02/03/2008 - 09:09

Kết thúc phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng:

Cần sớm xây dựng các nghị định hướng dẫn thực hiện các Dự án Luật, Pháp lệnh đã được kết luận

Sáng 1-3, tiếp tục phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành năm 2002, đến nay không còn phù hợp, đặc biệt là mức xử phạt thấp, không đảm bảo tính răn đe. Do vậy, Dự thảo pháp lệnh đã tăng mức xử phạt đối với nhiều vi phạm và nâng thẩm quyền xử phạt đối với các cơ quan chức năng. Cụ thể, sẽ nâng mức xử phạt tối đa trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước từ 70 triệu hiện nay lên 500 triệu đồng. Đối với các cơ quan chấp pháp, dự thảo Pháp lệnh đã nâng thẩm quyền xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND xã, phường và Chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh. Cụ thể: Chủ tịch UBND xã, từ 500.000 đồng lên 2 triệu đồng và Chủ tịch UBND huyện từ 20 triệu lên 30 triệu đồng. Riêng đối với Chủ tịch UBND phường, quận các thành phố trực thuộc Trung ương thì thẩm quyền xử phạt cao hơn: Chủ tịch phường được xử phạt tới 5 triệu đồng và Chủ tịch quận là 50 triệu đồng. Dự thảo Pháp lệnh cũng nâng thẩm quyền đối với lực lượng Công an Nhân dân, trong đó Cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh và Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Dự thảo Pháp lệnh còn bổ sung hình thức xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính theo hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 đồng.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến băn khoăn quy định xử phạt tiền đối với các vi phạm hành chính của người vị thành niên. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH, Đào Trọng Thi tán thành việc phạt tiền cao hơn đối với vị thành niên. Tuy nhiên, ông Thi đề nghị Pháp lệnh cần bổ sung một số biện pháp nhằm nâng cao ý thức của trẻ, tăng cường sự kết hợp nhà trường và gia đình trong quản lý, giáo dục trẻ em.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đồng ý với quan điểm sửa đổi của cơ quan soạn thảo, đã bám sát những vấn đề nổi cộm trong thực tiễn cuộc sống; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể; tăng cường đấu tranh xử lý vi phạm hành chính triệt để, nghiêm minh với thủ tục chặt chẽ. Việc bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ việc tăng thẩm quyền cho một số chức danh và một số vấn đề khác chưa có ý kiến thống nhất, sớm hoàn thiện dự thảo, trình UBTVQH thông qua.

m Chiều 1-3-2008, buổi họp cuối cùng của phiên họp thứ 6 của UBTVQH, do Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn điều khiển, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có vấn đề nâng hạn tuổi sĩ quan phục vụ tại ngũ theo quân hàm lên 2 tuổi (trừ cấp tướng).

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trình bày rõ lý do cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội trong thời kỳ mới.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội cũng cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn và đề nghị làm rõ hơn, nghiên cứu bổ sung hệ thống chức vụ cơ bản của sĩ quan. Cụ thể là hiện nay Quân đội có trên 6.000 chức danh với trên 12.000 chức vụ, nhưng dự án Luật chỉ quy định 11 chức vụ cơ bản và số còn lại do Bộ trưởng Quốc phòng quy định là quá lớn. Về hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm: đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo quân hàm lên 2 tuổi (trừ cấp tướng) để phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời tạo điều kiện cho sĩ quan yên tâm phục vụ, phấn đấu, hạn chế việc hàng năm phải làm thủ tục kéo dài độ tuổi. Ủy ban cũng kiến nghị UBTVQH xem xét quy định cụ thể vấn đề này trong dự thảo luật theo hướng sĩ quan tại ngũ được sử dụng nhà công vụ và hưởng phụ cấp về nhà ở theo cấp bậc quân hàm. Thảo luận tại hội trường, 8 ý kiến phát biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ. Các đại biểu cũng đóng góp một số ý kiến xoay quanh quy định về tuổi phục vụ của sĩ quan; cấp bậc quân hàm của sĩ quan tại ngũ; vấn đề tiền lương, phụ cấp nhà ở và điều kiện làm việc đối với sĩ quan tại ngũ.

Kết luận phiên họp thứ 6 của UBTVQH, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, về công tác xây dựng pháp luật, tại phiên họp này, UBTVQH đã cho ý kiến về 4 dự án luật và 1 dự án pháp lệnh. Chủ tịch QH đề nghị các Ủy ban của QH có liên quan phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý sớm gửi lấy ý kiến của các đại biểu QH. Riêng đối với dự thảo Pháp lệnh, cần sớm hoàn thiện trình UBTVQH thông qua tại kỳ họp thứ 7. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý các cơ quan soạn thảo cần sớm xây dựng các Nghị định hướng dẫn thực hiện các dự án Luật, pháp lệnh đã được kết luận tại phiên họp này. Các cơ quan của QH cũng cần nhanh chóng phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai ngay các kết luận của phiên họp này. Về việc tổ chức thí điểm chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 7 của UBTVQH, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đề nghị ngay sau phiên họp này, các cơ quan chuyên môn của QH cần tiến hành ngay những thủ tục cần thiết, chuẩn bị chu đáo, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn.

QUANG VŨ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết