27/09/2014 - 15:54

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Cần làm gì để “hút” thí sinh vào học các ngành nông nghiệp?

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm nông nghiệp của nước ta nhưng nhiều năm qua, lượng thí sinh thi vào các ngành nông nghiệp ngày càng giảm. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Võ - Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ về vấn đề này.

* Thưa Giáo sư, thí sinh thi vào các ngành nông nghiệp đang giảm?

- Ngành nông nghiệp nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng đóng vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Hằng năm, ngành này đóng góp sản lượng lớn sản phẩm xuất khẩu và cung cấp cho nhu cầu thị trường trong nước. Thế nhưng, xu hướng học sinh chọn thi vào các ngành nông nghiệp ngày càng giảm qua các năm. Cụ thể, vào khoảng năm 1977 có nhiều thí sinh quan tâm, đăng ký thi vào học các ngành nông nghiệp ở một số trường đào tạo. Đến khoảng năm 1990, số lượng học sinh đăng ký ngày càng ít. Nếu so với với năm 1977 thì hiện nay, lượng học sinh thi vào ngành nông nghiệp giảm khoảng 20%. Ngành được các học sinh thi vào nhiều nhất là dược, luật và các ngành kinh tế.

* Tình trạng trên có phải do nhiều sinh viên ngành nông nghiệp ra trường không xin được việc làm hoặc không đáp ứng được nhu cầu nhà tuyển dụng, thưa giáo sư?

- Mấy năm gần đây, sinh viên mới ra trường được các công ty thuốc bảo vệ thực vật tuyển nhưng chủ yếu để làm trình dược viên. Các sinh viên này phải đi về vùng nông thôn bán thuốc, bán phân cho người dân. Sau một thời gian thì phía công ty loại ra bớt, chỉ có được vài người được tuyển dụng, số còn lại phải đi tìm công việc khác. Không xin được việc làm ở các đô thị, thành phố, một số sinh viên lại xin về công tác tại xã nhà nhưng lãnh đạo xã cũng ngại tuyển. Bởi chưa xác định được người này có thể giúp được gì cho địa phương phát triển không, nhất là về nông nghiệp. Hoặc một số nơi có tuyển nhưng trả lương rất thấp. Rất nhiều kỹ sư nông nghiệp về xã lãnh lương 1 triệu đồng/tháng. Các hợp tác xã các địa phương cũng không tuyển bởi quy định cán bộ nơi đây phải là nông dân.

Sinh viên các ngành nông nghiệp ra trường khó tìm được việc làm.

* Theo Giáo sư, những vấn đề trên có liên quan gì đến chất lượng đào tạo sinh viên ngành nông nghiệp không?

- Khoảng thời gian 1977 đến năm 1990, tôi còn tham gia giảng dạy ở Trường ĐH Cần Thơ thì các sinh viên đều được bố trí về các địa phương thực tập, viết đề tài khoa học, tiếp xúc với chính quyền nơi đó để tìm hiểu hoàn cảnh thực tế, đưa kiến thức mới đã học vào thực tiễn đồng ruộng. Theo đó, khi ra trường những em sinh viên này dễ xin được việc làm ở địa phương đó. Bây giờ, nhiều trường đã giảm bớt khâu thực tập cho sinh viên ở các địa phương, khi ra trường sinh viên vẫn còn ngỡ ngàng, không rành công việc và sợ đồng ruộng…

* Ngoài ra còn có nguyên nhân nào khác không, thưa Giáo sư?

- Vấn đề cốt lõi nữa là công tác hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông ở địa phương quá kém. Mặc dù có tài liệu hướng dẫn, phổ biến nhưng các thầy cô rất ít quan tâm thực hiện hoặc chỉ làm lấy lệ, chưa hướng được cho học sinh quê hương mình học ngành gì, lĩnh vực gì, sau này sẽ giúp được gì cho xã hội. Thí dụ, tình trạng trái cây đến mùa thu hoạch rộ thì rớt giá, người dân bán không có lời thì học sinh phải suy nghĩ tới cách phải làm sao bán được giá cao, sản phẩm làm ra phải có chất lượng, phải tập trung nghiên cứu thị trường, tìm đầu ra. Và để làm được như vậy, học sinh sẽ phải tự cố gắng học và phải học cho bằng được những ngành trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cần phải nói thêm rằng ngay bản thân phụ huynh cũng không muốn con em mình học các ngành nông nghiệp vì sợ con mình sau này nghèo như mình. Ít ai nghĩ rằng cho đi học ngành nông nghiệp để giúp địa phương vực dậy ngành nông nghiệp. Có lần tôi muốn cho sinh viên mình về tỉnh Cà Mau công tác lĩnh vực nông nghiệp thì phụ huynh đến nói không đồng ý.

* Theo Giáo sư, cần phải làm gì để thu hút thí sinh đăng ký học các ngành nông nghiệp?

- Theo tôi, ngoài khắc phục được những hạn chế mà tôi đề cập trên thì chương trình học của học sinh, sinh viên vẫn còn quá nặng, cần phải sửa đổi, không nhồi nhét mà phải được đơn giản hóa. Các giáo viên giảng dạy phải trau dồi thêm các kỹ năng giảng dạy cũng như kiến thức chuyên ngành. Phương pháp đào tạo của các viện, trường về nông nghiệp phải gắn thực tiễn với lý thuyết. Bên cạnh đó, Nhà nước phải thấy rằng 50 năm sau, thậm chí sau đó nữa thì ngành nông nghiệp vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người dân nông thôn. Vì vậy, cần có thêm những chính sách, đầu tư hợp lý, nhất là khâu đào tạo nhân lực.

* Xin cảm ơn Giáo sư!

MINH NGỌC (thực hiện)

Chia sẻ bài viết