14/11/2013 - 13:22

Châu Á - Thái Bình Dương rơi vào “tâm bão” các cuộc tấn công mạng

 

An ninh mạng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời gian gần đây đã trở thành vấn đề nổi cộm sau khi một loạt các trang web bị tin tặc tấn công. Nhiều chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo các quốc gia cần gấp rút tiến hành những giải pháp phòng vệ vững chắc hơn trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng tinh vi và nguy hiểm hơn.

Nhóm tin tặc khét tiếng thế giới Anonymous mới đây đã tấn công trên 170 website ở Úc, 36 website chính phủ của Philippines và hàng chục website ở Singapore, trong đó có website chính thức của Thủ tướng Lý Hiển Long. Bên cạnh đó, chúng cũng đe dọa còn mở nhiều cuộc tấn công nữa.

Tuy nhiên, Tan Shong Ye, chuyên gia an ninh mạng và rủi ro công nghệ thông tin của công ty PricewaterhouseCoopers (PwC), khuyến cáo Anonymous không phải là "kẻ thủ ác" duy nhất mà sẽ còn có sự tham gia của các tổ chức tội phạm khác với những thủ đoạn nguy hiểm hơn để gây ra những thiệt hại nặng nề hơn. Mục tiêu mà chúng nhắm đến là những cơ quan quan trọng như quân sự và nơi lưu trữ bí mật quốc gia.

Các tin tặc "quấy nhiễu" các nước phương Tây từ lâu cũng đang dần chuyển hướng sang châu Á khi mà các quốc gia này trở nên giàu có hơn. Caitriona H. Heinl, chuyên gia an ninh mạng của Đại học Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, lý giải sở dĩ Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương đang lọt vào "tâm bão" của các cuộc tấn công mạng là do Internet ở đây được sử dụng ngày càng phổ biến, từ đó tạo cơ hội tốt cho các mối hiểm họa an ninh mạng xuyên biên giới.

Công ty Euromonitor cho biết có hơn 389 triệu điện thoại thông minh và gần 30 triệu máy tính bảng và các máy tính di động khác được sử dụng ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2013. Số thuê bao Internet di động đã đạt hơn 712 triệu. Chính điện toán đám mây, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thiết bị di động và sự phổ biến của mạng xã hội làm gia tăng nguồn dữ liệu qua nhiều kênh thông tin, mang đến cho tin tặc một "vùng đất thênh thang" để tha hồ "tác oai tác quái".

Theo báo cáo Khảo sát trạng thái an ninh thông tin toàn cầu được PwC tung ra hồi tháng 9, các chính phủ và doanh nghiệp đã có những nỗ lực phòng vệ cho hệ thống mạng của mình, nhưng vẫn chưa bắt kịp với sự phát triển của tin tặc. Nhiều quốc gia châu Á đã triển khai một số bước đảm bảo an ninh mạng như thành lập các nhóm phản ứng khẩn cấp để xử lý các cuộc tấn công mạng. Tuy nhiên, họ cần phải quan tâm đầu tư đúng mức hơn để tránh cảnh "mất bò mới lo làm chuồng" như hiện nay, thường chỉ đầu tư sau khi bị tấn công dữ dội.

Nina Laven, một lãnh đạo cấp cao của tập đoàn tư vấn IHS, cũng nhấn mạnh rằng hợp tác quốc tế sẽ là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng, bởi lẽ an ninh mạng hiện nay là vấn đề xuyên quốc gia. Các chính phủ có thể đầu tư vào các hạng mục dự báo, phát hiện và khôi phục của riêng mình, nhưng nếu thiếu sự liên kết giữa các quốc gia sẽ dễ dàng tạo ra những lỗ hổng an ninh nghiêm trọng mà không một quốc gia riêng rẽ nào có thể tự giải quyết được. Chính vì vậy, các chính phủ cần tìm cách hợp tác ngăn chặn tội phạm mạng, thông qua những hình phạt thích đáng và đầu tư vào các giải pháp kỹ thuật có thể được triển khai xuyên biên giới.

LÊ PHI (Theo Channelnewsasia)

 

Chia sẻ bài viết