07/11/2021 - 13:09

Câu chuyện áo dài 

Huỳnh Hà

Trang phục là một trong những yếu tố thể hiện bản sắc văn hóa tộc người. Áo dài - trang phục truyền thống Việt Nam, không chỉ là một trong những biểu tượng xác nhận bản sắc văn hóa nước ta, mà còn thể hiện tâm hồn người Việt Nam khi mà loại trang phục này phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội.

Phụ nữ thướt tha áo dài trong một ngày hội mừng Xuân ở Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Ðể có được sự duyên dáng như ngày nay, chiếc áo dài đã phải trải qua bao thăng trầm của lời khen, tiếng chê trong quá trình cải cách cho đến lúc định hình. Có thể nói áo dài khởi đầu có hai kiểu: áo tứ thân và áo năm thân. Áo tứ thân may từ bốn mảnh vải, hai mảnh vải sau ghép liền ở giữa sống lưng, đằng trước là hai tà (vạt) áo không có khuy; khi mặc bỏ buông hoặc buộc thắt hai vạt vào nhau. Áo năm thân cũng may như áo tứ thân, chỉ có điều vạt trước phía trái may ghép từ hai thân vải, thành ra rộng gấp đôi vạt phải, để bên ngoài, gọi là vạt cả, đè lên vạt phải để bên trong, gọi là vạt con(1).

Nhận thấy chiếc áo cổ truyền còn nhiều hạn chế, đặc biệt là không phù hợp với khí hậu và vóc dáng của phụ nữ Việt Nam nên những năm 1930 họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã cải cách chiếc áo truyền thống cho hợp thời hơn và đẹp hơn. Ông đã có những phát biểu đáng lưu ý khi chủ trương cải cách y phục phụ nữ: “Quần áo tuy dùng để che thân, nhưng nó có thể như tấm gương phản chiếu trình độ trí thức một nước”. Cho nên: “Trước hết, nó phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân hình mỗi bạn; sau nữa, nó phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật lịch sự. Nhưng dù thế nào, nó cũng phải có cái tính cách riêng của nước nhà mới được. Các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ nữ nước ngoài...”(2).

Với quan điểm này, họa sĩ Cát Tường lần lượt cho ra đời nhiều kiểu áo theo xu hướng mới. Phần lớn loại trang phục cải tiến này, trong đó đặc biệt là áo dài, có nhiều yếu tố ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây. Áo dài do họa sĩ Cát Tường thiết kế còn gọi là áo dài Lemur, dựa trên dáng áo dài tân thời đã ra đời từ cuối thập niên 1920. Về dáng, áo Lemur được cắt lượn theo cơ thể, bóp hơn ở phần thân trên để khoe những đường cong mềm mại của người mặc; tà áo được cắt lượn xuống để tránh bị hớt khi mặc. Nguyễn Cát Tường cho rằng vạt áo lót bên trong áo năm vạt trước kia vừa rất chướng, vừa rất không cần thiết; vì vậy ông thu nhỏ tối thiểu vạt con chỉ còn là một dẻo vải rất nhỏ để cài khuy. Họa sĩ Cát Tường cũng mạnh dạn đưa thêm những chi tiết âu phục. Với cổ áo, ông bỏ hẳn lối cổ bờ thành (cổ đứng) để thay bằng các loại kiểu bánh bẻ (đường viền hình cánh hoa), cánh sen, lưỡi dao; các kiểu cổ chun, cổ viền, cổ tròn. Ông cũng bỏ kiểu may nối ngang ống tay áo mà may ráp tay với thân áo tại vòng nách; thay ống tay áo hẹp bằng những kiểu vai bồng, cổ tay bồng, nhún bèo, hoặc cổ tay hình hoa, hình đuôi tôm, hình lưỡi chàng... Chiếc quần lĩnh dài rút được thay bằng quần loa cài khuy bên hông hoặc có dải buộc ống quần bó sát từ hông xuống đầu gối rồi từ đó xuống tới gấu quần thì xòe ra như hình cái loa.

Về màu sắc, Nguyễn Cát Tường không chuộng những màu thâm nâu và ông cũng nói không với những màu sắc lòe loẹt vừa mới được vội vã đưa vào trang phục tân thời như các màu vàng nghệ, đỏ hoa lựu, biếc cánh chả, cam, mực tím... Áo dài Lemur thường có những gam màu dịu nhẹ, thanh nhã và tươi sáng: màu hường bông phấn, màu xanh non và dịu, màu da trời nhạt tức màu thiên thanh, màu nước biển nhạt hay màu hồ thủy, màu vàng nhạt hay màu hoàng yến; sắc xám có màu khói lam và màu ngọc thạch sẫm; sắc nâu có nâu da người, nâu cà phê sữa... Những màu nhạt lại được viền mép bằng một dải vải sẫm màu hơn hoặc sáng rỡ hơn để tôn thêm phần thân áo. Có thể nói, màu sắc là phần tinh tế nhất ở áo Lemur. Vì vậy, áo Lemur nhanh chóng chinh phục chị em tân thời nhờ vẻ thanh thoát và tươi trẻ(3).

Song song với áo dài Lemur còn có một xu hướng cải cách khác ở Hà Nội vào những năm 1930-1954, do họa sĩ Lê Phổ và một số người bạn, trong đó có họa sĩ Cát Tường vẽ kiểu. Loại áo dài này về cơ bản cũng gồm hai vạt, được may ôm dáng, kích tà xuống cho khỏi hở lườn, tà áo dài thường cao hơn gấu quần khoảng 20cm. Một số thay đổi nhỏ như loại cúc nhựa hoặc kim loại rất thông dụng, không còn thấy loại khuy bằng dây vải thời xưa, về sau thịnh hành nhất là loại cúc ngọc trai hình tròn rất đẹp...

Những năm 1950-1960, ở Sài Gòn lại xuất hiện một xu hướng áo dài khác. Áo dài Sài Gòn thường được may nối tay ở vai hoặc may theo lối tay raglan - tức đường ráp tay và thân áo là một đường chéo từ chân cổ áo xuống nách để tránh cho phần nách áo khỏi bị rúm. Áo được nhấn cho ôm khít lấy phần thân trên và vòng eo nhưng từ eo trở xuống, tà áo buông tự do. Áo dài Sài Gòn là bộ áo tôn dáng người mặc nhất và cũng là sự hòa quyện cực kỳ khéo léo giữa truyền thống và hiện đại.

Hai thập niên cuối thế kỷ XX, áo dài ít thay đổi về kiểu dáng, chủ yếu định hình với một kiểu dáng chung là sự tổng hòa của áo dài Hà Nội và áo dài Sài Gòn. Có thể coi đây là thời kỳ áo dài đã đi vào ổn định(4).

Nét đẹp thiếu nữ trong tà áo dài. Ảnh: DUY KHÔI

Như vậy, trong suốt một thời gian dài, vượt qua bao thử thách của thời gian, cùng với bao tâm huyết, công sức và trí tuệ của nhiều họa sĩ, nhà thiết kế, mà công đầu phải kể đến là họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ, chiếc áo dài tân thời đã trở nên ổn định và phổ biến khắp mọi miền đất nước. Nói về sự cải cách này, Giáo sư Trần Ngọc Thêm nhận định: Do ảnh hưởng sự giao lưu với phương Tây từ những năm 30 của thế kỷ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần thành chiếc áo dài tân thời và đẹp hơn bao giờ hết. Khởi đầu từ những sáng kiến của hai họa sĩ Lê Phổ và Cát Tường, với sự sàng lọc, bổ sung, sửa đổi, chiếc áo dài tân thời đã trở thành một sáng tạo tập thể, nó kết hợp được một cách xuất sắc truyền thống dân tộc với ảnh hưởng văn hóa phương Tây. Bên cạnh những bước tiến đáng kể theo hướng tăng cường phô trương cái đẹp cơ thể một cách trực tiếp kiểu phương Tây (…), áo dài tân thời cũng đồng thời kế tục và phát triển cao độ phong cách tế nhị, kín đáo cổ truyền. Nhờ vậy, chiếc áo dài tân thời khiến cho người phụ nữ mặc nó nhìn chung và nhìn từ phía trước hết sức kín đáo, đoan trang mà vẫn không kém phần quyến rũ, còn nếu nhìn nghiêng từ bên hông thì càng thấy sức quyến rũ tăng lên gấp bội phần. Chính sự khiêu gợi một cách tế nhị, kín đáo này mà nó vừa đáp ứng được yêu cầu của thời đại, lại vừa duy trì được bản sắc dân tộc, khiến chỉ trong một thời gian ngắn, chiếc áo dài tân thời đã được phổ biến rộng rãi không chỉ trong nước mà còn vượt ra biên giới của các nước và đã trở thành biểu tượng cho y phục truyền thống Việt Nam(5).

Có thể nói, áo dài là sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Vốn được định hình qua phong trào Âu hóa cho nên áo dài còn mang tinh thần cải cách và hơi thở hiện đại của thế kỷ XX. Sự tối giản về đường nét và màu sắc vốn là hệ quả của sự áp chế dưới thời phong kiến lại tỏ ra rất phù hợp với thị hiếu hiện đại. Những điều này đã làm nên tính thích ứng cao của áo dài, trở thành bộ trang phục thành công nhất trong lịch sử trang phục phụ nữ Việt(6).

-------------------

(1) Trần Ngọc Thêm (1996), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB TP Hồ Chí Minh, tr.411-412.

(2) Dẫn theo Phạm Thảo Nguyên (2018), Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày nay, NXB Hồng Đúc, tr.14.

(3) Bùi Quang Thắng (2018), Nét cũ duyên xưa, NXB Lao Động, tr.205-207.

(4) Bùi Quang Thắng, Sđd, tr.215-219.

(5)Trần Ngọc Thêm, Sđd, tr. 413-414.

(6) Bùi Quang Thắng Sđd, tr.221.

Chia sẻ bài viết