Vận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà nghiên cứu vừa phát triển thành công một phương pháp xét nghiệm máu mới có thể giúp chẩn đoán sớm hội chứng liệt rung (bệnh Parkinson) trước khi các triệu chứng xuất hiện.
Parkinson là bệnh thoái hóa thần kinh phát triển nhanh nhất thế giới, ảnh hưởng đến khoảng 10 triệu người trên toàn cầu. Nguyên nhân gây bệnh được cho là do sự tích tụ của alpha-synuclein, một prôtêin gây tổn thương hoặc phá hủy các tế bào thần kinh tạo ra hóa chất quan trọng dopamine tại vùng liềm đen (chi phối chức năng vận động) trong não. Người mắc bệnh Parkinson có thể trải qua các triệu chứng như run rẩy, khó kiểm soát cử động và căng cứng cơ, đồng thời gặp vấn đề về giữ thăng bằng, trí nhớ, chóng mặt và đau dây thần kinh. Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị hoặc phòng ngừa nguy cơ khởi phát bệnh Parkinson, trong khi nhiều bệnh nhân được chỉ định áp dụng liệu pháp thay thế dopamine để trì hoãn tiến triển của bệnh.
Để phát triển xét nghiệm bệnh Parkinson mới, các chuyên gia tại Đại học Cao đẳng Luân Đôn (UCL-Anh) và Đại học Göttingen (Đức) đã sử dụng một thuật toán học máy để phát hiện kiểu hình của 8 loại prôtêin đặc trưng trong máu ở người mắc bệnh Parkinson. Thuật toán này sau đó đã có thể dự đoán nguy cơ khởi phát bệnh trong tương lai ở những bệnh nhân khác dựa trên phân tích mẫu máu. Có trường hợp, xét nghiệm máu đã giúp dự đoán chính xác khả năng mắc Parkinson sớm tới 7 năm trước khi các triệu chứng bệnh xuất hiện.
Theo các tác giả, việc phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh cho phép các bác sĩ triển khai điều trị kiểm soát bệnh, trước khi bệnh nhân mất nhiều tế bào não hơn. Ngoài ra, chẩn đoán bệnh Parkinson sớm dựa trên AI cũng giúp các chuyên gia có thể tiến hành thử nghiệm lâm sàng rộng rãi hơn với những bệnh nhân giai đoạn đầu, nhằm tìm ra cách làm chậm sự tiến triển hoặc phòng ngừa căn bệnh.
HƯƠNG THẢO (Theo Guardian)