06/06/2018 - 22:10

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Chất vấn và trả lời chất vấn dân chủ, minh bạch 

Ngày 6-6, Quốc hội bước sang ngày thứ 3 của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Đây cũng là ngày cuối cùng của phiên chất vấn trước Quốc hội. Trong ngày chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chiều cùng ngày, đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời khá cặn kẽ các vấn đề liên quan đến các đề án cải cách tiền lương; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy; tăng tuổi nghỉ hưu...

Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên mầm non không đủ năng lực, phẩm chất

Trước chất vấn của đại biểu về hiện tượng tiêu cực trong hệ thống giáo dục mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, đây là vấn đề nổi cộm gây bức xúc xã hội, dư luận thời gian qua. Hiện nay toàn ngành có 15.000 cơ sở giáo dục mầm mon với 337.000 giáo viên. “Những trường hợp bạo hành trẻ mà báo chí đã nêu là không thể chấp nhận được… Với những giáo viên không đủ năng lực thì phải đưa ra khỏi ngành, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra tình trạng này phải bị đình chỉ, đóng cửa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu ngành Giáo dục, giải pháp căn cơ nhất là đội ngũ giáo viên phải được quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng thường xuyên và có chế độ hợp lý. “Hiện nay, chế độ cho giáo viên mầm non quá thấp, ra trường khoảng 2,4 triệu đồng/tháng thì các cô rất khó khăn, đây là lý do gây áp lực”- Bộ trưởng chỉ rõ và cho biết Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ liên quan, một mặt tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị đội ngũ giáo viên mầm non chuyên nghiệp, mặt khác tăng chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này.

Đồng thời, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cho nhóm trẻ nhà trẻ tư thục, chỉnh sửa điều lệ về trường mầm non để làm sao các nhóm trẻ, nhà trẻ độc lập đảm bảo có đủ điều kiện, thực hiện tốt công tác chăm sóc, tránh những hiện tượng đáng tiếc.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các bộ có liên quan và địa phương tăng cường giám sát các cơ sở giữ trẻ tư thục nhằm xây dựng môi trường an toàn thân thiện, phòng chống bạo lực trẻ em.

Tăng cường kiểm định chất lượng, phân loại các trường đại học

Liên quan đến thực trạng và các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thẳng thắn thừa nhận: Về cơ bản, giáo dục đại học Việt Nam còn thấp, chưa đạt yêu cầu thị trường lao động, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Nguyên nhân là do chương trình đào tạo còn lạc hậu, vẫn chủ yếu là do thầy cô giáo xây dựng dựa trên hiểu biết, tính toán chứ chưa nghiên cứu xây dựng căn cứ vào nhu cầu của thị trường.

Bộ trưởng chỉ rõ, so sánh với các nước trên thế giới, nhìn chung tỷ lệ tiến sĩ ở các trường đại học rất cao (khoảng 40-50%), thậm chí 60-70%; trong khi đó, ở Việt Nam mới chỉ từ 22-23%. Ngoài ra, cơ sở vật chất chưa đủ điều kiện cơ bản để nghiên cứu chất lượng cao; học phí còn rất thấp so với các nước…

Từ thực tế này, người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo cho biết, tới đây sẽ phân loại các trường đại học chứ không bình quân, dàn trải mà sẽ cơ cấu lại, những trường chất lượng cao thì giữ lại, những trường chất lượng thấp thì phải nâng cao chất lượng, thậm chí xem xét giải thể. Tự chủ là một trong những “điểm nghẽn” khiến các trường không phát huy được sự chủ động, sáng tạo, nội lực của mình; vì thế tâm điểm của Bộ sẽ thực hiện hiệu quả tự chủ đại học. Tới đây, Bộ sẽ tăng cường kiểm định chất lượng, phân loại trường đại học, đồng thời tham mưu Chính phủ đầu tư vào những trường trọng điểm, những ngành xuất sắc.

Liên quan đến thực trạng 200.000 sinh viên thất nghiệp gây bức xúc trong xã hội và lãng phí nguồn lực, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, để giải quyết căn cơ tình trạng thất nghiệp phải nâng cao chất lượng đào tạo của các trường. Theo đó, chất lượng phải được chuẩn kiểm định quốc tế và thị trường, phải có sự phối hợp giữa đào tạo với thị trường lao động.

Về phía Bộ, sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát. “Mặc dù trường tự chủ tuyển sinh, nhưng không có nghĩa muốn mở ngành nào thì mở mà phải gắn với thị trường và đảm bảo chất lượng”- Bộ trưởng khẳng định và cho biết sẽ công khai, minh bạch kết quả kiểm tra, sắp xếp lại các trường tuyển sinh cũng như đào tạo chất lượng không tốt.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải dựa vào tổng thể nhiều yếu tố

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tuổi nghỉ hưu là việc hết sức nhạy cảm, đụng chạm đến hàng chục triệu người, kể cả những người đang làm việc và những thanh niên sắp rời ghế nhà trường bước vào thị trường lao động. Kinh nghiệm các nước giải quyết việc này rất sớm, nhưng phải có lộ trình rất chặt chẽ, không tạo sốc cho thị trường lao động. “Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải dựa vào một tổng thể rất nhiều yếu tố… Trước hết phải tập trung vào phát triển sản xuất và tạo ra việc làm mới”- Phó Thủ tướng nói.

Một khía cạnh khác mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập, đó là việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu còn liên quan đến cơ cấu ngành nghề. Tiếp đến là vấn đề già hóa dân số. Bên cạnh đó còn có yếu tố liên quan đến bình đẳng giới. Phó Thủ tướng cũng cho rằng điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có liên quan đến đảm bảo cân đối dài hạn của Quỹ bảo hiểm xã hội. Nghị quyết Trung ương vừa qua đã quyết định từ năm 2021 sẽ thực hiện việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo một lộ trình rất thận trọng và phù hợp, để vừa đảm bảo mục tiêu của tuổi nghỉ hưu chung, vừa đảm bảo rút ngắn về giới. Đối với những ngành nghề đặc biệt, có thể nhiều hơn hoặc ít hơn 5 năm. “Vấn đề này Quốc hội sẽ thảo luận kỹ và sẽ có quyết định”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.

Bảo đảm nguồn lực cho thực hiện đề án cải cách chính sách tiền lương

Trả lời chất vấn về nguồn lực để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có 1 giải pháp tiền đề và 2 giải pháp mang tính đột phá. Giải pháp tiền đề là phải xác định được vị trí việc làm để thiết kế hệ thống chính sách tiền lương trên cơ sở vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Thứ hai là biện pháp có tính chất đột phá là phải quyết liệt tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy. Thứ ba là giải pháp tài chính để tiến hành cải cách về tiền lương, trong đó căn cơ nhất vẫn là phát triển sản xuất để tăng thu, quyết liệt triệt để chống thất thu về ngân sách và triệt để tiết kiệm chi tiêu. Trong phương án vẫn phải tiết kiệm 10% các kinh phí thường xuyên cho đến khi ổn định bộ máy tổ chức, dùng nguồn này để cải cách tiền lương.

Một nguồn nữa là tăng thu của ngân sách địa phương. Trước đây 50% được để lại đầu tư, 50% dùng cải cách tiền lương. “Bây giờ, với quan điểm đầu tư cho con người cũng là đầu tư phát triển thì Trung ương quyết định dành 70% tăng thu của ngân sách địa phương làm cải cách tiền lương này… Nghị quyết lần này đã quyết định vượt thu của ngân sách Trung ương dành tối thiếu 40% để cải cách tiền lương. Do đó, các nguồn có thể tính toán cụ thể được nhưng cụ thể thế nào Chính phủ và Thường vụ Quốc hội cùng các cơ quan liên quan sẽ có tính toán cụ thể”, Phó Thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thông tin, trong quá trình cân đối, Chính phủ đã dựa vào Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị để tính toán các phương án trả lương nhưng vẫn đảm bảo trần nợ công là 65%. “Chúng ta thực hiện các biện pháp đồng bộ như vậy vừa đáp ứng được yêu cầu về cải cách tiền lương, vừa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo ổn định về kinh tế vĩ mô”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xử lý tồn tại các dự án BOT

Liên quan đến vấn đề dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) và xử lý tồn tại các dự án BOT được đại biểu Quốc hội quan tâm đề cập trong những ngày qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có đầu tư theo hình thức BOT là chủ trương rất cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc, yếu kém và sai phạm. Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan… Đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành công khai, minh bạch quá trình thực hiện dự án, nhất là việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.

Về xử lý tồn tại của các dự án BOT, Chính phủ đã và đang chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, thanh tra, rà soát từng dự án BOT, khẩn trương quyết toán, điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Bảo đảm sự vẹn toàn lãnh thổ

Về việc xây dựng các khu hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu), Dự luật này hiện nay Quốc hội đang thảo luận, chúng ta tính toán một cách tổng thể các lợi ích cả về kinh tế và thu hút đầu tư, cả về vấn đề quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng và an ninh.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định khi có các đặc khu, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn là hai đầu động lực của cả nước, 7 vùng kinh tế trọng điểm vẫn phải tiếp tục tập trung cơ chế chính sách để phát huy thế mạnh của các vùng này, làm lan tỏa đến các địa phương và các vùng khác. Việc ra đời các đặc khu không có tác động gì đến quan điểm phát triển, các nguồn lực của Trung ương cũng như địa phương để tập trung cho hai “đầu tàu” và 7 khu kinh tế trọng điểm.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hiện Quốc hội chưa thông qua Luật Đặc khu, còn đang bàn, do đó, “để có câu trả lời cho đầy đủ phải có sự nghiên cứu cặn kẽ hơn, xin đại biểu cho Phó Thủ tướng trả lời bằng văn bản”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau 3 ngày làm việc trách nhiệm và tích cực, Quốc hội đã hoàn thành các nội dung của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Các nhóm vấn đề chất vấn đều là những vấn đề được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội, nhân dân cả nước quan tâm. Các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại các phiên chất vấn đã có hơn 250 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn và tranh luận. Các thành viên Chính phủ đã trả lời hầu hết các câu hỏi đặt ra. “Mặc dù Quốc hội đã dành 3 ngày đề thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nhưng vẫn còn nhiều đại biểu đặt câu hỏi nhưng chưa đủ thời gian để trả lời trực tiếp tại hội trường, các thành viên Chính phủ sẽ trả lời bằng văn bản sau”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

TTXVN

Chia sẻ bài viết