10/05/2011 - 08:49

ĐÀO TẠO GIẢNG VIÊN Ở CÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG

Cần được đầu tư tương xứng

Giờ học thực hành của thầy trò Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Cần Thơ.

Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 (Nghị quyết 14) đã xác định, việc xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao là một trong những yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng toàn diện của bậc giáo dục đại học. Theo Nghị quyết này, Chính phủ cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020, ít nhất 60% giảng viên ở các cơ sở đào tạo bậc đại học phải đạt trình độ thạc sĩ và 35% đạt trình độ tiến sĩ. Là một trong những loại hình giáo dục bậc đại học, thời gian qua, các trường cao đẳng ở TP Cần Thơ đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc...

Nỗ lực xây dựng đội ngũ

Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, Trường Cao đẳng (CĐ) Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đã xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng viên đông về số lượng, mạnh về chất, nhất là ở lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật nông nghiệp. Nếu như năm 2008, chỉ có 20% trong tổng số 134 cán bộ, giảng viên (CB-GV) của trường có trình độ sau đại học, thì đến nay, đội ngũ CB-GV của trường đã phát triển lên 171 người, trong đó trên 60% CB-GV có trình độ sau đại học; đủ đáp ứng yêu cầu qui mô đào tạo hơn 6.000 sinh viên, học sinh của trường. Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, để đạt được kết quả trên, những năm qua, trường đã tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ về kinh phí, tạo điều kiện về thời gian... để khuyến khích CB-GV học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài ra, trường còn tranh thủ đề cử giảng viên tham gia một số chương trình, đề án đào tạo sau đại học của địa phương và Chính phủ, như: Đề án Cần Thơ 150, Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020, theo Quyết định 911/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã cho biết thêm, hiện nay, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật đang chuẩn bị nâng cấp thành trường đại học, tiêu chuẩn giảng viên có trình độ tiến sĩ ngày càng cấp thiết hơn để nâng cao chất lượng đào tạo.

Thời gian qua, Trường CĐ Nghề Cần Thơ cũng có nhiều nỗ lực để nâng cao trình độ đội ngũ CB-GV. Nếu như năm 2008, trường chỉ có hơn 50 giảng viên, trong đó chỉ có 7 giảng viên đang học sau đại học thì nay đã có 94 giảng viên, trong đó có 14 người đạt trình độ sau đại học, 8 người đang học sau đại học. Theo bà Sơn Thị Thanh Châu, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Cần Thơ, bên cạnh việc thường xuyên động viên, tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên tham gia các khóa học sau đại học, Ban Giám hiệu trường luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng thực tế của giảng viên, như: phối hợp với các cơ sở, xí nghiệp để tạo điều kiện cho giảng viên phụ trách lớp đi thực hành, thực tập. Qua đó, giúp giảng viên tiếp cận thực tế, bổ sung và điều chỉnh chương trình giảng dạy sát hợp hơn.

Không riêng hai trường trên, hầu hết các trường CĐ trên địa bàn TP Cần Thơ như: CĐ Cần Thơ, CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ (quận Ô Môn, TP Cần Thơ),... đều nỗ lực xây dựng đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Như Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, hiện có trên 140 CB-GV, trong đó có 2 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh, 47 người có trình độ thạc sĩ hoặc đang học cao học. Để động viên CB-GV học tập nâng cao trình độ, trường đề ra chính sách hỗ trợ 100% học phí, tài liệu và hỗ trợ một phần chi phí đi lại cho người đi học sau đại học, kể cả đối với những người mới về trường công tác. Sau khi học xong, trường sẽ bố trí công việc đúng chuyên ngành đã học. Cán bộ, giảng viên đi học vẫn được hưởng 100% lương; được xem xét thi đua hàng tháng, dựa trên năng suất làm việc...

Khó giải “bài toán” kinh phí

Hiện nay, phần lớn các chương trình học bổng sau đại học dành cho CB-GV các trường Đại học, Cao đẳng là từ nguồn hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, có một thực tế là phần lớn các học bổng này đều “ưu tiên” cho CB-GV các trường đại học, học viện; đa số CB-GV các trường cao đẳng đều phải tìm nguồn học bổng hoặc bằng kinh phí tự túc.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế-Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “So với mục tiêu chung của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra, hiện nay số CB-GV có trình độ thạc sĩ ở Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ đã vượt, nhưng tỷ lệ CB-GV có trình độ tiến sĩ vẫn còn thấp (chỉ có 5 người). Để đạt được các chỉ tiêu về trình độ CB-GV, trường sẽ tiếp tục động viên, tạo điều kiện cho CB-GV trẻ có năng lực học nghiên cứu sinh trong và ngoài nước”. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, hiện nay trường gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí hỗ trợ giảng viên đi học, do nguồn kinh phí dành cho đào tạo của trường hạn chế, trong khi thu nhập của giảng viên ở trường chỉ đáp ứng đủ cho cuộc sống, nên việc tự đầu tư học sau đại học - vốn rất tốn kém - khiến nhiều CB-GV gặp khó. Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã khẳng định, nếu không có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thì trường sẽ gặp khó trong mục tiêu phấn đấu trở thành Trường Đại học Kinh tế và Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ trước năm 2015. Bởi để đáp ứng yêu cầu phát triển, trường cần có trên 300 CB-GV (28 tiến sĩ và 212 thạc sĩ). Với 171 CB-GV hiện tại, trường cần có thêm trên 140 CB-GV.

Kinh phí đào tạo hạn chế cũng là nguyên nhân chính khiến thời gian qua, số lượng cán bộ đi học sau đại học tại Trường CĐ Nghề Cần Thơ khá “khiêm tốn”. Theo bà Sơn Thị Thanh Châu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trong số 7 giảng viên của trường đang học sau đại học, có 4 người đi học bằng kinh phí tự túc. Bà Châu đề xuất: “UBND TP Cần Thơ cần xem xét, hỗ trợ thêm chi phí đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy nghề... nhằm khuyến khích giảng viên, nhất là các giảng viên có năng lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn”. Đồng quan điểm này, Thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, bày tỏ: “Dù trường có nhiều ưu đãi cho những cán bộ đi học nhưng phần lớn cán bộ đi học vừa phải nỗ lực học tập và vừa linh động tìm nguồn chi phí riêng để phục vụ cho việc học. Do đó, để tạo động lực khuyến khích cho CB-GV học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cần có sự đầu tư tập trung của ngành giáo dục và chính quyền địa phương”.

* * *

Rõ ràng, việc nâng cao trình độ của đội ngũ CB-GV ở các trường Cao đẳng là cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục bậc đại học nói chung. Tuy nhiên, để đạt chuẩn theo Nghị quyết số 14 của Chính phủ, bên cạnh nỗ lực của bản thân các CB-GV, sự động viên, hỗ trợ của nhà trường, Nhà nước cần có sự đầu tư tương xứng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích CB-GV học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đào tạo trong giai đoạn mới.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết