18/01/2021 - 08:28

Cây vẫn xanh trên đất khô cằn 

Sư đoàn 330 (Quân khu 9) đóng quân trên địa bàn có mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Trong mùa khô, những khó khăn về nước tưới và điều kiện thời tiết đặt ra đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải có cách giải quyết phù hợp để hoa kiểng luôn phát triển xanh tốt.

Theo cách tưới bằng xô, thùng thì chỉ có 30 đến 40% lượng nước được cây hấp thụ, phần còn lại bị bốc hơi bởi đất pha cát tuy thấm nước nhanh nhưng lại giữ nước kém, dễ bị khô hạn. Để khắc phục hạn chế trên và tiết kiệm nước, công sức cho đơn vị, Binh nhất Thạch Mích, Đại đội 3, Tiểu đoàn 15 SPG-9 đã tìm ra một phương pháp tưới mới, độc đáo, hiệu quả: Tưới nhỏ giọt bằng chai nhựa.


Binh nhất Thạch Mích thực hiện mô hình tưới nhỏ giọt bằng chai nhựa. 

Thạch Mích chia sẻ: “Tưới nhỏ giọt là một phương pháp giúp đưa nước có kiểm soát đến rễ cây, chậm nhưng liên tục. Nước nhỏ giọt lên bề mặt đất hoặc trực tiếp lên vùng có rễ, thông qua một mạng lưới gồm các chai nhựa có đục lỗ thoát, hoạt động theo nguyên lý nước nhỏ giọt một cách từ từ vào gốc cây để cung cấp độ ẩm và dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của cây. Tưới nhỏ giọt sẽ làm giảm sự bay hơi của nước”.

Phương pháp tưới trên có nhiều ưu điểm hơn so với cách tưới truyền thống tại đơn vị trước kia. Cách làm cũng rất dễ thực hiện. Trước tiên, chọn các chai nhựa đã qua sử dụng, dùng đinh nhọn đục những lỗ nhỏ ở nắp chai, sau đó lấy dao nhọn cắt bỏ đi phần đáy chai để đổ nước vào, rồi đem chôn xuống đất xung quanh cây kiểng với độ sâu khoảng 1/3 thân chai, cuối cùng đổ nước đầy chai là hoàn thành. Khoảng 1-2 tuần có thể pha phân bón vào để cây hấp thụ dinh dưỡng. Dựa vào mật độ, tính chất của cây cần tưới mà bố trí khoảng cách giữa các chai nhựa phù hợp, bảo đảm đủ lượng nước cung cấp cho cây.

Qua hơn một tháng thử nghiệm, Thạch Mích nhận thấy, với phương pháp tưới mới, tốc độ chảy của nước từ chai nhựa mặc dù chậm và lâu nhưng thấm sâu hơn vào đất, làm cho đất giữ được độ ẩm cao mà tiết kiệm nước hơn. Ngoài ra, phương pháp tưới mới này còn giúp tiết kiệm thời gian và công sức của bộ đội, bởi chỉ cần đổ nước đầy chai thì trong gần hai ngày nước mới nhỏ giọt hết mà cây vẫn được cung cấp nước đều đặn. Qua thống kê cụ thể, Thạch Mích cùng cán bộ đơn vị đã chứng minh ứng dụng hình thức tưới trên tiết kiệm được 80% thời gian tưới cây mỗi ngày và 50% lượng nước tưới so với phương pháp tưới thông thường. Những ưu điểm của phương pháp này rất phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị thực hiện nhiều nhiệm vụ, quân số thường xuyên phân tán, trong khi cảnh quan phải luôn được duy trì xanh, sạch, đẹp. Cùng với đó, đơn vị tiết kiệm được thời gian vào các giờ nghỉ buổi chiều sau khi huấn luyện.

Theo lãnh đạo đơn vị, nhận thấy hiệu quả từ mô hình tưới nhỏ giọt bằng chai nhựa, các đoàn cơ sở trong sư đoàn đã cùng trao đổi về phương pháp, cách làm, áp dụng sát với điều kiện thực tế của đơn vị mình. Từ đó, ý thức tự giác của cán bộ, đoàn viên, thanh niên về tiết kiệm nước và tận dụng chai nhựa sau khi sử dụng được nâng lên rõ rệt. Hình ảnh những chai nhựa với nhiều màu sắc, kích cỡ khác nhau xung quanh các gốc cây cảnh đã trở nên quen thuộc và tô điểm cảnh quan của đơn vị thêm xanh-sạch-đẹp. Mô hình là một minh chứng sinh động về tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ Sư đoàn 330.

Theo HOÀNG TUẤN (Báo Quân đội Nhân dân)

Chia sẻ bài viết