sẽ có 40 công chức Hải quan. Đây là khó khăn lớn nhất từ nhiều năm qua do công việc của Hải quan Cần Thơ tăng liên tục, trung bình 15-20% mỗi năm, nhưng biên chế hiện chưa được tăng thêm. Hiện nay, Tổng CHQ đã bổ sung biên chế năm 2010 cho Hải quan Cần Thơ, nhưng việc tuyển dụng đủ số biên chế vẫn rất khó. Ngoài ra, việc đầu tư trang bị phương tiện, máy móc thiết bị phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ (kiểm tra, giám sát hải quan, phòng chống buôn lậu...) và việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cho CCHQCK Sân bay Cần Thơ cũng không đơn giản. Thời gian đầu chưa xây dụng được trụ sở làm việc cho CCHQCK Sân bay Cần Thơ, nên chắc chắn trong thực hiện nhiệm vụ, sinh hoạt của công chức Hải quan sẽ có nhiều khó khăn hơn.

Tiềm năng của Sân bay quốc tế Cần Thơ rất lớn, khi đưa vào khai thác sử dụng sẽ đạt công suất tối đa 10 triệu hành khách/năm và 80.000 tấn hàng hóa/năm, có thể khai thác loại máy bay A330, A321 (đủ tải trọng) hoặc Boeing 767, Boeing 777, Boeing 747-400 (giới hạn tải trọng), thông tuyến nội địa và các nước có quan hệ đầu tư kinh doanh trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Dự kiến khai thác chuyến bay quốc tế gồm các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại Cần Thơ, góp phần xây dựng đô thị loại I hiện đại, văn minh. Việc mở đường bay quốc tế tại Cần Thơ sẽ góp phần nâng cao vị thế chính trị, kinh tế của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL trên bản đồ chính trị-kinh tế của cả nước, khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa trong ngành Hải quan nói chung và Hải quan Cần Thơ nói riêng đã được tiến hành nhiều năm qua, từng bước mang lại hiệu quả cao. Việc cải cách, hiện đại hóa ngành Hải quan Cần Thơ là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, trong đó bước tiến quan trọng nhất của ngành thời gian qua là sự kiện khai trương thủ tục hải quan điện tử tại CHQ Cần Thơ. Vì vậy, khi triển khai Hải quan cửa khẩu tại Sân bay Cần Thơ công tác cải cách và hiện đại hóa cũng sẽ nằm trong quỹ đạo chung. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có nhiều thuận lợi. Trước hết, về thể chế pháp lý liên quan đến các hoạt động của Hải quan và các ngành liên quan hiện nay khá đầy đủ. Thứ hai, là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, sự phối hợp giữa Hải quan và các đơn vị liên quan bước đầu rất thuận lợi. Từ Tết Nguyên đán 2010, Hải quan Cần Thơ đã phối hợp với hàng không và các ngành tổ chức làm thủ tục cho 4 chuyến bay quốc tế Taipei (lãnh thổ Đài Loan) - Cần Thơ - Taipei an toàn thuận lợi cho hành khách, đúng qui định của pháp luật. Nói chung là công tác chuẩn bị đã cơ bản, CCHQCK Sân bay quốc tế Cần Thơ đã sẵn sàng hoạt động.

* Xin cảm ơn ông!

VĂN TUẤN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết