28/02/2020 - 20:01

Cà Mau đề xuất đưa nước mặn vào vùng ngọt trong mùa khô 

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn gây ra nhiều thiệt hại thời gian qua,  UBND tỉnh Cà Mau vừa tổ chức hội nghị “Bàn giải pháp khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau”. Trong hội nghị, UBND tỉnh Cà Mau đặt vấn đề “đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa của tỉnh để hạn chế sụt lún, sạt lở đất”, để các đại biểu bàn luận, đóng góp ý kiến.

Tỉnh Cà Mau đề xuất đưa nước mặn vào vùng ngọt để giảm thiệt hại do hạn hán gây ra.

Có nước mặn, giảm sạt lở

Ông Nguyễn Thành Được, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, cho biết tính đến cuối năm 2019, xã Khánh Hải xảy ra 164 điểm sạt lở, sụt lún với chiều dài khoảng 4,4km. Nhiều đoạn đường giao thông nông thôn bị hư hại và nguy cơ bị hư hại. Tuy nhiên, vào giữa tháng 1, cống Trùm Thuật Nam bị sự cố, nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt hóa của xã. Sau khi mực nước trong kênh rạch tăng lên thì trên địa bàn không còn xảy ra sạt lở, còn vùng giáp ranh với xã mực nước thấp, vẫn xảy ra sạt lở. “Mực nước trong kênh rạch trên địa bàn đang cách mặt ruộng của người dân khoảng 1,5m. Nếu đưa nước mặn vào khoảng 0,8-1m thì không thể làm thấm vào ruộng đồng của người dân”- ông Được nói.

Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, nhận định, không nói đến việc đưa nước vào có giúp giảm thiểu tình trạng sụt lún, sạt lở đất hay không nhưng từ thực tế nghiên cứu, việc đưa nước mặn vào như ý kiến của tỉnh Cà Mau thì nước mặn sẽ rất khó ảnh hưởng tới lớp đất mặt, ảnh hưởng sản xuất lúa. Tỉnh Cà Mau sản xuất lúa bằng nước mưa nên chỉ cần đảm bảo công tác rửa mặn khi mùa mưa đến thì tỉnh có thể xem xét tính hiệu quả để thực hiện.

Ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, cũng ủng hộ phương án đưa nước mặn vào để bù lại lượng nước bị sụt giảm nghiêm trọng do hạn hán. Tuy nhiên, để đảm bảo sản xuất ngọt thì tỉnh Cà Mau cần thận trọng.

Cần thận trọng

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, PGS-TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cho rằng cần xem xét lại quy hoạch, nếu tỉnh Cà Mau sẽ chuyển đổi vùng ngọt qua làm mô hình tôm - lúa thì đưa nước mặn vào, không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu vẫn giữ vùng ngọt thì cần đánh giá tác động một cách toàn diện.

Còn PGS-TS Doãn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, khẳng định: Việc đưa nước mặn vào có giá trị rất nhỏ trong việc tạo lực phản áp giúp hạn chế sạt lở, sụt lún đất. Thực tế áp lực thủy tĩnh của nước rất thấp và nó không phụ thuộc vào không gian nước mà phụ thuộc vào chiều cao mực nước. “Theo công thức tính, đưa vào 1 khối nước thì chỉ tăng được áp lực 0,1kg/m2. Đưa lượng nước vào cao 5 khối thì lên được
0,5kg/m2. Vì vậy, phương án tỉnh tính đưa nước mặn vào không có ý nghĩa lớn trong việc tạo áp lực chống lại, nên cần cân nhắc thật kỹ” - ông Tâm nói.

Tính đến giữa tháng 2 vừa qua, toàn tỉnh Cà Mau đã có hơn 18.000ha lúa bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, hơn 12.500ha thiệt hại trên 70%, phần còn lại thiệt hại từ 30-70%. Tỉnh cũng đang có hơn 20.500 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt, từ đầu mùa khô đến nay đã xảy ra trên 900 vụ sụt lún, sạt lở đất. Trong đó, có những vị trí sụt lún, sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng các tuyến đường huyết mạch của tỉnh Cà Mau.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Thực tế, việc sạt lở, sụt lún đất trong mùa hạn hán của địa phương chỉ diễn ra ở vùng ngọt hóa mà không xảy ra ở vùng mặn. Đặc biệt, mùa hạn hán khốc liệt năm 2015-2016 tình hình lở, lún giống như năm nay nên đưa nước vào để hạn chế thiệt hại tiếp tục là có cơ sở. Dự báo hạn mặn còn kéo dài, tình hình sạt lở, sụt lún có nguy cơ gây thiệt hại nặng nề hơn cho tỉnh. Cà Mau đang rất cần một giải pháp trước mắt nhưng sẽ lắng nghe thêm các ý kiến và xem xét kỹ lưỡng trước khi có quyết định.

Bài, ảnh: Hiếu Nghĩa

Chia sẻ bài viết