22/12/2016 - 15:23

Chatbot đang gây “sốt” ở Singapore

Chatbot là một chương trình máy tính sử dụng trí tuệ nhân tạo để tự động trả lời các câu hỏi của khách hàng, hay có thể gọi là nhân viên chăm sóc khách hàng ảo, đang thực sự tạo ra một "cơn sốt" rất lớn đối với cả các doanh nghiệp lẫn các dịch vụ công của Singapore. Chatbot không chỉ thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp và dịch vụ công sử dụng, mà chính bản thân nó cũng đang là "mỏ vàng" cho các công ty phát triển chatbot.

Ông Kester Poh (phải) và đồng sáng lập viên
Matthew Low của AiChat. Ảnh: TNP

Ông Kester Poh phấn khích chia sẻ, ban đầu ông chỉ sử dụng chatbot của chính công ty ông để giúp trả lời tự động những câu hỏi của khách hàng dành cho dịch vụ tư vấn mua sắm trực tuyến AskVoila, nhưng không ngờ chatbot vẫn có thể tự hoàn thành một số giao dịch mua bán. Từ đó, công ty của ông bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến phát triển công nghệ chatbot, trước khi nhận ra rằng nó cũng là một món hàng "hot".

Hiện tại, ông Kester Poh cùng với các đối tác là ông Matthew Low, và ông Yong Siong Wee, đã sáng lập ra AiChat – công ty chuyên phát triển chatbot cho doanh nghiệp. Trò chuyện với chatbot không khác gì trò chuyện với nhân viên chăm sóc khách hàng "bằng xương bằng thịt", vì khách hàng chỉ việc nhập câu hỏi vào cửa sổ trò chuyện, và chatbot sẽ tự động đưa ra câu trả lời thích hợp. Khách hàng của AiChat hiện là các thương hiệu điện tử và thực phẩm lớn ở Singapore.

Trong khi Singapore hiện có chưa tới 10 công ty chuyên phát triển chatbot, nhưng nhu cầu thị trường hứa hẹn sẽ rất lớn. Theo báo cáo mới đây của công ty Transparency Market Research, thị trường toàn cầu của chatbot trị giá 627,7 triệu USD hồi năm ngoái, và sẽ tăng lên đến 7,9 tỉ USD vào năm 2024.

Chính phủ Singapore cũng đang hướng đến công nghệ này. Dự án Đối thoại như một nền tảng đã được "Đảo quốc sư tử" công bố hồi tháng 7 để giúp người dân sử dụng các dịch vụ công điện tử tốt hơn theo kiểu đối thoại. Một minh chứng là chatbot Ask Jamie - do Cơ quan phát triển thông tin truyền thông (đã giải thể) và Bộ Tài chính Singapore hợp tác phát triển, và hoạt động dựa trên một động cơ xử lý ngôn ngữ tự nhiên để hiểu rõ các câu hỏi của người dân trước khi trả lời. Nó đã được triển khai trên trang web của 17 cơ quan chính phủ, trong đó có Cơ quan Công nghệ Chính phủ (GovTech), Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội, và Bộ Giáo dục Singapore. Trang web và ứng dụng di động của Cơ quan phát triển nhà ở Singapore còn có chatbot riêng, có tên Ask Judy, có thể trả lời rõ ràng cho các câu hỏi của người dân về thủ tục mua hay thuê căn hộ mới.

Một phát ngôn viên của GovTech cho biết chatbot Ask Jamie đang được tiến hành thử nghiệm – trong một hợp tác với Microsoft – để có thể hoạt động trên các ứng dụng nhắn tin phổ biến hiện nay như Facebook Messenger và Telegram, nhằm dễ dàng hơn trong việc trả lời các câu hỏi của người dân. Ngoài các thí điểm hiện tại, chính phủ Singapore cũng có kế hoạch sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng chatbot sang rất nhiều lĩnh vực khác.

Ông Kester Poh tiết lộ các chatbot đã mang đến rất nhiều hiệu quả cho dịch vụ AskVoila, với lúc đỉnh điểm hồi tháng 8, chúng đã tự hoàn thành 6-7% lượng giao dịch mua bán, có thể giúp cắt giảm số nhân viên chăm sóc khách hàng để chuyển sang bộ phận khác. Ông tin tưởng chatbot sẽ còn giải quyết được nhiều công việc hơn và tiềm năng thị trường của chatbot sẽ không ngừng tăng cao trong những năm tới.

Giống như Kester Poh, ông Sze Tho ChangSheng cũng cùng các sáng lập viên là bà Sujata Liao và ông Wayne Tng, đã "khai sinh" thêm chatbot Gotobot.ai sau khi "ngộ" ra rằng chatbot đã mang đến hiệu quả rất lớn cho công ty đặt nhà hàng trực tuyến Chatobook của họ. Theo Sze Tho ChangSheng, khi công nghệ trí tuệ nhân tạo ngày càng thông minh hơn, các chatbot giàu tiềm năng sẽ tự động làm được những công việc phức tạp hơn như mua hàng, đổi tiền, đặt lịch hẹn, và báo động.

Lê Phi (Theo TNP)

Chia sẻ bài viết