Nguồn nhân lực y tế vùng ĐBSCL thiếu hụt trầm trọng là vấn đề thường xuyên được đặt ra tại các hội nghị liên quan đến đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL. Tại hội nghị trình bày đề án “Đào tạo bác sĩ đa khoa theo địa chỉ sử dụng cho miền Tây Nam bộ và các tỉnh lân cận” do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tổ chức tại TP Cần Thơ vào đầu tháng 5-2011, vấn đề này tiếp tục được một số đại biểu đề cập... Mặc dù các cấp, các ngành, các địa phương đã có nhiều cố gắng, triển khai thực hiện nhiều giải pháp, nhưng do nhiều nguyên nhân, nguồn nhân lực y tế vẫn đang hẫng hụt, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng ĐBSCL.
|
Sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ trong giờ thực hành tin học. Ảnh: B. NG |
Theo thống kê của Bộ Y tế, 13 tỉnh, thành ĐBSCL có hơn 1.500 phường, xã, thị trấn với khoảng 18 triệu dân, nhưng chỉ có 33 bác sĩ, 16 cử nhân điều dưỡng và 12 kỹ thuật y học/10 vạn dân, thấp hơn khoảng 2% so với bình quân chung của cả nước. Ông Trương Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: “Hiện tại, tỉnh Bến Tre thiếu rất nhiều bác sĩ. Hầu hết các trạm y tế ở các xã, thị trấn đã có bác sĩ, nhưng các phòng khám đa khoa, bệnh viện đa khoa tỉnh vẫn còn thiếu bác sĩ. Nếu chuyển các bác sĩ tuyến dưới về để lấp đầy các nơi này thì các trạm y tế không có bác sĩ. Trong khi đó, muốn tuyển thêm cũng khó khăn, vì không có nguồn tuyển”. Đây cũng là một thực tế chung mà nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đang gặp phải. Một số địa phương chẳng những không tuyển thêm được người mới, mà còn rơi vào tình trạng mất người cũ. Ông Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An chia sẻ: “Hiện tại tỉnh Long An chỉ đạt 4,8 bác sĩ/ 1 vạn dân, thấp hơn tỷ lệ bình quân của cả nước hơn 2%. Hằng năm, số lượng học sinh trúng tuyển vào trường y hoặc ra trường thường thấp hơn tỷ lệ bác sĩ nghỉ hưu, chuyển ra mở phòng khám tư, hay “đầu quân” về các bệnh viện tư,... Vì vậy, tình hình thiếu bác sĩ của tỉnh ngày càng trầm trọng. Để đạt chỉ tiêu 8 bác sĩ/ 1 vạn dân vào năm 2020, toàn tỉnh Long An cần thêm 350 bác sĩ. Thế nhưng, để có được số lượng bác sĩ này là điều không dễ thực hiện”. TP Cần Thơ là đơn vị có số bác sĩ bình quân trên vạn dân nhiều nhất trong các tỉnh, thành ĐBSCL, nhưng cũng chỉ đạt 6,4 bác sĩ/ 1 vạn dân. Trong khi đó, tỉnh Vĩnh Long chỉ đạt 4,9 bác sĩ/ 1 vạn dân... Ở nhiều địa phương, lực lượng bác sĩ tuyến cơ sở đang thiếu trầm trọng. Ở tỉnh An Giang hiện nay chỉ có hơn 70% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ, còn ở tỉnh Kiên Giang tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 60%... Tại tỉnh Tiền Giang, mấy năm trước, tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu 100% trạm y tế có bác sĩ. Thế nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ của tỉnh Tiền Giang chỉ còn 86%.
Những năm gần đây, các tỉnh, thành ĐBSCL rất nỗ lực trong công tác xây dựng và nâng cao chất lượng nhân lực y tế để phục vụ tốt hơn cho người dân. Từ năm 2003 đến nay, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã đào tạo khoảng 13 ngàn bác sĩ, dược sĩ cho các tỉnh, thành ĐBSCL. Các cơ sở đào tạo y dược ở ĐBSCL cũng đã phối hợp mở các lớp chuyên tu đào tạo hàng ngàn bác sĩ, dược sĩ... bổ sung cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nguồn nhân lực y tế vẫn tiếp diễn. Theo thống kê sơ bộ, thực hiện Quyết định 153 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, đến năm 2013, các, tỉnh, thành ĐBSCL cần 3.398 bác sĩ, hơn 1.670 dược sĩ đại học, 4.173 cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học và cử nhân y tế cộng đồng, khoảng 2.000 bác sĩ chuyên khoa I, II.... Tuy nhiên, để đạt các con số trên là điều không dễ dàng nếu không có quyết sách mạnh mẽ. Ông Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nói: “Để nâng cao việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, tỉnh đang thực hiện đề án đào tạo bác sĩ đến năm 2015. Thế nhưng, đề án thực sự đang gặp khó bởi thiếu ứng viên và không có nơi học”.
Thực tế là ĐBSCL có đến 18 triệu dân nhưng chỉ có 14 cơ sở đào tạo y dược, trong đó, chỉ có 1 trường đại học y dược là Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (được thành lập năm 2002) có trách nhiệm đào tạo nhân lực y tế cho toàn vùng. Vì vậy, hằng năm số lượng bác sĩ tốt nghiệp chính qui trở về phục vụ ở địa phương rất hạn chế. Có tỉnh chỉ có vài bác sĩ về nhận công tác ở địa phương. Trong khi đó, số lượng bác sĩ nghỉ hưu, chuyển công tác, nghỉ việc... cao hơn. Đào tạo thì ít, nhu cầu thì nhiều, trong khi việc “chảy máu chất xám” đang diễn ra ngày một trầm trọng khi các bệnh viện tư được mở. Vì vậy, các bệnh viện đa khoa của các tỉnh đang thiếu trầm trọng bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa. Do đó, có tỉnh số lượng nhận mới thấp hơn nhiều lần số hồ sơ xin thôi việc.
Theo cán bộ quản lý y tế ở một số tỉnh, thành, để giải quyết tình trạng thiếu hụt trên, các bộ ngành liên quan cần phối hợp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, như: tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, đa dạng hóa loại hình đào tạo, trung cấp, liên thông, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, mở rộng chế độ cử tuyển đối với hệ đào tạo 4 năm... Tuy nhiên, thực tế, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ không tăng đủ so với nhu cầu. Chẳng hạn, năm 2010, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ xin chỉ tiêu tuyển 850 sinh viên, nhưng chỉ được Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt 800 sinh viên. Năm 2011, trường được duyệt chỉ tiêu tuyển 900 sinh viên, tăng 50 sinh viên so với năm 2010. Số lượng tăng thêm này thấp hơn rất nhiều lần so với nhu cầu đào tạo mà các tỉnh, thành ĐBSCL đề nghị.
Mặc dù có nhiều giải pháp được đưa ra tại các Hội nghị y tế ĐBSCL nhằm nâng cao nguồn nhân lực y tế ĐBSCL, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân, nhưng đến nay, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế vẫn không cải thiện, thậm chí còn trầm trọng hơn do tình trạng “chảy máu chất xám” ngày càng tăng. Làm thế nào để xây dựng nguồn nhân lực y tế đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng để phục vụ người dân ĐBSCL là một trong những vấn đề cấp bách ở các tỉnh, thành ĐBSCL rất cần được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan quan tâm giải quyết.
HÀ THANH