13/11/2015 - 21:49

Cần xây dựng các trung tâm logistics để thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL

(CT)- Đó là ý kiến chung được nhiều đại biểu nêu ra tại Hội thảo "Chiến lược phát triển hệ thống logistics vùng ĐBSCL giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030" do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và các đơn vị có liên quan tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 13-11.

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và lãnh đạo các bộ ngành Trung ương tham dự hội thảo.

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cung cấp các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Hằng năm, vùng ĐBSCL sản xuất hơn 55% sản lượng lúa hàng hóa, 70% sản lượng trái cây và khoảng 69% sản lượng thủy sản cả nước, đồng thời đóng góp hơn 90% sản lượng gạo và 60 sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà việc phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với các tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhất là giá trị các ngành hàng nông-thủy sản hiện vẫn còn thấp và không ổn định.

Thời gian qua, dù các kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics của vùng ĐBSCL đã được Trung ương và các địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng hiện vẫn chưa đồng bộ, hạn chế khả năng khai thác các phương tiện lớn, tốc độ cao và chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phương thức giao thông thủy, bộ và đường hàng không, chưa có đường sắt kết nối cảng… Do vậy, việc kết nối vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ còn gặp khó, việc xuất khẩu nhiều loại nông sản của vùng phải trung chuyển qua các cảng ở TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu, khiến mất nhiều thời gian và tăng chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa trong vùng.

Từ thực tế đó, nhiều đại biểu cho rằng, ngoài việc sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, vùng ĐBSCL cần đầu tư xây dựng các trung tâm logistics với kết cấu hạ tầng và dịch vụ đồng bộ để có thể bảo quản tốt chất lượng hàng hóa và vận chuyển hàng hóa đến nơi tiêu thụ một cách nhanh nhất, với chi phí thấp và giảm rủi ro. Có như vậy mới giúp nâng cao sức cạnh tranh cho hàng nông sản và thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội của vùng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hàng hóa trong nước phải đối mặt với sức ép cạnh tranh gay gắt ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, TP Cần Thơ có đủ các điều kiện cần thiết để xây dựng một trung tâm logistics cấp vùng, có khả năng lan tỏa, kết nối phát triển cho cả vùng ĐBSCL…

Tin, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết