02/11/2010 - 07:50

Các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Ninh Thuận tiếp tục đối phó với lũ và thời tiết nguy hiểm

* Thiên tai làm 173 người chết và thiệt hại 8.500 tỉ đồng

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận: Từ ngày 31-10 đến rạng sáng 1-11, các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận có mưa to đến rất to, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như Đồng Trăng (Khánh Hòa) 189mm, Nha Trang (Khánh Hòa) 164mm, Cam Ranh (Khánh Hòa) 189mm, Tân Mỹ (Ninh Thuận) 269mm. Tính đến ngày 1-11, mưa lũ đã làm 3 người chết (Khánh Hòa); 2 người mất tích (Phú Yên 1 người, Ninh Thuận 1 người). Có 453 nhà bị sập đổ (Khánh Hòa 450 nhà, Ninh Thuận 3 nhà), 114 nhà bị ngập, tốc mái (Khánh Hòa 1 nhà, Ninh Thuận 113 nhà). Diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập, hư hại là 5.961ha (Khánh Hòa: 528ha, Ninh Thuận: 5.433ha).

Tỉnh Bình Định có tàu BĐ 50377-TS (với 10 ngư dân) bị hỏng máy tại vùng biển Trường Sa hiện đã liên lạc được và đang neo đậu. Tàu BĐ96247-TS (với 8 ngư dân) bị gẫy lái trôi dạt ra vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), đã cứu hộ được 7 người, 1 người đã tìm được thi thể. Tàu BĐ 30462 gãy chân vịt ở tọa độ 9,5 độ vĩ bắc 107,3 độ kinh đông hiện đang liên lạc với trực canh Biên phòng Vũng Tàu. Khánh Hòa có 1 tàu bị đánh chìm ở cầu Bóng. Tại Ninh Thuận trôi 1 xà lan của Hàn Quốc đang neo đậu tại cảng cá Đông Hải. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 2 tàu bị nạn (BV5696 và BV0033) với 23 lao động ở khu vực cách Vũng Tàu khoảng 12 hải lý. Các tàu này đã được cứu nạn, nhưng còn 1 thuyền viên mất tích.

Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương thường xuyên thông báo tình hình thời tiết nguy hiểm, diễn biến lũ để các tỉnh tổ chức theo dõi, chủ động tham mưu và chỉ đạo các biện pháp phòng tránh. Trong đó nhấn mạnh việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, tổ chức lực lượng cứu hộ tại chỗ (cần triển khai đến tận cấp xã, phường) tại những khu vực thường xuyên bị chia cắt khi có lũ để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.

Các tỉnh ven biển tiếp tục triển khai các biện pháp đối phó với lũ và thời tiết nguy hiểm theo nội dung công điện số 32CĐ/PCLBTW ngày 30-10-2010 của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy Ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và công văn số 347/PCLBTW ngày 30-10-2010 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCLBTW. Tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức di dời 1.137 hộ/4.548 người, Khánh Hòa di dời 270 hộ/1.034 người đến nơi an toàn.

Đến sáng 1-11, diện tích ngập lụt tại các tỉnh đã giảm nhiều. Hiện chỉ còn một số vùng hạ lưu các sông tại Khánh Hòa và Ninh Thuận còn bị ngập cục bộ nhưng không bị chia cắt. Các hồ chứa nước thủy lợi trong khu vực từ Phú Yên đến Ninh Thuận hiện đảm bảo an toàn và đang chủ động vận hành xả tràn theo đúng quy trình.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong ngày 1-11, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc và nhiễu động trong đới gió đông vẫn còn hoạt động mạnh, vùng áp thấp đang có xu hướng di chuyển về phía tây ở khu vực giữa và nam Biển Đông có gió mạnh cấp 7 - 8, giật trên cấp 8. Vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7; kèm mưa giông, sóng biển cao từ 3 - 5m; biển động mạnh. Các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có giông.

* Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết: Từ 21-9 đến 21-10, thiên tai đã làm 173 người chết và mất tích, 168 người bị thương, tổng thiệt hại trên 8.500 tỉ đồng. Riêng 2 đợt mưa lũ trong tháng 10 đã làm Hà Tĩnh thiệt hại lớn nhất với 5.200 tỉ đồng, Quảng Bình 1.900 tỉ đồng và Nghệ An 1.200 tỉ đồng.

Thiệt hại chủ yếu do hai trận lũ lớn liên tiếp xảy ra tại các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ gây thiệt hại nặng về người và tài sản, trong đó 3 tỉnh bị thiệt hại nặng là Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Theo báo cáo của các địa phương, hai trận lũ đã làm 161 người chết và mất tích (Quảng Bình có 72 người bị chết, Hà Tĩnh 31 người; Nghệ An 30 người); gần 700 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi; hơn 400 nghìn ngôi nhà bị ngập, tốc mái; trên 51 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập nước; gần 20 nghìn ha thủy sản nuôi trồng bị hư hỏng, trong đó khoảng 10 nghìn ha bị mất trắng; gần 280 km đê và hơn 330 km kênh mương bị vỡ, sạt lở và cuốn trôi; trên 1 nghìn km đường giao thông cơ giới bị sạt lở; gần 1,4 nghìn cột điện các loại bị đổ gãy.

Để giúp các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan trích 660 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2010 và xuất cấp không thu tiền 11 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cấp kịp thời cho các tỉnh. Tổng số tiền hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng 10 vừa qua nhận được từ Trung ương và nguồn dự phòng của các tỉnh cũng như từ các nguồn khác là gần 700 tỉ đồng, hơn 14 nghìn tấn gạo, trên 153 tấn mì tôm, 58 nghìn thùng nước khoáng và nhiều loại nhu yếu phẩm cần thiết khác.

VĂN HÀO-NGUYỄN KIM ANH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết