01/09/2017 - 18:27

Cần Thơ nỗ lực phát triển hợp tác với Nhật Bản 

Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư đứng hàng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều vào Việt Nam. Thời gian qua, TP Cần Thơ cũng đã có mối quan hệ hợp tác, giao thương với nhiều địa phương và đơn vị, doanh nghiệp Nhật Bản. Với lợi thế nằm ở trung tâm của vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ có nhiều triển vọng thu hút đầu tư và thúc đẩy hợp tác, thương mại với Nhật Bản.

 Kết quả tích cực

Đến cuối tháng 8-2017, TP Cần Thơ có 74 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gồm 24 dự án trong khu công nghiệp và 50 dự án ngoài khu công nghiệp, với tổng vốn đầu tư khoảng 649,2 triệu USD (hơn 13.642 tỉ đồng). Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã có các dự án đầu tư vào thành phố như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ, Đài Loan, Đức, British Virgin Islands, Iraq, Bahamas, Malaysia, Pháp, Samoa, Indonesia, Úc, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Philippines, Anh… Các lĩnh vực đầu tư cũng khá đa dạng, gồm: chế biến công nghiệp thủy sản, kinh doanh thương mại, dịch vụ về ô tô, khách sạn,  kinh doanh dầu động thực vật, sản xuất và kinh doanh hàng may mặc, kinh doanh bất động sản, kinh doanh, gia công chế biến, đóng gói sản phẩm nông nghiệp, kinh doanh các loại thức ăn nhanh…

  Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống trao đổi bên lề tại một cuộc họp với đối tác Nhật Bản.

Trong các dự án đầu tư nước ngoài vào Cần Thơ, có 6 dự án có vốn đầu tư Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,05 triệu USD. Cụ thể, tại Khu Công nghiệp Trà Nóc 2 có Công ty TNHH Quốc tế Tri-Viet, vốn đăng ký 3 triệu USD, hoạt động lĩnh vực sản xuất các loại găng tay, túi xách và dụng cụ thể thao xuất khẩu. Tại Khu Công nghiệp Trà Nóc 2 còn có  Dự án phòng khám đa khoa Fuji MEDIC (51% vốn Việt Nam, 49% vốn Nhật Bản), với tổng vốn đăng ký 2 triệu USD tại Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc. Bên cạnh đó, có 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản đã tham gia đầu tư tại địa điểm ngoài các khu công nghiệp. Đó là Công ty TNHH TOYOTA Cần Thơ (51% vốn Việt Nam, 49% vốn Nhật Bản), với tổng vốn đăng ký 6 triệu USD, hoạt động lĩnh vực cung cấp các thiết bị, phụ tùng  và dịch vụ hậu mãi cho xe hơi và cho thuê nhà kho, cao ốc, văn phòng. Công ty TNHH SANCOH Việt Nam (100% vốn Nhật Bản), vốn đầu tư đăng ký 80.000 USD, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm phần mềm, cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ có liên quan đến máy tính. Chi nhánh Công ty TNHH giấy Kraft Vina tại TP Cần Thơ (vốn Thái Lan 70%, Nhật Bản 30%), với tổng vốn đăng ký 400.000 USD, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh các loại giấy và thùng carton. Chi nhánh Công ty TNHH Lotteria tại Cần Thơ (vốn Hàn Quốc 93,94%, Nhật Bản 6,06%), với tổng vốn đầu tư đăng ký 565.133 triệu USD,  hoạt động chế biến thực phẩm, đồ uống từ nguyên liệu trong nước và nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm hàng hóa…

Thông qua việc tăng cường các mối quan hệ hợp tác, các tổ chức và đối tác đến từ Nhật Bản cũng đã tài trợ vốn thực hiện nhiều công trình, dự án tại TP Cần Thơ, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Điển hình là các dự án “Trang thiết bị và xây dựng phòng y tế tại Nhà nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa”, dự án “Xây 8 cầu giao thông nông thôn tại huyện Phong Điền và Thới Lai” và “Xây dựng 3 cây cầu phục vụ cho nhân dân vùng đồng bào nghèo, khó khăn thuộc huyện Thới Lai và Cờ Đỏ” do Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tài trợ, với tổng số tiền tài trợ hơn 4,2 tỉ đồng. Dự án “Tổ chức chương trình đào tạo giảng viên để nhân rộng hoạt động bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ ĐBSCL” do Quỹ bảo vệ môi trường toàn cầu Nhật Bản tài trợ với số tiền hơn 1,44 tỉ đồng.

Triển vọng phát triển hợp tác

Cần Thơ còn rất nhiều triển vọng trong phát triển hợp tác với các đối tác Nhật Bản để tăng cường thu hút đầu tư, phát triển thương mại và học tập các kinh nghiệm hay và tiếp cận với các tiến bộ khoa học công nghệ mới. Hiện nay, giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ ngoại giao và hữu nghị rất tốt, đây là điều kiện rất thuận lợi để TP Cần Thơ và các địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường mối quan hệ hợp tác. Đặc biệt, các doanh nghiệp của Nhật cũng ngày càng quan tâm đầu tư vào vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực của Việt  Nam  là ĐBSCL- nơi đây cũng là cửa ngõ tiếp cận với nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á, trong đó TP Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm vùng.

Cầu giao thông nông thôn tại xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai được xây dựng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. 

Ông Motoyuki Nakamura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Tri-Viet, cho rằng: “Cách nay 10 năm, công ty được thành lập tại TP Cần Thơ chỉ với 200 nhân viên, đến nay công ty đã có hơn 700 lao động. Công nhân và người lao động tại Cần Thơ rất chăm chỉ và có  chất lượng cao, nếu tiếp tục phát huy tốt điều này các doanh nghiệp sẽ rất hài lòng và tăng cường đầu tư vào TP Cần Thơ. Ngoài ra, điều kiện cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư kinh doanh tại TP Cần Thơ cũng ngày càng được cải thiện, nhất là sau khi thành phố có Cầu Cần Thơ kết nối giao thông với các địa phương trong vùng và với TP Hồ Chí Minh…”. Cũng theo ông Motoyuki Nakamura, đạt được nhiều tiến bộ, nhưng kết cấu hạ tầng tại thành phố và các khu công nghiệp vẫn còn chưa đồng bộ, cần tiếp tục được đầu tư nâng cấp mới thu hút tốt được các doanh nghiệp chế tạo của Nhật Bản. Đặc biệt, cần phải giúp doanh nghiệp giảm được các chi phí trong vận chuyển hàng, giúp doanh nghiệp có thể xuất khẩu hàng trực tiếp tại các cảng ở địa phương chứ không phải trung chuyển lên TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, cần phải có những người giỏi ngoại ngữ tiếng Nhật để thuận lợi trong giao tiếp, làm ăn với doanh nghiệp Nhật Bản.

Cần Thơ cũng còn rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác, phát triển thương mại với  các địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản. Theo Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, thời gian qua Cần Thơ đã xuất khẩu được nhiều loại hàng hóa vào thị trường Nhật Bản như: gạo, thủy sản, hàng may mặc, da thuộc, đinh dây... Đồng thời, nhập khẩu lại nhiều loại nguyên liệu và thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất như: Phân bón, hóa chất, nguyên liệu dược, vải, phụ liệu may và các loại vật tư nguyên liệu khác. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu vào Nhật Bản là 196,4 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu 32,5 triệu USD.

Nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đối tác Nhật Bản, vừa qua Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cùng một số sở ngành hữu quan thành phố có buổi tiếp, làm việc với ngài Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam. Tại buổi làm việc này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho biết, sẽ tích cực hỗ trợ thành phố trong thu hút doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Cần Thơ, hỗ trợ thành phố tiếp cận các địa phương và tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản mà TP Cần Thơ có nhu cầu liên kết hợp tác và kêu gọi đầu tư và  tiếp cận vốn ODA của Nhật Bản theo như đề xuất của TP Cần Thơ. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống đã cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của ngài Umeda Kunio, đồng thời khẳng định thành phố luôn quan tâm tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Nhật Bản và các nhà đầu tư  nói chung đến đầu tư, làm ăn tại TP Cần Thơ. Thành phố rất mong muốn được tăng cường hơn mối quan hệ hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp và tổ chức của Nhật Bản. 

  Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết