10/11/2010 - 20:59

“Một cửa hiện đại” -

Bước đột phá mới trong cải cách hành chính

Sau thời gian thực hiện mô hình Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tại Bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả” (TN&TKQ) ở 2 quận Ô Môn và Bình Thủy đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phục vụ nhân dân. Qua đó, cơ quan hành chính nhà nước cũng được nhiều tiện ích như: Thông tin việc giải quyết hồ sơ được lưu trữ trong hệ thống máy tính được cập nhật đầy đủ, xác định rõ thời gian giải quyết của từng người, từng bộ phận, khắc phục tình trạng đùn đẩy lẫn nhau...

* Tín hiệu khả quan!

 Người dân quận Bình Thủy tra cứu thông tin giải quyết hồ sơ. Ảnh: VÂN LÂM

Mô hình Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tại Bộ phận “TN&TKQ” hay còn gọi là Một cửa hiện đại (MCHĐ) ở quận Ô Môn chính thức đi vào hoạt động từ ngày 17-6-2010. Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và phần mềm cho Bộ phận “MCHĐ” hơn 1,8 tỉ đồng. Bộ phận “MCHĐ” của UBND quận tập trung 8 ngành, với 12 lĩnh vực thủ tục hành chính, được bố trí thành 8 quầy tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính như: Chứng minh nhân dân; chứng thực, hộ tịch; lao động, thương binh xã hội; đất đai; môi trường; đăng ký kinh doanh, xây dựng, cấp mã số thuế; thu thuế những hồ sơ có nghĩa vụ tài chính, thu lệ phí và thông báo nộp thuế những hồ sơ có nghĩa vụ tài chính; trả kết quả. Mỗi quầy có 1 bảng số điện tử hiển thị số thứ tự khi loa tự động gọi số để tổ chức, cá nhân biết đến quầy nộp hồ sơ hành chính. Sau 4 tháng hoạt động, Bộ phận “MCHĐ” đã tiếp nhận được 8.137 hồ sơ, hoàn thành kết quả trước hạn, đúng hạn đạt 98,99%. Đặc biệt, nhờ địa phương ứng dụng công nghệ thông tin gởi cho nhiều đơn vị cùng lúc và tiến hành đồng thời nhiều khâu, cùng lúc mạnh dạn ra kết quả trước khi nộp thuế, để khi tổ chức, cá nhân nộp thuế xong là trả kết quả được ngay. Vì thế, đơn vị đã rút ngắn được quy trình, người dân chỉ cần đến 2 lần, giảm thời gian so với quy định chung (trong đó, có những loại thủ tục hành chính rút ngắn thời gian từ 6 đến 22 ngày).

Còn tại quận Bình Thủy, mô hình “MCHĐ” đi vào vận hành chính thức ngày 15-9-2010. Bộ phận “TN&TKQ” tại quận Bình Thủy có diện tích 178m2 đất, sức chứa trên 90 người, với 9 quầy giao dịch được trang bị hệ thống mạng LAN, phòng máy chủ... Bao gồm hoạt động của 12 cán bộ, công chức (CBCC) thuộc các đơn vị: Phòng Tài nguyên - Môi trường; Phòng Tư pháp; Phòng Quản lý đô thị, Kho bạc Nhà nước và Chi cục Thuế, với các lĩnh vực: Đất đai, tư pháp - hộ tịch, cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh, chính sách người có công, tư vấn - kiểm tra hồ sơ thuế và thu tiền sử dụng đất. Mỗi CBCC được trang bị 1 máy tính, máy in riêng để vận hành phần mềm. Gần 2 tháng đi vào hoạt động, số lượng hồ sơ đã giải quyết đúng hẹn đạt trên 90%, CBCC đã dần tiếp cận được phần mềm và sử dụng có hiệu quả. Tuy nhiên, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc đang vận hành tại các phòng, ban của quận, do triển khai chưa đồng bộ, một số đơn vị tiếp cận chưa sâu nên việc vận hành còn gặp một số hạn chế. Việc đầu tư giai đoạn 1 chưa có một số phần mềm chuyên dụng nên CBCC phải vừa nhập thông tin hồ sơ, vừa phải dùng phần mềm xử lý riêng nên tốc độ giải quyết hồ sơ có hạn chế so với trước đây.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, mô hình Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tại Bộ phận TN&TKQ ở hai quận Ô Môn và Bình Thủy bắt đầu hình thành những đột phá, khởi đầu cho việc tạo ra những chuyển biến trong phục vụ nhân dân. Đối với cơ quan nhà nước: Thông tin về việc giải quyết hồ sơ được lưu trữ trong hệ thống máy tính một cách đầy đủ; xác định rõ thời gian giải quyết của từng người, từng bộ phận, từ đó, khắc phục tình trạng đùn đẩy lẫn nhau. Bên cạnh đó, mô hình này làm rõ trách nhiệm cá nhân trong thực hành công vụ; công khai thủ tục, từng công đoạn giải quyết, tạo cho CBCC có thói quen làm việc trên phương tiện hiện đại, từng bước thay thế lối làm việc thủ công.

Ông Nguyễn Văn Hai, ở phường Thới Long, quận Ô Môn, cho biết: “Từ khi UBND quận thực hiện mô hình này, tôi thấy rất tiện cho người dân. Có chỗ ngồi chờ trang trọng, thoáng mát (phòng được trang bị 4 máy điều hòa nhiệt độ); việc bắt số điện tử giúp việc giải quyết hồ sơ theo thứ tự, công bằng, người dân yên tâm chờ đợi, không chen lấn, hối thúc cán bộ như trước; có thể biết tình trạng giải quyết hồ sơ của mình như thế nào, cơ quan nào đang thụ lý nhờ hệ thống trả lời tự động...”.

* Nhân rộng mô hình

Quá trình chuẩn bị và hoạt động của Bộ phận “MCHĐ” ở quận Ô Môn cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, địa phương và các ngành mới được tiếp cận nên mọi thứ từ nội dung, quy trình thực hiện đề án cũng chưa nắm được cụ thể; phần mềm đến phần cứng cũng chưa có thông tin đầy đủ về các đặc tính kỹ thuật, giá cả... phải mò mẫm, nghiên cứu trong lúc quỹ thời gian chuẩn bị rất ít. Đặc biệt, những trục trặc sự cố về phần mềm kỹ thuật, về phần cứng của thiết bị là ngoài tầm tay của địa phương, trong lúc đơn vị cung cấp ở xa, nếu chờ đợi sẽ ảnh hưởng đến vận hành của hệ thống. Thêm vào đó, trong khi vận hành hệ thống, có ngày bị mất điện 3 - 4 lần mà không được báo trước, cũng làm ảnh hưởng đến việc vận hành của cả hệ thống và hư máy chủ sẽ tốn rất nhiều tiền. Trước những vướng mắc này, nhờ Công ty FPT và Sở Thông tin Truyền thông nhiệt tình hỗ trợ tìm cách khắc phục. Đồng thời, quận đã thu nhận thêm 2 cán bộ có trình độ Cao đẳng và cử nhân Công nghệ thông tin về làm việc. Ngoài ra, địa phương đã trang bị 3 máy tích điện cho 3 máy chủ, để có thời gian tắt và ổn định máy chủ, tránh tình trạng mất thông tin, dữ liệu và làm hư hỏng các máy. Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, chia sẻ kinh nghiệm: “Người được giao chỉ huy, tổ chức thực hiện phải nhạy bén, có tâm huyết, sâu sát, biết làm; phải lựa chọn đội ngũ CBCC có phẩm chất, đạo đức tốt về trình độ, kỹ năng hành chính, tận tụy với công việc. Khi vận hành, công tác quản lý phải cụ thể, sâu sát, thường xuyên kiểm tra, chủ động phối hợp giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh”.

Mô hình “MCHĐ” ở quận Ô Môn và Bình thủy đã đạt được những kết quả khả quan, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn thường đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Theo kế hoạch, UBND quận Ninh Kiều và huyện Vĩnh Thạnh sẽ xây dựng đề án “MCHĐ” và đi vào thực hiện vào cuối năm 2010. Riêng các địa phương còn lại như Cái Răng, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Phong Điền sẽ xây dựng và thực hiện đề án MCHĐ trong năm 2011. Phát biểu tại buổi sơ kết mô hình Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tại Bộ phận TN&TKQ cấp huyện được tổ chức vào ngày 26-10-2010, tại quận Ô Môn, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đề nghị: Các cấp, các ngành cần nhanh chóng đưa công nghệ thông tin vào giải quyết công việc hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước. Trước hết cần áp dụng tại Bộ phận TN&TKQ cấp huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân được phục vụ nhanh chóng, công bằng, công khai, lịch sự và đúng quy định pháp luật. Qua đó, giúp cơ quan hành chính nhà nước nhanh chóng nắm được tình hình giải quyết hồ sơ hành chính ở các đơn vị, kịp thời có số liệu tổng hợp, nhằm đề ra các chủ trương, kế hoạch chỉ đạo; xây dựng lề lối, tác phong làm việc của CBCC theo phương thức khoa học, từng bước nâng cao trình độ công dân trong việc sử dụng công nghệ hiện đại để liên hệ với cơ quan hành chính nhà nước...

Nguyên Bửu

Chia sẻ bài viết