Thiên vẫn còn nhớ những mùa hè về quê ở với ngoại. Căn nhà nhỏ với mảnh sân rộng độc một cây thanh long và cũng chỉ độc mỗi một trái nhìn trơ trọi trước hiên nhà. Quê ngoại yên bình của Thiên là vùng đất vào ngày hè đầy nắng gió, lũ nhóc đầu trần chèo ghe ra ao rau muống trước nhà mà vớt ốc. Những ngọn rau còn xanh đôi khi phần thân đỏ hồng bởi từng lớp trứng ốc, lúc đó thả tay xuống chộp, thể nào cũng được dăm ba con ốc đang bám víu. Căn nhà của ngoại tuy nhỏ nhưng mảnh sân thì lại rất rộng. Ðã thành nếp mỗi khi cuối tuần, con cháu hay tề tựu, khi đổ bánh xèo, lúc nấu bún rồi xúm xít cùng ăn. Lúc nào cũng là những nồi bự chảng hoặc rất nhiều những mâm bánh đầy ắp vì nhà ngoại Thiên vốn đông người.
Nhưng đó là những khi cuối tuần. Còn vào ngày thường, tất cả đều chìm vào yên tĩnh. Mảnh sân rộng nơi có ngôi nhà nhỏ đó chỉ có mỗi bà vì ông qua đời trong một cơn bạo bệnh từ khi cậu Út còn rất nhỏ. Một mình bà nuôi tám người con trưởng thành rồi dựng vợ gả chồng tất thảy. Ai cũng có gia đình riêng, tất bật với cuộc mưu sinh cùng những buồn vui với gia đình nhỏ của mình. Còn Thiên, vì mẹ Thiên lấy chồng xa, tới hè về thường gửi Thiên lại nhà ngoại để thuận tiện đi làm, cũng là để Thiên vừa nghỉ hè vừa hủ hỉ với ngoại, nên Thiên gắn bó với ngoại nhiều nhất. Những đêm nóng trời, ngoại hay lấy cái chõng tre rồi hai bà cháu lại ra phía trước sân cạnh cây thanh long cao chót vót mà ngồi hóng gió mát. Cái cây ấy lạ lắm, mỗi lần chỉ ra đúng một trái, lại rất mau chín, khi chuyển sang hồng và to lên thì Thiên hay đòi ngoại hái xuống ăn. Những lúc ấy ngoại thường bảo :
- Bây muốn ăn để ngoại đi chợ mua cho. Nó đã cô đơn một mình ở trển thì bây để nó an phận tuổi già đi. Phá nó làm gì.
Lúc đó Thiên không hiểu lắm những điều ngoại nói, chỉ nghe ngoại rồi nhìn lên và nghĩ thương trái thanh long cô độc. Khi Thiên lớn lên một chút, cũng là lúc ngoại yếu dần đi thì Thiên bắt đầu nhận ra không biết tự lúc nào trong nhà bắt đầu có những cuộc tranh chấp, lúc đầu thì là những tiếng thì thào sau chái bếp hoặc ở góc sân, sau thành những cuộc đôi co công khai. Chủ yếu xoay quanh việc muốn bán mảnh đất mà ngoại đang ở. Cậu Hai muốn phần sân, dì Ba lại giành mảnh đất ngôi nhà nhỏ... cứ thế rồi bao điều tiếng tung ra. Ngoại Thiên bó gối ngồi một góc sân nhìn cây thanh long, chẳng nói gì.
Rồi ngoại Thiên bệnh nặng, nhà chật kín cậu, dì. Nhưng không còn là những buổi trưa thơm thảo cùng nhau đổ bánh hoặc san sẻ nhau tô bún nước tương rau thơm, xẻ trái dưa hấu được ngâm dưới giếng cho mát lạnh hoặc chở nhau đi qua mấy ngọn đồi gom góp thông rơi. Toàn những tiếng tranh chấp, những lời như gai nhọn về việc tính toán phần trăm sẽ về tay ai, rồi cậu, dì xoay qua bà đòi bà cho một tiếng phân xử đúng sai. Mọi người trong lúc tranh nhau nói, cũng có những khoảng lặng khi nhìn thấy giọt nước mắt chợt chảy từ đôi mắt khô khốc của ngoại. Cậu, dì cũng có khi quan tâm, lo lắng chuyện ngoại Thiên dường như không nói được nữa. Nhưng dường như những dấu hiệu cho thấy sức khỏe ngoại Thiên yếu dần ấy cũng khiến mọi tranh chấp trở nên căng thẳng hơn. Những phút cuối cùng. Ngoại Thiên đuổi hết về nhà, tối lại bắt chõng ngồi ngoài sân một mình nhìn cây thanh long tư lự.
- Cây thanh long này khi còn sống ông bây trồng. Trước sai trái lắm, nhà đông con vậy mà đến vụ là chia đủ cả. Khi ông bây mất, cây dỗi, ra độc mỗi một trái. Nhìn cây, ngoại lại nhớ đến ông bây.
Thiên chợt hiểu ngoại muốn giữ lại mảnh đất này vì những kỷ niệm của cả gia đình chứ không phải vì không thương con cháu mà đến phút cuối vẫn bo bo giữ đất như cậu, dì đã nói. Rồi dịch bệnh đến, kinh tế gia đình nào cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khúc đất nơi chuồng bò chiếm một phần ngôi nhà lại nằm trong vùng quy hoạch nên được đền bù một khoảng kha khá. Ngày nào cậu, dì cũng đem giấy tờ vay nợ đến nỉ non, ngoại không đành lòng nên bán đi một phần đất, căn nhà bị tiếm đi một nửa, nhưng cậu, dì cười đon đả:
- Bà còn ở một mình sao hết căn nhà được. Bỏ đi một phần, nhỏ cho an toàn.
Rồi phần mặt phía chỗ trồng cây thanh long được mở đường, xây công viên, đất đội giá lên cao, bán bây giờ tính bằng tiền tỉ. Cậu, dì lại kéo nhau về, còn siêng năng hơn. Bà nhất quyết không bán, sống chết giữ lại cây thanh long ấy. Mọi người có khi nghĩ bà lẫn rồi, bà không thương cháu con đương khó khăn, nhưng cũng không dám làm gì quá đáng. Vì dù có bị đồng tiền và cuộc sống khó khăn thúc giục, Thiên biết tận sâu trong lòng cậu, dì vẫn biết giới hạn để giữ những tình cảm quý giá còn lại của gia đình.
Bà ra đi trong một chiều hạ, những cơn tranh chấp kéo dài cả năm rồi cũng thuận đường trao tay người chủ mới. Ngày cây thanh long bị đốn đi, Thiên có về thăm lại quê ngoại, mảnh đất đã sang tên, cây thanh long với trái độc nhất rơi theo từng nhát bổ. Lúc ấy Thiên thấy lòng mình nhẹ tênh. Ít ra, bà đã không thấy cảnh cây thanh long đổ gục.
Truyện ngắn: LÊ HỨA HUYỀN TRÂN