21/10/2013 - 22:06

TUYỂN SINH NĂM 2013

Các trường trung cấp chuyên nghiệp “lao đao”

Đến thời điểm này, hầu như công tác tuyển sinh năm 2013 ở các cơ sở giáo dục gần như hoàn tất. Thế nhưng,"câu chuyện" tuyển sinh ở các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) ở TP Cần Thơ vẫn chưa đến hồi kết, bởi nguồn tuyển sinh vào khá chật vật, thậm chí, một số ngành buộc phải đóng cửa. Nguyên nhân vì sao?

Ông Trần Văn Lực, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Trung cấp (TC) Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: "Từ khi thành lập đến nay, trong lịch sử tuyển sinh, năm nay là khó khăn nhất. Bởi vì, chỉ tiêu năm 2013 là 600 học sinh nhưng đến nay chỉ tuyển được 40 em vào 6 ngành (công nghệ thông tin, kế toán doanh nghiệp, quản trị hệ thống, bảo trì và sửa chữa ô tô, xây dựng dân dụng và công nghiệp, tài chính - ngân hàng)". Thành lập từ năm 2011, Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ có 3 cơ sở hoạt động, với qui mô đào tạo hơn 300 học sinh hệ chính quy. Theo ông Lực, khóa I, trường có 183 học sinh, khóa II có 138 học sinh. Mặc dù, số lượng tuyển sinh không nhiều nhưng đảm bảo mở được lớp học. Song, với tình hình tuyển sinh năm nay, có khả năng trường sẽ khó mở được lớp học.

Không chỉ riêng Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, hầu như các trường TCCN trên địa bàn TP Cần Thơ đều "rơi" vào tình trạng tương tự. Ghi nhận tại các cơ sở giáo dục TCCN ở TP Cần Thơ, tình trạng thí sinh nhập học chỉ chiếm 40% - 50%. Năm 2013, Trường TC Du lịch Cần Thơ có hơn 160 học sinh trúng tuyển khóa 6 nhưng đến nay chỉ có hơn 100 học sinh làm thủ tục nhập học, chiếm chưa đến 50% tổng chỉ tiêu. Còn theo bà Trần Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường TC Miền Tây, tình hình tuyển sinh năm nay khó khăn rất nhiều so với những năm trước. Trường sẽ tiếp tục tuyển sinh đến cuối năm 2013.

Nếu không có giải pháp lâu dài và căn cơ sẽ khiến các trường TCCN ngày càng "vắng bóng" thí sinh. Trong ảnh: Một góc Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, tình hình tuyển sinh của các trường TCCN ở TP Cần Thơ nói riêng và một số tỉnh, thành khác gặp khó khăn. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2012, cả nước có hơn 590 cơ sở giáo dục (chưa kể các trường quân sự tỉnh) được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ TCCN (trên 374 ngàn chỉ tiêu). Có gần 450 ngàn thí sinh đăng ký dự tuyển vào TCCN; kết quả, có trên 359 ngàn thí sinh trúng tuyển (đạt 90,8%) nhưng số thí sinh đến nhập học chiếm khoảng 60%. Cuối tháng 5-2013, tại TP Cần Thơ, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tuyển sinh, ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD&ĐT, đã thừa nhận tình trạng này. Ông Nghệ nói: "Công tác tuyển sinh TCCN năm 2012 còn một số hạn chế; trong đó, có việc nhiều trường không tuyển đủ thí sinh so với chỉ tiêu, tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, thời gian tuyển sinh phải kéo dài nhưng hiệu quả thấp. Phần lớn các trường đều tuyển không "hết suất" chỉ tiêu mà Bộ GD&ĐT giao, nhất là ở các trường tư thục, văn hóa nghệ thuật hoặc các trường đào tạo lĩnh vực nông – lâm - ngư…".

TP Cần Thơ hiện có 11 trường TCCN (2 trường TCCN Trung ương, 9 trường TCCN địa phương); trong đó có 7 trường tư thục. Qui mô hiện nay của các trường hơn 22.900 học sinh chính quy và vừa làm vừa học...

Lý giải tình trạng trên, theo các nhà quản lý giáo dục, nguyên nhân chính là do thí sinh "chuộng" học đại học nên sẵn sàng học TCCN hoặc cao đẳng của một trường đại học (kể cả đại học tư thục). Đó là trường hợp của bạn Trần Quang Nhân (huyện Cờ Đỏ). Kỳ thi tuyển sinh năm 2013 vừa qua, Nhân thi vào Trường Đại học Cần Thơ nhưng không trúng tuyển, bởi điểm số quá thấp. Gia đình khuyên Nhân nên học nghề hoặc TCCN, phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế gia đình. Thế nhưng, Nhân thà luyện thi đại học hoặc theo học trung cấp của một trường đại học, chớ nhất quyết không học nghề hay TCCN. Bạn Nhân lý giải: "Học đại học, ra trường, tôi hưởng mức lương cao hơn. Còn không thì học trung cấp hay cao đẳng của một trường đại học, bởi sau khi tốt nghiệp, tôi có thể liên thông lên cao đẳng, đại học". Tâm lý này, không chỉ của riêng Nhân mà của đa số bạn trẻ và gia đình.

Theo ông Trần Văn Lực, tâm lý học sinh muốn vào đại học là phổ biến, bởi mức lương bậc học TCCN thấp so với đại học. Khía cạnh khác, TP Cần Thơ có nhiều trường TCCN và một số trường đại học, cao đẳng có đào tạo TCCN nên khó tránh tình trạng "dòng chảy" thí sinh đổ về các cơ sở giáo dục đại học ngày càng nhiều; trong khi đó, những năm gần đây, nguồn tuyển sinh đã ổn định và gần như bão hòa. Vì thế, khiến các trường "đàn em" TCCN vốn dĩ đã khó nay càng khó hơn, khi tìm nguồn tuyển. Ông Lực nói: "Chính sách hỗ trợ phân luồng và giáo dục nghề nghiệp của Trung ương và địa phương chưa được chú trọng, đội ngũ cán bộ làm công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông hạn chế… Mới đây, Thông tư 55 về quy định đào tạo liên thông, đã "siết" lại đầu vào bậc học cao hơn nên khiến học sinh càng xa rời bậc học TCCN… Để khắc phục khó khăn trên, Bộ GD&ĐT đã có nhiều giải pháp để "cứu" các trường, qua việc siết chỉ tiêu ở các trường đại học, cao đẳng nhưng xem ra cũng không thể "cứu" được".

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, TCCN được xem là bậc học quan trọng, không chỉ cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội mà còn góp phần phân luồng hiệu quả học sinh sau tốt nghiệp phổ thông. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan đã làm bậc học này ngày càng "lao đao, lận đận". Và nếu không có chính sách đột phá từ Trung ương và địa phương cho bậc học này, vô hình trung khiến "luồng" học sinh sau tốt nghiệp phổ thông vào TCCN ngày càng ít dần, tình trạng "chợ chiều" ở các trường TCCN sẽ khó khắc phục một sớm, một chiều vào mỗi mùa tuyển sinh.

Bài, ảnh: BÍCH KIÊN

 

Chia sẻ bài viết