28/08/2009 - 08:35

Phòng, chống dịch cúm A (H1N1) trong các trường học ở TP Cần Thơ

Cần phối hợp chặt chẽ giữa các ngành

Cúm A (H1N1) đã xuất hiện trong nhiều trường học ở các tỉnh, thành khiến một số trường học phải đóng cửa. Tại TP Cần Thơ, cúm A (H1N1) chưa xuất hiện trong trường học, nhưng qua đợt kiểm tra của Bộ Y tế cho thấy công tác phòng chống cúm của các trường học ở TP Cần Thơ vẫn còn nhiều lúng túng, bởi chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng.

Phòng, chống dịch: lúng túng!

Đại diện Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đang kiểm tra nước rửa tay cho học sinh tại khu nhà vệ sinh của Trường THCS Lê Bình. 

Trường THCS Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, hiện có trên 1.000 học sinh. Theo báo cáo của Ban Giám hiệu trường, sau khi nhận văn bản chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cái Răng, trường đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, với 11 thành viên. Trung tâm Y tế dự phòng quận Cái Răng đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cái Răng tập huấn phòng, chống dịch cúm A (H1N1) cho cán bộ, giáo viên trường. Trong những buổi sinh hoạt dưới cờ, Trường THCS Lê Bình tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho tất cả học sinh. Giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh cách giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt... và theo dõi sát tình hình sức khỏe của các em. Nếu học sinh có biểu hiện nóng, sốt, trường sẽ cách ly tạm thời. Cô Nguyễn Thị Hoàng Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Bình, cho biết: “Trường còn khó khăn về cơ sở vật chất nên phòng cách ly phải bố trí sát với phòng học. Khi có dịch xảy ra, trường sẽ làm rào chắn giữa phòng học và phòng cách ly”.

Thực tế, phòng cách ly là Phòng Y tế của trường. Trong phòng có 2 chiếc giường và cơ số thuốc thông thường... Nếu dịch cúm A (H1N1) xảy ra, Phòng Y tế trở thành phòng cách ly, vậy, Phòng Y tế của trường sẽ là phòng nào? Khi dịch cúm xảy ra, ai là người ra vào phòng cách ly và quần áo bảo hộ trang bị cho cán bộ ra sao?... Cô Nguyễn Thị Bích Liên, cán bộ y tế của Trường THCS Lê Bình, thừa nhận: “Phòng Y tế của trường chỉ có một số loại thuốc thông thường, nhiệt kế, khẩu trang... chứ chưa có thuốc phòng chống cúm, cũng như quần áo, vớ cách ly...”.

Ở một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ, công tác phòng, chống dịch cúm A (H1N1) vẫn còn lúng túng. Khu giảng đường, (nằm ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều) là 1 trong 3 cơ sở của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Ở đây, phòng cách ly là phòng sinh hoạt của giảng viên và chưa được dán bảng “Phòng cách ly”. Phòng vẫn chưa được trang bị những vật dụng cần thiết như: thuốc, khẩu trang, nhiệt kế, quần áo bảo hộ... Cô Trần Hoàng Ngôn, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cho biết: “Công tác phòng chống cúm A (H1N1) gặp khó khăn do sinh viên của trường học tập tại nhiều địa điểm”. Vòng quanh khu giảng đường, có rất ít áp-phích tuyên truyền phòng, chống dịch cúm A(H1N1). Ngay cả khu vệ sinh công cộng của khu giảng đường cũng không có xà phòng. Ông Bùi Đức Phong, Phó Chánh thanh tra, Bộ Y tế, đặt giả thuyết: “Nếu dịch xảy ra sẽ báo cho ai hay? sinh viên nhiễm cúm, ai sẽ là người chuyển bệnh nhân và người nào ra vào phòng cách ly? Đặc biệt, nếu dịch lớn xảy ra ai có chức năng quyết định cho trường tạm nghỉ học?”. Trước những câu hỏi này, hầu hết cán bộ của trường đều lúng túng. Ông Phạm Ngọc Thuần, Trưởng Phòng Tổ chức Hành chánh, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, nói: “Cán bộ trường chưa có kinh nghiệm trong phòng chống dịch cúm A (H1N1). Giảng viên của trường cũng chưa được tập huấn phòng, chống cúm”.

Qua kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A (H1N1) tại 6 điểm trường ở TP Cần Thơ trong 2 ngày 18 và 19-8-2009, ông Bùi Đức Phong, Phó Chánh thanh tra, Bộ Y tế, nhận xét: “Hầu hết các trường đều có sự chuẩn bị cho công tác phòng, chống cúm A (H1N1). Tuy nhiên, các trường còn lúng túng trong việc chuẩn bị phòng cách ly, thiếu các vật dụng thiết yếu như: xà bông, khẩu trang, thuốc, quần áo bảo hộ; chưa phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo...”. Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, việc chuẩn bị phòng cách ly chỉ mới dừng lại ở hình thức. Giáo viên của một số trường trực thuộc Trung ương vẫn chưa được tập huấn phòng chống cúm A (H1N1).

Cần phối hợp chặt chẽ hơn

 Ban Giám hiệu và cán bộ y tế Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều chuẩn bị phòng cách ly cho học sinh nếu có biểu hiện nóng, sốt, nhiễm cúm.
Ảnh: L. GIANG

Theo báo cáo của Sở Y tế TP Cần Thơ, ngành y tế đã chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng tăng cường công tác phòng, chống cúm A (H1N1). Cụ thể, đã dán 16.200 tờ áp-phích, phát 25.000 tờ rơi tuyên truyền cách phòng chống cúm. Ngành y tế cũng đã phối hợp với ngành giáo dục tập huấn phòng, chống cúm A (H1N1) cho cán bộ, giáo viên các trường. Tuy nhiên, bà Bùi Thị Lệ Phi, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cũng thừa nhận: “Việc tập huấn cho giáo viên chưa thực sự bao phủ toàn bộ các trường. Nguyên nhân là do ngành chưa nắm thông tin đầy đủ về trường học trên địa bàn”. Còn ông Hồ Văn Ngộ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho rằng: “Các trường không có chuyên môn về lĩnh vực y tế nên chuẩn bị phòng cách ly chưa đúng chuẩn. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của ngành y tế”. Ngành y tế TP Cần Thơ cũng kiến nghị Bộ Y tế nên hỗ trợ thêm cho ngành về chuyên môn, kinh phí để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch cúm A (H1N1).

Theo ông Bùi Đức Phong, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế, để hạn chế mức thấp nhất nguy cơ dịch cúm A (H1N1) xảy ra trong trường học, ngành y tế và ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền vận động phòng, chống dịch; tổ chức tập huấn cho giáo viên, học sinh, sinh viên của các trường đóng trên địa bàn. Mặt khác, nên chọn địa điểm tổ chức diễn tập phòng, chống cúm A (H1N1) để rút kinh nghiệm. Ông Bùi Đức Phong nhấn mạnh: “Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ cần tăng cường kiểm tra các trường trước và sau khai giảng năm học cho đến hết đại dịch cúm A (H1N1) ở Việt Nam. Trường nào chưa thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm trong trường học và tổng vệ sinh môi trường thì kiên quyết không cho khai giảng”.

Dịch cúm A (H1N1) đang là mối lo ngại của các bậc phụ huynh học sinh khi ngày khai giảng đã gần kề bởi trong môi trường học đường, dịch bệnh sẽ lan nhanh và gây ảnh hưởng mạnh mẽ. Ở TP Cần Thơ, dù chưa xuất hiện cúm trong trường học nhưng không thể chủ quan. Sự chuẩn bị vững vàng, chu đáo vừa là hành động tích cực phòng chống dịch bệnh, vừa tạo sự an tâm cho các bậc phụ huynh và học sinh khi bước vào năm học mới.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết