25/06/2014 - 22:21

Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói

Cách tổ chức hỗ trợ sản xuất hiệu quả

Ra đời từ tháng 6 năm 2013 đến nay, tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói ở ấp 9, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đã giúp hàng chục người dân có việc làm ổn định, hỗ trợ hàng trăm hộ nông dân sản xuất lúa được thuận lợi và hiệu quả hơn. Mô hình này đã được chính quyền địa phương đánh giá cao.

* Hoạt động bài bản

"Theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long và chính quyền địa phương, năm 2011, ấp 9 triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn, diện tích khoảng 50ha. Tuy nhiên, việc triển khai này gặp không ít khó khăn do bà con nông dân còn làm theo hình thức riêng lẻ, từ khi gieo sạ đến thu hoạch đều mạnh ai nấy làm nên tôi mới nghĩ ra cách thành lập tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói. Với sự hỗ trợ của tổ chúng tôi, mô hình cánh đồng mẫu lớn của ấp gặp rất nhiều thuận lợi và thành công", ông Nguyễn Văn Trọng, Trưởng ban nhân dân ấp 9, kiêm tổ trưởng Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói, chia sẻ.

Thành viên Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói đang kiểm tra máy sấy lúa.

Để thành lập được Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói, ông Trọng và một số thành viên trong Ban Nhân dân ấp 9 phải đi điều tra các loại máy phục vụ cho sản xuất lúa sẵn có trên địa bàn như máy gặt đập liên hợp, máy xới, máy sạ hàng,… Nhóm của ông Trọng tiến hành điều tra luôn những hộ người nghèo, có ít diện tích sản xuất thường đi làm thuê kiếm sống để thống kê, mời gọi tham gia vào tổ. Sau đó, ông xin phép UBND xã, Phòng NN&PTNT huyện cho thành lập tổ và đề ra quy chế hoạt động cụ thể.

Hiện nay, tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói có 4 đội với 66 thành viên. Cụ thể: Đội 1 là đội làm đất có nhiệm vụ quản lý 6 máy (xới, trục) làm đất cho người dân trước khi gieo sạ, tuân thủ theo kế hoạch xuống giống của chính quyền địa phương. Đội 2 là đội thu hoạch lúa, chủ yếu sử dụng 7 máy gặt đập liên hợp để gặt lúa cho người dân. Đội 3 là đội chuyên đi gieo sạ, bốc, vận chuyển lúa. Đội cuối cùng là đội lúa giống, có nhiệm vụ ủ giống, cấy, khử lẫn, sấy, phun thuốc, phân, điều tiết nước, sấy và đóng bao.

Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết: "Để làm tốt công việc, chúng tôi thường chủ động liên hệ trước với khu vực có nhu cầu. Sau đó ước lượng số người và số máy để điều đi. Thí dụ: Khu vực có 300.000m2, chúng tôi sẽ điều 4 máy gặt đập liên hợp và 10 người phụ giúp. Những người đảm nhiệm khu vực nào thì phải làm hết khu vực đó, có bàn giao cho chủ đất khi làm xong. Sau khi xong việc sẽ báo về cho ban điều hành biết để được tiếp tục phân công".

* Giúp người dân tăng thêm thu nhập

Thành viên tham gia Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói ở ấp 9, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long có thu nhập khá và ổn định, trung bình mỗi người có được 100.000 – 150.000 đồng/ngày. Ông Nguyễn Thanh Hải ngụ ấp 9, thành viên trong tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói, cho biết: "Trước đây, gia đình tôi có hoàn cảnh rất khó khăn vì chỉ có 2.000m2 đất nông nghiệp và có đến 2 đứa con đi học. Nhờ tham gia tổ dịch vụ này và được anh em nhiệt tình giúp đỡ, thu nhập của tôi cũng tăng thêm khoảng 3 triệu đồng/tháng. Tôi cũng mua xe, tạo điều kiện tốt để 2 con tôi đến trường". Không chỉ vậy, ông Nguyễn Văn Trọng, tổ trưởng Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói, cho biết: "Đến với tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói này, người dân trồng lúa rất khỏe. Nếu có 4ha trồng lúa, một người phụ nữ cũng có thể làm được. Bởi người phụ nữ này chỉ việc trông coi, thăm đồng thường xuyên còn những việc nặng nhọc khác thì sẽ có người trong tổ chúng tôi làm hết với giá cả phải chăng". Với việc phân công, phân nhiệm một cách bài bản, Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói được nhiều người dân tín nhiệm. Vì vậy, những đội trong tổ không những hoạt động ở trong ấp mà còn đến các địa phương lân cận, kể cả tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng để hỗ trợ người dân trong sản xuất lúa.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, cho biết: "Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói do ông Nguyễn Văn Trọng làm tổ trưởng, điều hành rất tốt và được người dân tin tưởng. Chúng tôi thấy mô hình có hiệu quả, giúp ích rất nhiều cho việc sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn ở ấp 9 và các ấp lân cận. Nếu không có gì thay đổi, thời gian tới tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói này sẽ được mở rộng thêm về quy mô và lực lượng sản xuất". Ông Lâm Văn Chánh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tam Bình nhận định: "Chúng tôi đã biết nhiều về Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói của ông Trọng. Do có hiệu quả nên một số địa phương khác cũng tìm đến tổ này để học hỏi kinh nghiệm. Các thành viên trong tổ cũng đồng lòng giúp đỡ. Hình thức tổ chức sản xuất này giải quyết được số lượng lớn lao động nhàn rỗi tại địa phương, giúp thành viên trong tổ dần dần vươn lên thoát nghèo, giúp tình làng nghĩa xóm ngày càng khắn khít hơn…".

Bài, ảnh: MINH NGỌC

Chia sẻ bài viết