Chăm sóc con cái, đóng góp tài chính, làm việc nhà... là những vấn đề thường nhật mà các cặp vợ chồng phải xử lý và nếu không khéo thì rất dễ dẫn đến mâu thuẫn. Mỗi nhà mỗi cảnh, tùy vào đặc thù công việc, thu nhập, vợ chồng cần có sự thông cảm, hỗ trợ nhau để cùng chung lo cho mái ấm.
Chị Thảo Phương ở quận Bình Thủy, có 2 con gái, cháu lớn học lớp 8, cháu nhỏ học lớp 5. Chị Phương làm việc theo giờ hành chính, chồng chị làm trong lĩnh vực tổ chức sự kiện nên khá thoải mái về giờ giấc. Vợ chồng chị Phương chia nhau mỗi người lo 1 đứa con, bao gồm đưa rước đi học và các khoản chi tiêu trong tháng. Về phần chung của gia đình thì mỗi người đóng góp khoảng 20% thu nhập của mình, sau khi trừ chi phí nuôi con, còn lại chi xài cá nhân. Thu nhập của chị Phương ổn định, còn chồng chị thì thu nhập trồi sụt theo thời vụ và khả năng làm nhiều hay ít nên đôi lúc thiếu hụt.
Biết chồng có khó khăn riêng, chị Phương hay hỏi thăm để hỗ trợ kịp thời, sẵn sàng chi viện khi cần. Bù lại, những lúc không đi công tác, chồng chị Phương đưa rước luôn 2 con, tranh thủ về nhà sớm nấu cơm để vợ có thêm thời gian nghỉ ngơi. Khi chồng đi công tác dài ngày, chị Phương cũng đảm đương mọi việc. Chị Phương cho biết: “Nói là phân công nhưng gia đình là chung, ai rảnh thì làm việc nhà, chăm sóc, dạy con học, không câu nệ đóng góp ít nhiều. Những vấn đề phát sinh như áp lực công việc, tài chính, học hành, nuôi dạy con… chúng tôi đều trao đổi, tìm cách sắp xếp. Thấy tôi biết cảm thông, không quản ngại vất vả, chồng rất vui, thương vợ con hơn”.
Chị Kim Ngọc công tác trong một công ty chế biến thực phẩm ở Cần Thơ, chia sẻ kinh nghiệm: “Lúc mới cưới, chồng tôi vẫn còn ham chơi, nhậu nhẹt ban đêm. Sau khi có 2 con, ra riêng, tôi thỏa thuận công việc và yêu cầu chồng cùng thực hiện. Khi chồng chưa làm tốt, tôi nhẹ nhàng góp ý và hướng chồng vào nền nếp sinh hoạt chung của gia đình. Sau giờ làm ai chẳng muốn nghỉ ngơi, nếu vợ chồng cùng làm thì nhanh hơn, có thêm thời gian dành cho nhau”.
Buổi sáng chồng chị Ngọc thường đi tập thể dục nên sẵn ghé chợ mua thức ăn về sơ chế, chị lo đưa con gái nhỏ đi học, con lớn tự đi vì trường gần nhà. Cũng nhờ sự sẻ chia trách nhiệm này mà mỗi lần chị Ngọc đi công tác, mấy cha con không bị động trong việc ăn uống, học hành. Về phần tài chính, chồng chị Ngọc tự nguyện góp 80% chi phí sinh hoạt. Thấy chồng chu đáo, biết lo, chị Ngọc lấy tiền gởi tiết kiệm làm quỹ dự phòng, mua bảo hiểm cho các con… Khi chồng cần tiền làm ăn đột xuất, chị hỗ trợ. Mọi chuyện vợ chồng đều có sự bàn bạc nên gia đình luôn thuận hòa.
Không phải vợ chồng nào cũng tìm được tiếng nói chung, có sự thông cảm trong gánh vác trách nhiệm. Có những trường hợp quá cứng nhắc, rạch ròi, đối phương không đáp ứng theo yêu cầu thì trách móc, coi thường, nên phát sinh nhiều hệ lụy.
Nhờ sự hậu thuẫn của má chồng, vợ chồng chị T ở quận Cái Răng đã làm lành với nhau. Mấy tháng nay, hai người giận hờn, ít khi nói chuyện, cần trao đổi thì nhắn tin hoặc thông qua con cái. Mọi việc bắt đầu từ khi chồng chị T thất nghiệp, ông chủ thầu xây dựng tuyên bố phá sản, nợ 5 tháng tiền lương. Trước đây, chồng chị T có thu nhập khá, chia đôi các khoản chi phí sinh hoạt với vợ và điều này chị T cũng giao ước khi về sống chung. Ngoài ra, chị T phân chia cụ thể việc nhà, phần ai nấy làm. Thấy chồng chưa tìm được việc làm, đóng góp tiền ít thì chị T phân thêm những việc khác vì cho rằng mình góp tiền nhiều hơn thì làm việc nhà ít hơn.
Vậy nên, mỗi khi làm việc gì mà đó là việc của chồng, chị T rất bực bội, nặng nhẹ chồng lười biếng, trốn tránh nghĩa vụ. Những cuộc cãi vã, xung đột do mâu thuẫn kéo dài từ chuyện tắm cho con, phơi quần áo, dọn dẹp nhà cửa… Thấy thái độ của vợ ngày càng quá quắt nên chồng chị T bất mãn, thường về nhà mẹ ruột ăn cơm. Đến khi má chồng kêu nói chuyện, phân tích thiệt hơn thì chị T mới hiểu nỗi khổ tâm, mặc cảm của chồng. Trong giai đoạn khó khăn, đáng lẽ chị T cần làm điểm tựa, giúp chồng vượt qua thì chị T lại đòi hỏi sự công bằng, hơn thua mà vô tình đẩy chồng xa mình.
Sau cuộc đối thoại thẳng thắn, đôi bên nói hết những gút mắc trong lòng, chị T bắt đầu sửa đổi. Chị không phân bì, bỏ suy nghĩ “việc ai người đó làm” và quan tâm hỏi han, đỡ đần, nhờ người quen tìm việc phụ chồng… Đáp lại, chồng chị T cũng tự giác làm nhiều việc nhà hơn vì biết vợ đang gánh áp lực về kinh tế. Để lấy ngắn nuôi dài, chồng chị T nhận giao hàng cho người quen, từ từ tìm việc phù hợp chuyên môn. Mặc dù vất vả nhưng vợ chồng đã cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm hơn…
Hôn nhân là một quãng đường dài, đòi hỏi người trong cuộc phải thật sự trân trọng, nỗ lực vun đắp mới có thể song hành cùng nhau một cách trọn vẹn. Trong quá trình chung sống, hãy mở lòng lắng nghe, quan tâm giúp đỡ, cùng nhau san sẻ trách nhiệm. Vợ chồng có sự thấu hiểu, cảm thông sẽ vừa nhẹ bớt gánh nặng, lại vừa thương nhau hơn…
Bài, ảnh: KIỀU CHINH