29/05/2014 - 20:27

CẦN SẢN PHẨM ĐẶC THÙ CHO NGÀNH “CÔNG NGHIỆP KHÔNG KHÓI”

TP Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và là thành phố động lực phát triển của cả vùng. Trong những năm qua, ngành du lịch của thành phố có những bước phát triển đáng khích lệ. Tuy nhiên, để khẳng định vị trí là trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL thì ngành du lịch của thành phố cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa...

Nhiều lợi thế

TP Cần Thơ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vùng ĐBSCL. Đối với ngành du lịch, ngoài đặc trưng về địa lý là đầu mối giao thông quan trọng giữa các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, TP Cần Thơ được xem là “đô thị sông nước” với hệ thống sông ngòi chằng chịt, vườn cây ăn trái bạt ngàn với những cù lao trải dài trên sông Hậu. Các điểm du lịch như: chợ nổi Cái Răng; vườn du lịch sinh thái Mỹ Khánh, Ba Cống, Vàm xáng, vườn lan Bình Thủy; vườn cò Bằng Lăng… đã trở thành những điểm đến quen thuộc khi du khách đến Cần Thơ. Những năm gần đây, TP Cần Thơ đang tích cực đa dạng hóa các loại hình du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, văn hóa du lịch kết hợp hội nghị, du lịch công vụ, triển lãm, lễ hội, tâm linh, thể thao, giải trí trên nước nhằm tăng sức hấp dẫn với du khách.

Thiền viện Trúc lâm Phương Nam tại huyện Phong Điền, điểm du lịch tâm linh mới của TP Cần Thơ. 

Trong 10 năm trở lại đây, lượng khách du lịch tại TP Cần Thơ tăng trưởng trung bình 14,2%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 11%/năm, khách nội địa tăng 15%/năm. Trong năm 2013, lượng khách lưu trú tại TP Cần Thơ đạt trên 1,25 triệu lượt, trong đó khách quốc tế chiếm gần 17%, đạt mức tăng trưởng bình quân trên 10%/năm; doanh thu thuần ngành du lịch đạt trên 975 tỉ đồng, tăng hơn 9 lần so với năm 2001, lao động trực tiếp trong ngành du lịch gần 3.500 người. Thời gian qua, TP Cần Thơ có nhiều nỗ lực đầu tư, tôn tạo phát triển các công trình văn hóa, di tích lịch sử và cơ sở vật chất ngành du lịch như: công viên sông Hậu, công viên Hồ Xáng Thổi, công viên tượng đài Bác Hồ tại Bến Ninh Kiều, di tích Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, di tích chiến thắng Ông Hào, di tích lịch sử Lộ Vòng Cung, Thiền viện Trúc lâm Phương Nam, mở rộng làng du lịch Mỹ Khánh… Đến nay, toàn thành phố có gần 200 cơ sở lưu trú, trong đó 66 cơ sở đạt chuẩn từ 1 đến 4 sao với tổng số 5.200 phòng. TP Cần Thơ còn có 12 điểm vườn du lịch là loại hình du lịch đặc thù.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải đã có sự đầu tư lớn. Sân bay quốc tế Cần Thơ đã kết nối trực tiếp TP Cần Thơ với Hà Nội, Phú Quốc. Các tuyến đường bộ như: Quản lộ Phụng Hiệp, cầu Cần Thơ, quốc lộ 91B cũng đã được đầu tư kết nối thuận tiện TP Cần Thơ với TP Hồ Chí Minh với các địa phương, tạo thêm động lực cho thành phố phát triển dịch vụ du lịch. Ngành du lịch của TP Cần Thơ đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, góp phần khẳng định vị trí của TP Cần Thơ với trung tâm du lịch ĐBSCL. Tuy nhiên, các tour du lịch tại TP Cần Thơ chủ yếu là du lịch trên sông nước và vườn cây ăn trái. Sản phẩm du lịch chưa được đầu tư phát triển tương xứng với tiềm năng của đô thị sông nước.

Tìm hướng phát triển bền vững

So với các địa phương trong vùng như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Kiên Giang thì lượng khách du lịch đến với TP Cần Thơ khá cao. Dù vậy, với vai trò vị trí của một đầu mối đón và phân phối khách quan trọng của vùng thì du lịch TP Cần Thơ chưa xứng với tiềm năng. Lượng khách đến TP Cần Thơ ngày càng nhiều nhưng lượng khách quốc tế đến TP Cần Thơ chỉ chiếm 2,7% của cả nước, các sản phẩm lưu trú, dịch vụ du lịch chất lượng cao còn ít, chi tiêu cho ăn uống, lưu trú, lữ hành, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm còn rất ít (mua sắm 2%, vui chơi giải trí chưa đến 1%). Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là TP Cần Thơ chưa thực sự phát huy hết thế mạnh của địa phương trong vai trò đô thị trung tâm vùng nhằm phát triển hệ thống sản phẩm du lịch gắn với yếu tố đô thị nhằm tăng sức cạnh tranh của địa phương. TP Cần Thơ còn thiếu những dịch vụ giải trí mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế để có thể thu hút được khách du lịch.

Nhiều ý kiến cho rằng, do xuất phát điểm thấp nên Cần Thơ vẫn chậm chân trong phát triển so với các thành phố lớn trên cả nước. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chung của toàn thành phố vẫn còn kém so với các thành phố trực thuộc trung ương. Do đó, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch chưa thể đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch, dịch vụ phục vụ cũng chưa đồng bộ. Về nguồn nhân lực cho ngành du lịch, dù có những chuyển biến tích cực, trình độ đại học và trên đại học chiếm khoảng 12,3% (năm 2012). Tuy nhiên, số lượng lao động chưa qua đào tạo nghiệp vụ vẫn còn cao, trình độ ngoại ngữ còn rất thấp chưa đáp ứng đủ nhu cầu về chất lượng lao động mà các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp du lịch đặt ra. Sản phẩm du lịch của TP Cần Thơ nghèo nàn, chưa có sản phẩm du lịch đặc thù; việc quản lý bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa chưa phù hợp với phát triển du lịch; chương trình trọng tâm và các công trình trọng điểm về du lịch triển khai còn chậm so với yêu cầu; các cơ sở lưu trú du lịch đã và đang sử dụng phần lớn lao động chưa đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ; đội ngũ nhân viên phục vụ du lịch chưa đáp ứng tốt được nhu cầu phục vụ khách, đặc biệt là khách quốc tế; công tác đào tạo cán bộ công nhân viên mới chỉ được các doanh nghiệp lớn quan tâm đến. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch thời gian qua đã có nhiều cố gắng, hoạt động xúc tiến đã được triển khai toàn diện hơn, tuy nhiên vẫn ở trong phạm vi hẹp, công nghệ chưa cao, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được lợi ích của công tác xúc tiến quảng bá du lịch đối với sự nghiệp phát triển du lịch.

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, Quyết định điều chỉnh Quy hoạch phát triển du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng năm 2030 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 du lịch TP Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ, làm động lực thúc đẩy phát triển các ngành khác cũng như kinh tế - xã hội của toàn thành phố. Theo đó, phát triển không gian du lịch đi theo trục sông Hậu, dọc quốc lộ 1A và sông Cần Thơ, phát triển du lịch đô thị và các loại hình gắn với tính chất đô thị trung tâm vùng mức độ tăng trưởng trung bình của khách du lịch quốc tế là 10%/năm và khách du lịch nội địa 7%/năm. Đến năm 2020 tổng thu nhập du lịch đạt khoảng 172 triệu USD và năm 2030 đạt 606 triệu USD… Với phương án này, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành du lịch giai đoạn đến năm 2015 là 139,5 triệu USD; giai đoạn 2016-2020 là 280 triệu USD và giai đoạn 2021-2030 là 842,5 triệu USD… Đồng chí Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Ngành du lịch TP Cần Thơ muốn phát triển mạnh và bền vững thì quy hoạch cần phải sát với thực tế. Để phát huy được thế mạnh trong phát triển du lịch, cần nhận diện thực trạng yếu kém, hạn chế và có giải pháp khả thi nhằm khắc phục hạn chế, thúc đẩy ngành du lịch của thành phố phát triển.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết