01/08/2012 - 09:07

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Cần chính sách, mô hình phát triển các sản phẩm trọng điểm

Vừa qua, tại tỉnh An Giang, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị về chính sách và mô hình phát triển các sản phẩm trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hội nghị này nhằm định hướng phát triển sản xuất cho toàn vùng cùng với việc hoạch định những mặt hàng chủ lực để hướng đến xuất khẩu bền vững cho giai đoạn tiếp theo…

NHIỀU KIẾN NGHỊ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH TRỌNG ĐIỂM

Cá tra xuất khẩu được xem là mặt hàng chủ lực nhưng vẫn rơi vào tình trạng giá cả bấp bênh. 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa vùng ĐBSCL năm 2012 dự kiến đạt khoảng 23,48 triệu tấn. Diện tích nuôi tôm nước mặn, lợ trong vùng là 614.814 ha, tương đương năm trước. Năm nay, do gặp nhiều khó khăn về thời tiết, tôm chết nhiều nhưng toàn vùng đã thu hoạch được 375.921 ha, sản lượng tôm nuôi đạt 101.266 tấn. Diện tích nuôi cá tra toàn vùng đạt khoảng 3.892 ha, diện tích đã thu hoạch trên 1.612 ha, đạt sản lượng 510.000 tấn, năng suất bình quân đạt 316 tấn/ha, giá cá tra đang dao động ở mức từ 23.000 đồng đến 25.000 đồng/kg...

Tại Hội nghị, hàng loạt các chính sách, giải pháp phát triển các sản phẩm trọng điểm vùng ĐBSCL đã được lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL kiến nghị. Điển hình như: Các chính sách hỗ trợ, tăng cường liên kết đối với sản xuất lúa và một số mặt hàng nông sản, thủy sản. Đối với cây lúa, tập trung giải quyết vấn đề nước tưới. Hỗ trợ kinh phí củng cố đê bao sản xuất lúa vụ thu đông. Cần áp dụng chính sách hỗ trợ tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo hướng tăng mức vốn vay. Về xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nhiều địa phương cho rằng ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư 100% kênh mương cấp 1, cấp 2, hỗ trợ 50% giống lúa cho một vụ đầu; hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư máy nông nghiệp, hệ thống sấy lúa; hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, huấn luyện nông dân các kỹ năng sản xuất và phối hợp tiêu thụ sản phẩm. Về chính sách, Nhà nước cần ban hành văn bản ràng buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng ít nhất một vùng nguyên liệu đảm bảo đủ lượng lúa cung cấp ít nhất 15% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng.

Hầu hết các địa phương đều thống nhất quan điểm cần phải phát triển các mô hình liên kết sản xuất giữa hộ nông dân, các tổ chức hợp tác như hợp tác xã với các thành phần kinh tế  ở nông thôn trong vùng. Với hai sản phẩm chủ lực của vùng là lúa và cá, nếu thực hiện đúng với tinh thần liên kết, điển hình là liên kết sản xuất, tiêu thụ gạo chất lượng cao của Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang hay mô hình nuôi bò sữa ở tỉnh Sóc Trăng, mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất cá tra, sản xuất rau màu xuất khẩu ở An Giang... sẽ giúp tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thúc đẩy xây dựng các tiêu chí nông thôn mới, tạo điều kiện để phát triển bền vững các sản phẩm trọng điểm ĐBSCL.

KHÔNG ĐỂ TÌNH TRẠNG TỰ PHÁT

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: Duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế nói chung là nỗ lực vượt bậc của các tỉnh ĐBSCL. Trong đó, đóng góp 2 tỉ USD, góp phần an sinh xã hội, giúp cho khoảng 70% hộ dân ổn định cuộc sống có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đảng, Nhà nước mong muốn có các chính sách để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhanh và bền vững. Các cơ chế chính sách đã ban hành đã và đang phát huy tác dụng, nhưng cũng cần tiếp tục nghiên cứu để thúc đẩy phát triển. Các mục tiêu nêu ra cần phải điều chỉnh, phát huy lợi thế và góp phần hạn chế khó khăn của vùng... Các ngành hữu quan cần tiếp tục nghiên cứu chính sách, lựa chọn các sản phẩm trọng điểm của vùng, của quốc gia; cần có tiêu chí cụ thể cho các sản phẩm cụ thể của vùng ĐBSCL. Trên cơ sở đó, các địa phương có quy hoạch cụ thể từng địa bàn, không nên để tình trạng tự phát. Song song đó, phải tổ chức lại sản xuất, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức lại sản xuất cho nông dân. Đặc biệt, quan tâm tổ chức lại các công ty, các mô hình hợp tác, các nhà khoa học nghiên cứu các sản phẩm để có cơ chế chính sách cụ thể, xử lý ngay, nhanh chóng đảm bảo các cơ chế hợp lý cho chăn nuôi thủy sản, nhất là cá tra, basa xuất khẩu. Về lâu dài, cần nghiên cứu bổ sung các cơ chế chính sách trong nền kinh tế thị trường có vai trò hỗ trợ của Nhà nước trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người dân...

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, vấn đề dịch vụ đầu vào của nông dân, cung ứng đầu vào sản xuất mà cao hơn là truy xuất được nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp như một số mô hình đã làm của Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang rất cần được nghiên cứu, phát huy. Vấn đề dự trữ, xây dựng kho dự trữ lúa gạo cũng cần tổng hợp lại. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Chúng ta cần xác định Nhà nước hỗ trợ cái gì cho nông dân về hạ tầng, phải nắm  lại cụ thể. Doanh nghiệp làm cái gì, phải có quy chế cụ thể, tránh tình trạng bất cập nảy sinh trong quá trình liên kết doanh nghiệp và nông dân. Xác định vai trò của các hiệp hội để có thể đại diện cho người dân. Vấn đề liên kết vùng cực kỳ quan trọng. Liên kết vùng này với vùng khác, vừa giải quyết được đầu vào, đầu ra cho sản phẩm của người nông dân vừa xử lý được các vấn đề rủi ro cho người dân, như vấn đề tôm chết, chia sẻ rủi ro cho nông dân trong thiên tai, bão lũ... phải bảo đảm quyền lợi cho bà con nông dân và địa phương. Việc chuyển dịch đất lúa sang cây trồng khác để tăng hiệu quả kinh tế của các địa phương, phù hợp với điều kiện địa phương cũng cần xem xét thấu đáo.

Bài, ảnh: NGUYỄN HUỲNH

Chia sẻ bài viết