03/11/2011 - 14:26

Cần Thơ đẩy mạnh cải cách tư pháp, gắn với cải cách hành chính

Đại diện VKSND quận Bình Thủy phát biểu tranh luận tại phiên tòa hình sự lưu động. Ảnh: N.YẾN

Cải cách tư pháp (CCTP) là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đảm bảo ổn định chính trị, giữ vững bản chất nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thời gian qua, CCTP đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho các cơ quan tư pháp ở TP Cần Thơ, không chỉ đáp ứng yêu cầu của xã hội mà còn bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, hiện nay, công tác CCTP ở thành phố vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, cần sớm có giải pháp khắc phục...

* Tín hiệu vui

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, của dân, do dân và vì dân, ngày 2-6-2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về “Chiến lược CCTP đến năm 2020” (gọi tắt là Nghị quyết 49).

Sau khi có nghị quyết, Thành ủy, Ban Chỉ đạo CCTP thành phố đã chỉ đạo cho các cơ quan tư pháp như: Công an, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), Tòa án nhân dân (TAND) tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện. Đến nay, 9/9 đơn vị quận, huyện của thành phố đã triển khai, thực hiện về việc tăng thẩm quyền xét xử cho cấp huyện. Các cơ quan tư pháp được tăng thẩm quyền xét xử đã có sự phối hợp tốt trong việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Các vụ án thuộc trường hợp tăng thẩm quyền đều được tòa án cấp huyện xét xử đúng hạn luật định, chưa có vụ án nào xét xử oan sai; trình độ năng lực của đội ngũ thẩm phán tòa án cấp huyện được nâng lên. Kết quả thi hành án dân sự sau khi tăng thẩm quyền đến nay đều hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Theo ông Huỳnh Trung Hiếu, Phó Chánh án TAND TP Cần Thơ, CCTP nói chung và CCTP của ngành tòa án nói riêng là một yêu cầu cấp thiết và đang được triển khai đạt hiệu quả. Hoạt động của ngành đã có nhiều đổi mới tiến bộ, chất lượng hoạt động xét xử được nâng lên, tỷ lệ số vụ án bị cải sửa, bị hủy, hoặc sai sót trong công tác xét xử giảm nhiều so với quy định của ngành; tình trạng đơn thư khiếu kiện kéo dài đã được quan tâm giải quyết dứt điểm; lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của công dân được bảo đảm.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, Ban Chỉ đạo CCTP thành phố đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp có sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động tiến hành tranh tụng theo tinh thần CCTP. Luật sư Nguyễn Viết Bình, Trưởng Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, cho biết: “Điểm nổi bật của CCTP ở đây là việc xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa hình sự đã có nhiều đổi mới và thực hiện dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích của các đương sự. Các bị cáo, luật sư và những người tham gia tố tụng được trình bày ý kiến của mình theo đúng trọng tâm của vụ án. Điều quan trọng là các quyết định của hội đồng xét xử được căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa...”. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo CCTP thành phố đã chỉ đạo VKSND và TAND thành phố xây dựng Đề án thành lập VKSND khu vực và TAND khu vực theo hướng dẫn của VKSND Tối cao và TAND Tối cao. Theo Đề án, thành phố gồm 9 quận, huyện sẽ có 5 TAND sơ thẩm khu vực và 5 VKSND khu vực (gồm TAND sơ thẩm khu vực Ninh Kiều; Cái Răng - Phong Điền; Bình Thủy - Ô Môn; Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh và Thới Lai - Cờ Đỏ). Riêng cơ quan điều tra của công an sẽ không thực hiện theo khu vực.

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, TP Cần Thơ đã từng bước đề cao trách nhiệm và sự chuyển biến khá đồng bộ của tổ chức trong hệ thống chính trị đối với công tác tư pháp. Chất lượng giám sát của HĐND đối với hoạt động tư pháp từng bước được nâng lên và có hiệu quả. Công tác phòng ngừa xã hội đối với hành vi vi phạm pháp luật, hành vi tội phạm được quan tâm sâu sát; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển khá sâu rộng, hoạt động có hiệu quả, đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình tự quản. Đội ngũ luật sư, giám định viên, công chứng viên phát triển cả về số lượng và chất lượng, phục vụ tốt yêu cầu xây dựng nền pháp chế vững mạnh ở địa phương...

* Cần giải pháp tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện công tác CCTP ở TP Cần Thơ cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc như: Tiến độ giải quyết án của một số loại án còn thấp so với chỉ tiêu chung, còn nhiều vụ án quá hạn luật định. Việc thực hiện tăng thẩm quyền xét xử cho tòa cấp huyện tuy có lộ trình, nhưng việc bổ sung số lượng thẩm phán còn chậm, chưa kịp thời; năng lực xét xử của thẩm phán mới bổ nhiệm còn hạn chế, nên việc phân công án tăng thẩm quyền có khó khăn về kinh nghiệm xét xử.

Một nguyên nhân khác là một số cấp ủy đảng chưa thực hiện đúng định kỳ giao ban với các cơ quan tư pháp để nắm kịp thời, toàn diện tình hình và kết quả hoạt động của công tác tư pháp; chương trình giám sát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đảng trong các cơ quan tư pháp hàng năm còn ít. Các giám định viên chuyên ngành chưa đủ về số lượng, kiến thức chưa được bồi dưỡng nâng cao, chế độ phụ cấp trách nhiệm chưa thỏa đáng, chưa đảm bảo yêu cầu phục vụ tốt cho hoạt động tố tụng. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, chấp hành viên và thẩm phán còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết số lượng án tăng thẩm quyền ngày càng nhiều. Ông Phạm Quốc Việt, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Cần Thơ, cho biết: “Kho, bãi chứa vật chứng; phương tiện, máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác nghiệp vụ mặc dù đã được trang bị, nhưng thời gian qua vẫn còn thiếu, so với đòi hỏi của nhiệm vụ hiện nay...”.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP thành phố, CCTP xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương gắn với đổi mới công tác lập pháp và cải cách hành chính. Đồng chí đề xuất: “Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương cần chỉ đạo các cơ quan Trung ương có liên quan sớm sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Các cơ quan Tư pháp Trung ương cần tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp, nhất là cho điều tra viên, kiểm sát viên, chấp hành viên và thẩm phán, để góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động CCTP ở địa phương...”.

Mới đây, ngày 25-10-2011, bà Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương làm Trưởng Đoàn kiểm tra Trung ương đã đến làm việc tại TP Cần Thơ về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết 49. Bà Lê Thị Thu Ba đánh giá cao những nỗ lực của địa phương trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 49. Tuy nhiên, bà lưu ý cấp ủy đảng cần thực hiện đúng định kỳ giao ban với các cơ quan tư pháp để nắm bắt kịp thời, toàn diện tình hình và kết quả hoạt động của các cơ quan tư pháp; đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược CCTP đến năm 2020, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người...

CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết