13/12/2017 - 15:09

Can thiệp, hỗ trợ để phòng chống mại dâm hiệu quả 

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm năm 2017, nhiều địa phương đặt vấn đề quan ngại về tình hình mại dâm với những diễn biến ngày càng phức tạp. Theo Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, cả nước hiện có trên 13.000 người bán dâm. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá của một số tổ chức xã hội thông qua hệ thống các câu lạc bộ, các nhóm tự lực, thì số người bán dâm lớn hơn rất nhiều.

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ tặng Bằng khen của UBND thành phố cho các cá nhân, tập thể có thành tích đóng góp trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội.

Theo nhiều tỉnh, thành trên cả nước, năm qua, các tụ điểm hoạt động mại dâm khu vực công cộng tập trung tại các thành phố lớn đã giảm về số lượng và mức độ công khai hoạt động. Tuy nhiên, tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hoạt động của tệ nạn này đang gây  khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát. Thêm vào đó, các đối tượng bán dâm với nhiều hình thức như: gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài  bán dâm, mại dâm nam, người chuyển giới bán dâm, mại dâm trẻ em...

 Theo kết quả đánh giá của Đội kiểm tra liên ngành TP Cần Thơ, năm 2017, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn được kiềm chế. Thành phố không xảy ra tụ điểm nóng về mại dâm và tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, tình trạng cơ sở kinh doanh dịch vụ cho nhân viên nữ thực hiện hành vi kích dục, bán dâm cho khách vẫn xảy ra. Tính đến tháng 11-2017, TP Cần Thơ có 278 người bán dâm, trong đó có 75 trường hợp có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, qua thông tin tiếp cận của Câu lạc bộ Chúng tôi là phụ nữ, Câu lạc bộ Xa nhà, nhóm xã hội dân sự… thành phố còn có khoảng 300 chị em bán dâm khi có điều kiện. Từ đầu năm 2017 đến nay, Đội kiểm tra liên ngành thành phố đã tổ chức tuyên truyền cho trên 600 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ về các quy định, văn bản pháp luật đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Qua đó, giúp các cơ sở nâng cao nhận thức trong phòng, chống mại dâm. Từ đầu năm đến nay, Công an thành phố đã triệt xóa 17 vụ liên quan đến hoạt động mại dâm. 

Năm 2016, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các tổ chức phi chính phủ triển khai thí điểm các mô hình can thiệp giảm tác hại, phòng, chống bạo lực và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cho người bán dâm. Hiện có 5 tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện mô hình này là Tuyên Quang, Quảng Ninh, Huế, TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ. Hiện nay, cả nước có 777 người bán dâm và 2.535 người có nguy cơ cao được hưởng lợi từ các mô hình trên. Tại TP Cần Thơ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố đã triển khai mô hình Đảm bảo quyền cho người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh hoạt động mại dâm. Thông qua đó, người lao động được đối thoại với chủ cơ sở, cán bộ ngành quản lý; các chị em làm việc tại nhà hàng, khách sạn, karaoke, massage… được hỗ trợ các dịch vụ xã hội như thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, thay đổi hành vi... Ông Nguyễn Thanh Vững, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: “Thông qua các hoạt động của mô hình trên đã góp phần nâng cao nhận thức của chủ cơ sở kinh doanh về phòng, chống mại dâm. Riêng đối với người bán dâm, sở đã kết nối giúp 47 trường hợp hoàn lương được cấp thẻ bảo hiểm y tế”.

Tại Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho rằng, để công tác phòng, chống mại dâm hiệu quả, rất cần những hoạt động can thiệp và hỗ trợ cho nhóm người yếu thế, là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng nông thôn. Các địa phương cần có những hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả với thực tế của địa phương để nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội trong xây dựng môi trường sống lành mạnh.

Bài, ảnh: THẢO MỘC 

Chia sẻ bài viết